Hé lộ rủi ro ngôi sao lĩnh lương tiền tỷ nhưng dễ... đột tử khi chơi bóng ở Trung Quốc

thứ tư 14-6-2017 10:35:00 +07:00 0 bình luận
Nguyên nhân cái chết của Cheick Tiote chưa được công bố, nhưng cuộc điều tra của giới truyền thông đang dần hé lộ sự thật về "thiên đường bóng đá Trung Quốc"...

Mặc dù chưa công bố nguyên nhân cái chết của cựu ngôi sao giải Ngoại hạng, Cheick Tiote, nhưng công cuộc điều tra của giới truyền thông đang dần hé lộ một sự thật đầy rủi ro cho nhiều ngôi sao chạy sang Trung Quốc chơi bóng vì mức lương khủng...

“Lúc 18h00 ngày 5/6 (giờ Bắc Kinh), Tiote đã bất tỉnh trong quá trình tập luyện. Anh ấy  lập tức được đưa đến bệnh viện nhưng đã qua đời vào 19h00”, trang chủ CLB Beijing Enterprises đưa tin.

Cái chết đột ngột của tiền vệ 30 tuổi làm bàng hoàng giới túc cầu bởi ai cũng biết Tiote là một cầu thủ khỏe mạnh và có thể lực rất tốt. Thời còn thi đấu cho Newcastle ở giải Ngoại hạng, Tiote thi đấu quyết liệt không ngại va chạm và từng được mệnh danh là "Bức tường thép" ở tuyến giữa.

Vung tiền tỉ mua sắm các CLB Trung Quốc không có nổi máy trợ tim

Đóa hoa tưởng niệm nơi Tiote gục xuống 

Bởi vậy tất cả NHM đều đang rất quan tâm nguyên nhân vì sao cầu thủ người Bờ Biển Ngà đột ngột qua đời khi chỉ còn 16 ngày là anh bước sang tuổi 31. 

Sau gần 10 ngày, CLB Beijing Enterprises và các cơ quan liên quan vẫn chưa công bố nguyên nhân dẫn đến cái chết của Tiote. Tuy nhiên với sự vào cuộc của báo chí mọi thứ đang dần hé lộ.

Cách đây ít giờ tờ Daily Mail tiết lộ: "Phòng y tế của SVĐ của CLB Beijing Enterpises thiếu những thiết bị vô cùng cơ bản, họ không có máy trợ tim tức thời và thiếu thốn rất nhiều dụng cụ y tế quan trọng khác".

Vung tiền tỉ mua sắm các CLB Trung Quốc không có nổi máy trợ tim

Papiss Cisse không cầm được nước mắt trong ngày tưởng niệm Tiote tại Bắc Kinh

Cũng theo tờ báo lớn của Anh, một phóng viên giấu tên tại Trung Quốc chia sẻ: "Điều kiện y tế của các CLB Trung Quốc thấp hơn nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Các bác sỹ của đội bóng tập trung chữa trị cho các cầu thủ bằng Đông Y như xoa bóp bấm huyệt vì vậy họ không quan tâm tới các trang thiết bị y tế hiện đại".

Trong khi đó, ông Christopher Atkins đại diện của công ty thể thao RWMG Sports tại Trung Quốc cũng lên tiếng xác nhận: "Tôi đã vào phòng y tế của rất nhiều CLB tại Trung Quốc và nó rất đơn sơ. Nó thậm chí còn không có nhiều thiết bị y tế như những phòng khám tại các quốc gia nghèo đói ở châu Phi". 

Máy khử rung tim, thiết bị tối quan trọng bắt buộc phải có để hỗ trợ bộ phận y tế cứu những cầu thủ bị trụy tim trên sân tập hay lúc thi đấu
Máy khử rung tim, thiết bị tối quan trọng bắt buộc phải có để hỗ trợ bộ phận y tế cứu cầu thủ bị trụy tim trên sân tập hay lúc thi đấu

Tờ Daily Mail nhận định nhiều khả năng Tiote qua đời vì trụy tim. Một y tá trực tiếp tham gia cấp cứu cho anh cũng dự đoán như vậy trên tài khoản WeChat cá nhân, nhưng khoảng 2 tiếng sau anh này đã xóa đi dòng trạng thái trên.

Trong khi đó, một quan chức của đội bóng thậm chí tìm cách "che đậy" khi đăng tải dòng trạng thái trên MXH WeChat rằng Tiote đang ăn kiêng trong tháng lễ Ramadan của đạo Hồi và điều này dẫn tới việc anh thiếu sức, tử vong.

Video bàn thắng quyết định của Cheick Tiote vào lưới Arsenal được phát lại nhiều lần để tưởng nhớ anh

Rõ ràng, bi kịch mang tên Cheick Tiote không còn là câu chuyện mới với những trường hợp cầu thủ đột tử vì trụy tim.

Từ tai nạn của Marc Vivien Foe khiến thế giới bóng đá bàng hoàng tại Confed Cup 2013, đến trường hợp của Antonio Puerta (8/2007) ở La Liga, hay Fabio Morosini tại Serie B (2012), hay mới chỉ cách đây 1 năm, hồi tháng 5/2015 chỉ trong vòng 3 ngày đã có 2 cầu thủ tử vong vì vấn đề tim mạch đó là tiền vệ Bernardo Ribeiro (giải Brazil) và Patrick Ekeng (giải Romania).

Tuyển thủ người Cameroon và của CLB Dinamo Bucharest, Patrick Ekeng vừa tử vong ngay trên sân vì đau tim.
Tuyển thủ người Cameroon và của CLB Dinamo Bucharest, Patrick Ekeng vừa tử vong ngay trên sân vì đau tim.

Rõ ràng, bi kịch trụy tim không loại trừ cầu thủ nào, ở bất kỳ giải đấu nào. Thế giới từng chứng kiến tiền vệ Fabrice Muamba may mắn được cứu sống sau khi đột quỵ vì đau tim ở trận tứ kết FA Cup giữa Bolton với Tottenham hồi năm 2012. Nhưng đó là chỉ một trường hợp hiếm hoi may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần (một CĐV là bác sỹ tim mạch đã xuống sân cứu giúp). 

Còn sự thật không thể phủ nhận rằng, nếu tai nạn tim mạch xảy ra ở những đội bóng, giải đấu thiếu thốn cơ sở y tế thì thảm họa cầu thủ tử vong là rất khó tránh khỏi. Trường hợp của cầu thủ người Nigeria, Henry Ihelewere tại giải VĐQG Romania hay Abdul Haruna cựu cầu thủ của Sông Lam Nghệ An tại Việt Nam có thể lấy ra làm ví dụ. 

Tuy vậy, phần lớn nguyên nhân thiếu thốn thiết bị y tế là do kinh phí hoạt động của CLB, giải đấu hạn hẹp, thì điều mà có lẽ nằm mơ cũng ít người nghĩ tới lại xảy ra với trường hợp của các CLB Trung Quốc, những đội bóng đã vung bộn tiền chuyển nhượng và trả mức lương trên trời để chiêu mộ các ngôi sao châu Âu, Nam Mỹ

Vung tiền tỉ mua sắm các CLB Trung Quốc không có nổi máy trợ tim

Bóng đá Trung Quốc không thiếu tiền mua sao nhưng phòng y tế không có nổi một chiếc máy trợ tim

Sau tất cả, hình ảnh hào nhoáng về những thương vụ chuyển nhượng bom tấn, những mức lương trên trời dường như là sự đối lập nghiệt ngã về hình ảnh Tiote gục xuống sân tập và không nhận được bất kỳ sự trợ giúp y tế hiện đại, đầy đủ quy trình tiêu chuẩn nào nhằm đối phó những tình huống trụy tim.

Cái chết của Chieck Tiote không chỉ làm cảnh tỉnh những người làm bóng đá Trung Quốc mà còn là lời cảnh báo cho những cầu thủ luôn coi mảnh đất đông dân nhất thế giới là "Thiên đường quyến rũ", với cuộc sống vương giả cùng mức lương trên trời. 

"Tháng 1 năm nay, LĐBĐ Australia đã chính thức hỗ trợ giúp các CLB tại 3 giải đấu hàng đầu gồm giải VĐQG nam, nữ, giải trẻ quốc gia nước này, mua sắm máy khử rung tim để sử dụng cả trong tập luyện lẫn thi đấu.

Biện pháp này được đánh giá rất cao, mà hãy nhớ giải đấu của Australia còn kém xa China Super League xét về khoản mua sắm và trả lương cầu thủ". 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm