Với sự phát triển vũ bão của mạng xã hội, các cầu thủ có thể đút túi hàng chục triệu đô mỗi năm chỉ nhờ vài dòng chia sẻ trên Facebook, Twitter hay Instagram.
Một năm nữa, Cristiano Ronaldo lại dẫn đầu danh sách những cầu thủ bóng đá có ảnh hưởng nhất trên mạng xã hội. Thành tích này vốn không có gì bất ngờ nếu nhìn vào những thành công mà ngôi sao Bồ Đào Nha đạt được trong năm 2016.
Tính ra, Ronaldo đã thâu tóm mọi danh hiệu cao quý nhất trong năm qua, bao gồm vô địch UEFA Champions League, FIFA Club World Cup cùng Real Madrid, vô địch EURO 2016 cùng đội tuyển Bồ Đào Nha và giải thưởng Quả bóng vàng 2016 của tạp chí France Football.
Bên cạnh đó, ngôi sao Real Madrid cũng ẵm luôn danh hiệu “Ông vua mạng xã hội” với tổng số 253 triệu người theo dõi trên 3 mạng xã hội phổ biết nhất thế giới, bao gồm Facebook, Twitter và Instagram. Xếp ngay sau Ronaldo trong trong danh sách này là 2 ngôi sao Barcelona, Neymar và Lionel Messi với cùng 150 triệu fan trên mạng xã hội.
Quan trọng hơn cả, mạng xã hội hiện tại không còn đơn thuần đóng vai trò kết nối, tăng cường sự giao lưu giữa các ngôi sao, các đội bóng với NHM. Quan trọng hơn cả là những tài khoản Facebook, Twitter hay Instagram có thể mang lại hàng chục triệu đô mỗi năm cho các cầu thủ và CLB hàng đầu thế giới.
Lấy ví dụ trường hợp của Cristiano Ronaldo. Ngôi sao Real Madrid mới ký hợp đồng trọn đời với Nike vào đầu tháng trước. Anh vinh dự trở thành cầu thủ bóng đá đầu tiên gắn bó trọn đời với hãng sản xuất dụng cụ thể thao hàng đầu thế giới đến từ nước Mỹ. Thậm chí, giá trị của bản hợp đồng này còn lên đến mức 1 tỷ USD, ngang bằng với những thỏa thuận giữa Nike và ngôi sao bóng rổ Lebron James.
Nhưng nguyên nhân nào giúp Ronaldo có được bản hợp đồng béo bở này? Theo lý giải của hãng phân tích thương hiệu thể thao Hookit thì cầu thủ Bồ Đào Nha được Nike “chọn mặt gửi vàng” nhờ giá trị thương hiệu và ảnh hưởng cực lớn của anh trên mạng xã hội.
Trước hết, Ronaldo rất chăm quảng cáo trên mạng xã hội. Chỉ có 4 người trong Top 100 VĐV kiếm tiền giỏi nhất thế giới năm 2016 có nhiều bài viết quảng cáo trên mạng xã hội hơn Ronaldo.
Nhưng không phải ai cũng có thể tạo ra hiệu ứng như Cristiano Ronaldo, thu hút lượng người quan tâm kỷ lục đến các bài viết của mình trong một năm qua, 34 triệu người. Trung bình, một dòng chia sẻ trên mạng xã hội của ngôi sao Real Madrid thu hút khoảng 652.000 lượt thích, bình luận, hoặc chia sẻ, mấu chốt giúp các thương hiệu thu về lợi nhuận khổng lồ từ mạng xã hội.
Chỉ tính năm ngoái, những bài quảng cáo trên mạng xã hội của Cristiano Ronaldo giúp các thương hiệu hợp tác với anh kiếm tổng cộng 176 triệu USD, chiếm gần một nửa giá trị được 100 VĐV kiếm tiền giỏi nhất thế giới trong năm 2016 mang về cho các thương hiệu mà họ quảng cáo (371 triệu USD). Riêng hãng Nike đút túi đến 36 triệu USD chỉ với 59 dòng chia sẻ của Ronaldo.
Cùng khoảng thời gian trên, không một ngôi sao bóng đá nào tạo ra lợi nhuận từ công việc quảng cáo trên mạng xã hội hơn Ronaldo. Xuất sắc như Messi cũng chỉ kiếm được 19,3 triệu USD. Neymar (16,5 triệu USD), James Rodriguez (16 triệu USD) và Gareth Bale (9,5 triệu USD) xếp ngay phía sau trong danh sách này, tương ứng với vị trí của mỗi người trong Top những cầu thủ có lượng fan đông đảo nhất trên mạng xã hội.
Nhờ tài quảng cáo của bản thân, Ronaldo kiếm được 32 triệu USD tiền quảng cáo, chiếm đến 36% thu nhập của anh trong năm 2016. Lionel Messi cũng đút túi 28 triệu USD với công việc tương tự.
Giá trị ảo, lợi nhuận thật
Khi Man Utd đoạt chức vô địch Premier League cuối cùng vào năm 2013, trang Twitter của đội bóng này chỉ có 1 triệu lượt người theo dõi. Con số này vào thời điểm tại đã tăng gấp 10 lần. Chưa kể, tài khoản Facebook (72 triệu) và Instagram (15 triệu) của “Quỷ đỏ” cũng ngày càng thu hút nhiều người theo dõi để giúp đội bóng này vươn lên xếp thứ 3 trong danh sách những CLB sở hữu lượng fan đông đảo nhất trên các mạng xã hội phổ biến, bao gồm Facebook, Twitter và Instagram.
Chỉ riêng chi tiết trên cũng đủ cho thấy mạng xã hội đang tạo ra sự ảnh hưởng mạnh mẽ như thế nào trong thế giới bóng đá. Nếu tính từ tháng 09/2014 đến nay, lượng fan của 10 đội bóng có nhiều người theo dõi nhất trên mạng xã hội tăng đến 70%.
Sự phát triển mạnh mẽ này xuất phát từ việc các đội bóng đang tìm mọi cách để gia tăng lượng fan ở khắp mọi nơi trên thế giới bằng nhiều cách thức khác nhau, ví như Man City thậm chí còn mở đến 10 tài khoản Twitter sử dụng những ngôn ngữ khác nhau để phủ sóng toàn cầu.
Dĩ nhiên, các đội bóng tiêu tốn cả đống tiền để chăm chút cho các tài khoản mạng xã hội của họ không chỉ để tăng cường giao lưu, kết nối với NHM. Nếu doanh thu từ bản quyền truyền hình và trận đấu phụ thuộc nhiều vào phong độ thi đấu, thì lợi nhuận thu về từ các hoạt động thương mại lại chịu tác động bởi độ phủ sóng toàn cầu của mỗi đội bóng.
Chính vì thế, điều quan trọng nhất mà Real Madrid, Barcelona hay Man Utd hướng đến trong cuộc chiến trên lĩnh vực truyền thông không gì khác ngoài lợi nhuận khổng lồ mà các trang mạng xã hội mang lại.
Và cũng giống như các cầu thủ, các đội bóng cũng tạo ra những giá trị rất lớn với các bài quảng cáo trên Facebook, Twitter hay Instagram. Đổi lại, họ sẽ nhận được những nguồn tài trợ béo bở đến từ các thương hiệu hàng đầu thế giới như Nike, Adidas, Puma, ....
Một cuộc điều tra của hãng phân tích hoạt động kinh doanh, tài chính bóng đá châu Âu Football Benchmark cho biết, sự gia tăng lượng người theo dõi trên mạng xã hội thường đi kèm với sự tăng trưởng doanh thu mỗi năm của các đội bóng.
Ví như trường hợp của Barcelona ở mùa giải 2014/15, cú đúp danh hiệu giúp họ tăng 31% lượng fan trên mạng xã hội và 34% doanh thu cả mùa, chủ yếu đến từ quảng cáo. Tính ra, chỉ có Bayern Munich, Juventus và PSG là những đội bóng hiếm hoi trong 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu có doanh thu trong mùa giải 2014/15 sụt giảm so với mùa giải 2013/14, dù lượng fan trên mạng xã hội của họ vẫn tăng đều.
Hiểu một cách đơn giản, những đội bóng sở hữu lượng fan đông đảo trên mạng xã hội sẽ tạo ra giá trị lớn từ việc quảng cáo trên Facebook, Twitter hay Instagram. Chính vì thế, các đội bóng như Real Madrid, Barcelona hay Man Utd sẽ luôn nhận được sự ưu ái của các thương hiệu lớn khi mà họ vẫn còn đứng đầu thế giới trong “cuộc sống ảo”.