Kể từ mùa giải 1980/81 đến mùa giải 2015/16, giá vé xem cả mùa tại giải VĐ Anh/Premier League đã tăng gần 1.500%.
Kết luận trên được rút ra từ một cuộc nghiên cứu của tờ Daily Mail. Theo đó, một chiếc vé ngày rẻ nhất của Man Utd vào năm 1989 chỉ có giá 3,5 bảng. 20 năm sau, con số này tăng lên 28 bảng.
Câu chuyện của Liverpool thậm chí còn kinh khủng hơn nữa. Trong cùng khoảng thời gian trên, giá vé rẻ nhất của The Kop tăng từ 4 bảng lên đến 45 bảng, tức tăng gấp 1.025%.
Trong khi đó, Arsenal thì vẫn là câu lạc bộ có giá vé “chát” nhất tại Premier League từ trước đến nay. Từ năm 1989 đến năm 2011, giá vé rẻ nhất xem các trận đấu của Arsenal thay đổi từ 5 bảng lên 51 bảng, tăng 920%.
Năm ngoái, Liverpool còn gây sốc khi đề xuất tăng giá vé lên mức ... 77 bảng. Dĩ nhiên, ý định này đã vấp phải dữ dội của NHM đội bóng áo đỏ. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra nhằm yêu cầu các đội bóng điều chỉnh giá vé phù hợp với túi tiền của NHM.
Rốt cuộc, Ban tổ chức Premier League cũng có động thái xoa dịu cơn giận dữ của các “Thượng đế” khi ra quyết định, các đội bóng đều phải điều chỉnh giá vé sân khách xuống mức kịch trần là 30 bảng. Như vậy, số tiền tối đa mà NHM phải bỏ ra để theo dõi 19 trận đấu sân khách ở mùa giải 2016/17 chỉ là 570 bảng.
Tuy nhiên, giá vé các trận đấu sân nhà của hầu hết các đội bóng hãy còn khá cao, và thậm chí còn có sự gia tăng trong mùa giải tới. Ví như Arsenal vừa tăng mức giá xem 19 trận đấu trên sân Emirates dành cho CĐV nhà từ 1.014 bảng lên 1.035 bảng. Tương tự là nhà ĐKVĐ Leicester cũng tăng giá vé mùa rẻ nhất cho 19 trận sân nhà từ 365 bảng lên 395 bảng.
Trong khi đó, Man Utd, Man City và Chelsea vẫn giữ nguyên vé mùa của họ ở mức giá rẻ nhất lần lượt là 532 bảng, 299 bảng và 750 bảng. Riêng Liverpool thậm chí còn giảm giá vé mùa của họ từ mức 710 bảng xuống 685 bảng.
Chia sẻ về thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội CĐV Anh, Malcolm Clarke cho biết: “Một số đội bóng tại Premier League có mức giá vé hợp lý. Nhưng các đội bóng hàng đầu của giải đấu và đặc biệt là các đội bóng tại London, lại đưa ra những mức giá quá cao”.
“Những mức giá như vậy nằm ngoài khả năng tài chính của rất nhiều người trẻ tuổi, những người có nhu cầu lớn nhất để vào sân theo dõi trực tiếp một trận đấu. Bởi vậy, nếu có quan tâm thì họ cũng chỉ có thể xem các trận đấu trong quán rượu”.
Thật vậy, một cuộc khảo sát của tờ Daily Mail đã chỉ ra rằng, số lượng khán giả dưới 16 đến sân trong mùa giải 2006/07 chỉ chiếm 9% so với 22% vào năm 1983. Điều đáng nói là các đội bóng Anh đều có chính sách ưu đãi về giá vé cho những CĐV dưới 16 tuổi. Ấy vậy mà số lượng CĐV trong nhóm tuổi đến sân còn giảm thì có thể hiểu rằng mức giá vé hiện tại "chát" như thế nào.
Nhưng đâu là nguyên nhân khiến giá vé cứ tăng phi mã trong thời gian qua?
Nhiều ý kiến từng cho rằng, các đội bóng tăng giá vé nhằm “hạn chế” CĐV đến sân để tránh tái diễn những thảm kịch chen lấn dẫn đến chết người như thảm họa Hillsborough xảy ra vào năm 1989.
Tuy nhiên, thực tế rõ ràng không phải bởi các đội bóng vẫn luôn tìm cách mọi cách để mở rộng sân vận động và thu hút CĐV càng đông càng tốt.
Đầu năm nay, nhà báo tự do Andy Kelly có thực hiện một cuộc nghiên cứu để tìm hiểu giá vé của Arsenal đã thay đổi cùng với sự phát triển của Premier League. Trong đó, Kelly chọn mốc thời gian đầu tiên là mùa giải 1980/81, thời điểm mà giá vé xem một trận đấu còn rất rẻ, 3 bảng cho một vé ngày.
Sau 35 năm, giá vé đã tăng đến 1.423 lần, đạt mức 45,69 bảng vào mùa giải 2015/16. Và một trong những lý do khiến giá vé tăng nhanh như vậy là sự lạm phát tăng cao tại Vương quốc Anh trong giai đoạn 1995/96-2005/06 khiến mức lương cầu thủ cũng tăng vọt.
Không còn cách nào khác, các đội bóng buộc phải tăng giá vé nhằm cân bằng tài chính của câu lạc bộ. Thật vậy, trong khoảng 10 năm trên, giá vé tăng gấp 3 lần và mức lương của cầu thủ thậm chí tăng đến 8 lần.
Và cũng chính vì lương các cầu thủ tăng đột biến như vậy nên không có gì lạ khi lương cầu thủ bóng đá và mức lương trung bình tại Anh có sự chênh lệch rất lớn.
Cụ thể, trong giai đoạn 1980/81, cầu thủ kiếm nhiều tiền nhất của Arsenal có mức lương là 50.000 bảng/năm, gấp 11 lần so với mức lương trung bình tại Anh.
Theo thời gian, sự chênh lệch ngày càng được nới rộng. Ở mùa giải năm ngoái, Mesut Oezil là cầu thủ hưởng lương cao nhất Arsenal đút túi 7 triệu bảng/năm, cao hơn mức lương trung bình tại vương quốc Anh đến 290 lần.