Thành công của Klopp được đi kèm với cụm từ “gegenpressing” – một triết lý bóng đá phản ánh đúng chất “điên” đầy cuồng nhiệt của Klopp: cả đội áp sát gây áp lực lên đối phương ngay sau khi mất bóng như một cách chống phản công và có thể tổ chức phản công chớp nhoáng nếu giành lại được bóng.
Gegenpressing có tốc độ, có nhịp độ cao đôi lúc đến nghẹt thở, dễ gây hưng phấn. Và giờ, “gegenpressing” giống như thứ bùa chú thần diệu của Harry Potter-Klopp mang sang Liverpool trong sứ mệnh khôi phục lại nguồn tài nguyên trên thảm cỏ Anfield, vốn trong tình trạng khô hạn danh hiệu vài thập kỷ qua. Thành công như Dortmund hay không, đương nhiên, thời gian mới trả lời. Song điều lo ngại nhất đến từ “hội chứng cuồng Klopp” (Kloppmania).
Bởi thành công của một đội bóng cần hội tụ nhiều yếu tố, không đơn giản như tính chất bắc cầu “Dortmund thành công với gegenpressing thì Liverpool cũng vậy”.
Ví dụ ngay trường hợp HLV Toshiya Miura của ĐT Việt Nam chứ không đâu xa. Kinh nghiệm dẫn dắt các CLB Nhật Bản (hầu hết đều ở hạng nhì), cộng thêm một loạt bằng huấn luyện hạng cấp cao, Miura được kỳ vọng “chất Nhật”, vốn có nhiều yếu tố tương đồng với xứ Việt chúng ta từ con người đến văn hoá sẽ mang lại thành công cho ĐTQG.
Nhưng hơn 1 năm ở Việt Nam, dù đã hoà nhập với cuộc sống ở dải đất hình chữ S, đã “kết” bia hơi nhưng Miura đang bị cho không phù hợp với bóng đá Việt, không thể giúp ĐTQG xoay chuyển vị thế. Phán xét câu chuyện đúng hay sai là rất khó và vô cùng, cho dù nhiều thông tin trong đó có cả tạm gọi là nguồn đáng tin cậy cho thấy Miura không phải “phù thuỷ có cây đũa vàng” hô phép cho bóng đá Việt như chờ đợi. Chỉ có thể tạm kết luận thế này, những gì từng giúp HLV Miura thành công trước đó có lẽ không hợp “thổ nhưỡng” bóng đá Việt.
“Thổ nhưỡng” Anfield hợp Gegenpressing-Klopp hay không? Từ từ chờ xem!
Q.Nguyên