Động lực cho Trung Quốc làm bóng đá

thứ năm 28-1-2016 22:58:49 +07:00 0 bình luận
Trong thời gian qua, làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc xâm thực thế giới bóng đá ngày càng rầm rộ tới mức giới truyền thông quốc tế tin tưởng thời điểm VCK World Cup tổ chức ở nước này chẳng còn xa. 

Trong thời gian qua, làn sóng nhà đầu tư Trung Quốc xâm thực thế giới bóng đá ngày càng rầm rộ tới mức giới truyền thông quốc tế tin tưởng thời điểm VCK World Cup tổ chức ở nước này chẳng còn xa. Và dĩ nhiên, hiện tượng nào cũng có nguyên nhân của nó. Đơn cử như trước đây, không phải vô cớ mà người dân Trung Quốc đổ xô chơi bóng bàn khắp hang cùng ngõ hẹp. Tinh thần thể thao tuyệt vời ấy chỉ xảy ra sau sự kiện “ngoại giao bóng bàn” khi tay vợt Trang Tắc Đống tặng bức chân dung cho tay vợt Mỹ, tạo điều kiện làm tan băng mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Còn trong thập niên qua, Trung Quốc dường như đang muốn chứng tỏ ảnh hưởng sâu rộng của văn hóa Trung Hoa trên khắp thế giới. Đấy là lý do để họ từng cử một đoàn làm phim đi khắp thâm sơn cùng cốc để thực hiện loạt phóng sự nhằm xác định nhiều câu chuyện trong Truyện cổ Grimm nổi tiếng của người Đức thực chất có nguồn gốc từ Trung Quốc! Tuy nhiên, khát vọng lớn nhất của giới thể thao và văn hóa Trung Quốc xem ra vẫn muốn thế giới thừa nhận nơi này mới chính là khởi thủy của bóng đá, môn thể thao vua hiện nay.

Vì thế mà mới đây, khi biết một nhà nghiên cứu lịch sử người Đức muốn tìm hiểu về bóng đá ở Trung Quốc, nước này đã nhiệt tình giao ra những tác phẩm mà họ bảo là có từ thời Tống với những quy định rạch ròi về đá bóng như hai đội mặc áo khác màu, có đội trưởng hẳn hoi, nhưng chỉ có 1 cầu môn với 1 bên tấn công và bên kia chống đỡ mà không có thủ môn. Song song đó, người Trung Quốc còn khẳng định đá bóng đã rất phổ biến và đặc biệt thịnh hành vào thời Tống như mô tả trong truyện Thủy Hử với những nhân vật có thể trở thành quyền quý nhờ tài đá bóng…

Vấn đề chỉ là người Trung Quốc muốn chứng tỏ họ mới là nơi phát minh ra bóng đá, song thế giới có thừa nhận hay không lại là chuyện khác. Bởi lẽ, cách mô tả lối đá bóng của người Trung Hoa cổ xưa, kèm thêm các hình vẽ minh họa phần nào cho thấy trò chơi này giống cầu mây hơn. Mà trong các môn thể thao, chỉ vài dị biệt nho nhỏ là đủ để gợi ra một cái tên rất khác. Như vào năm 1858, CLB lâu đời nhất thế giới là Sheffield FC từng chơi bóng bằng cả tay, mà sau này, trò chơi ấy chuyển thành “bóng bầu dục kiểu Úc” chứ không phải bóng đá với luật lệ cụ thể được hoàn tất vào thập niên 1860’ với quy định mỗi đội 11 người, không dùng tay chơi bóng (trừ thủ môn), có phạt góc và phạt đền cùng mỗi trận 90 phút…

Nhưng thôi, khoan tranh cãi về lịch sử. Bởi với bóng đá thế giới, việc Trung Quốc đang cố gắng chứng tỏ họ là thủy tổ của “túc cầu giáo” và nỗ lực phát triển môn thể thao này ở mọi khía cạnh có lợi nhiều hơn hại. Nguyên nhân rất đơn giản và có phần kỳ lạ: Trung Quốc hiện cũng là vùng trũng của môn thể thao vua, vì người dân khoái bóng bàn hơn nên bóng đá không được quan tâm đúng mức, khiến các CLB Trung Quốc thường thua thảm ở đấu trường châu lục cũng như ĐTQG bị quần cho lên bờ xuống ruộng ở các giải quốc tế. Nhưng mấy năm gần đây, khát vọng muốn khẳng định bóng đá Trung Quốc có sức mạnh đủ để xứng đáng với vị thế của “quê hương bóng đá” đã thúc đẩy các doanh nhân nước này đầu tư mạnh vào môn thể thao vua, giúp các CLB của họ bắt đầu gặt hái vinh quang trên trường quốc tế. Nền móng bước đầu đã củng cố, nên không bất ngờ khi họ đang cố gắng làm lớn hơn. Đấy chính là điều mà các lãnh đạo bóng đá quốc tế chào đón.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm