Khi Silvio Berlusconi chính thức tiếp quản, Milan đã bước vào một kỷ nguyên mới với những ánh hào quang rự rỡ ở phía trước, khiến cả thế giới bóng đá chao đảo.
Sự xuất hiện của Berlsuconi ở Milan đã khiến văn hóa tại CLB thay đổi hoàn toàn. Một động lực thương mại mới và năng lượng mới bắt đầu bén rễ. “Tôi còn nhớ ngày hôm đó như là hôm qua. Đó không phải là chỉ việc đi bằng máy bay trực thăng, có nhiều cảm giác về sự thay đổi lớn, rằng mọi thứ thực sự sẽ không còn như trước nữa”, tượng đài một thời Franco Baresi hồi tưởng...
Hiệu ứng Berlusconi
Một chiến dịch công khai đã được thực hiện trên các kênh của Fininvest vào mùa Hè năm đó. Milan quảng cáo rầm rộ cho Berlusconi mà kết quả là đội bóng Đỏ - đen đạt con số kỷ lục về số người mua vé xem cả mùa lên tới hơn 60.000.
Trong trận thua Barcelona 1-3 trước mùa giải, Mark Hateley ghi bàn thắng duy nhất cho Milan. CLB đã có một sự khởi đầu nghèo nàn cho chiến dịch mới, các tifosi nóng ruột và riêng Berlusconi, với tham vọng về những thứ sẽ đến trong những năm sau đó, bắt đầu gây áp lực lên HLV Nils Liedholm.
Đến tháng 1/1987, khắp mọi nơi râm ran về câu chuyện của Marco Van Basten và Ruud Gullit. Liedholm đã bị sa thải ngay sau đó, thay thế là HLV trẻ tạm quyền Fabio Capello, trước khi Arrigo Sacchi - người tạo ra phép lạ tại Parma - sẵn sàng tiếp nhận vào mùa Hè năm 1987.
Khi Van Basten tìm nhà ở Milan thì cũng là lúc Hateley thực hiện một cuộc di chuyển, với việc băng qua biên giới tới Monaco. Sau trận đấu cuối cùng của tiền đạo này tại Giuseppe Meazza, một tấm băng rôn xuất hiện ở khán đài Curva Sud với dòng chữ: “Cảm ơn tất cả. Tôi yêu bạn, Mark Hateley”.
Vào tháng 7/1987, đến lượt Wilkins theo Hateley sang Pháp, ký hợp đồng với PSG. Khi ấy, tất cả sự chú ý dồn hết vào Sacchi, những người Hà Lan và Berlusconi.
Milan phải mất 1 năm (với những bổ sung quan trọng từ Carlo Ancelotti và Frank Rijkaard) để giành chức vô địch đầu tiên của kỷ nguyên Berlusconi, mở đường cho việc tạo ra một trong những đội bóng có ảnh hưởng nhất của thời hiện đại.
Bóng đá như một doanh nghiệp
Không quá khi nói rằng Berlusconi tạo ra thương hiệu đầu tiên trong bóng đá hiện đại. Tại cuộc họp báo một vài ngày sau khi mua CLB, ông tuyên bố: “Milan là một đội bóng, nhưng nó cũng là một sản phẩm để bán, một cái gì đó để cung cấp trên thị trường”.
So với phong cách vẫn còn rất gia trưởng của Juventus, Milan là một CLB hiện đại, cấp tiến, áp dụng các chiến lược kinh doanh và tinh thần kinh doanh của một tập đoàn có quy mô lớn khi quyền lực gia đình thao túng mạnh mẽ trong bóng đá Italia.
Berlusconi muốn thay đổi mọi thứ. Rossoneri đã trở thành một tiền đồn cho đế chế thương mại của "Bố già", là một trong những chiến lược kinh doanh cốt lõi của công ty mẹ Fininvest. Berlusconi tự biến mình trở thành nhân vật chủ chốt trong một tổ chức, một người kiểm soát toàn bộ việc đưa ra những quyết định quan trọng, dù kiến thức về bóng đá chuyên nghiệp từng hứng chịu không ít lời mỉa mai.
Văn phòng báo chí của Milan ngay lập tức trở thành trung tâm của các hoạt động, các câu chuyện; quay và dàn dựng các sự kiện; đồng thời ngày càng xuất hiện nhiều thông điệp “khủng bố” các trọng tài và đối thủ truyền thông của Berlusconi không.
Khi ấy, bản quyền truyền hình đã trở thành một yếu tố rất quan trọng, là chất xúc tác cho tất cả vẻ hào nhoáng và quyến rũ. Từ chỗ có giá trị 3,8 tỷ lire (1,25 triệu bảng) vào năm 1982, con số này đã nhảy vọt lên 970 tỷ lire (605 triệu bảng) vào năm 1988. Các kênh của Berlusconi đã tràn ngập các chương trình bình luận về bóng đá, highlights và các chương trình tin tức.
Trong vài tháng đầu tiên, Berlusconi bắt đầu thúc đẩy hội đồng thành phố thực hiện kế hoạch tân trang sân vận động. Khái niệm “khách hàng trung thành" đã được giới thiệu, gồm tất cả những người có vé mua cả mùa, cung cấp cơ sở dữ liệu hoàn hảo cho các cơ hội tiếp thị của CLB sau này.
Dệt thời đại mới
Berlusconi đã giúp Milan tái tạo cuộc chơi, mở ra thời kỳ vàng son của bóng đá Italia vào những năm 1990 nói chung. Rossoneri của Sacchi đã hoàn toàn chinh phục mọi đỉnh cao, là tiền thân của các galacticos.
Cơ sở đào tạo Milanello và trung tâm y tế Milan Lab ra đời sau đó vào năm 2002 đã trở thành tiêu chuẩn tiên tiến cho bất kỳ CLB giàu tham vọng nào muốn đạt tới.
Ở nước Anh, Premier League, được xây dựng trên nguồn thu tiền truyền hình và thương hiệu, chắc chắn đã "nợ" Berlusconi khá nhiều, mà quan trọng nhất là ý tưởng cùng tham vọng.
Cho dù bóng đá trên sân cỏ thường hoàn toàn độc lập với lý tưởng và kế hoạch kinh doanh của mình, Berlusconi vẫn luôn cảm thấy không hài lòng về các HLV. Trong 25 năm đầu tiên, vị chủ tịch này đã thay đổi 15 nhà cầm quân.
Năm 2009, vào cuối triều đại Carlo Ancelotti tại Milan, Berlusconi không ngần ngại đề cập đến sự yếu kém về công tác huấn luyện: “Nếu chúng ta không giành Scudetto năm nay, tất cả các lỗi là của Ancelotti và chiến thuật tệ hại của ông ấy”.
Một vài ngày sau đó, Berlusconi xuất hiện trên một kênh truyền hình và chỉ trích nhà chiến lược tài năng của mình: “Milan là như Real Madrid, họ luôn phải tấn công. Từ bây giờ, chúng tôi phải chơi với 2 tiền đạo. Ancelotti phải năng động hơn, ông cũng phải làm nhiều hơn nữa. Nếu không, ông sẽ không phải là HLV của Milan lâu hơn”.
Trong vòng vài tuần sau đó, Ancelotti tuyên bố sẽ rời Milan chuyển đến Stamford Bridge. Đó là dấu chấm hết cho một triều đại thành công khác dưới đế chế Berlusconi. Nhưng ác mộng hơn cả, hẳn ít người đã tưởng tượng đến và sự thật nó cũng đã thành hiện thực, Milan không bao giờ còn gượng dậy lấy lại đúng vị thế "siêu CLB" kể từ đó, Hè 2009, bất chấp việc họ giành thêm 1 Scudetto vào 2011...
Hôm 20/2 vừa qua, Milan đã kỷ niệm 31 năm Berlusconi chèo lái đội bóng. Giờ lịch sử đội bóng sắp sang trang với một ông chủ mới, nhưng nhìn lại phòng truyền thống với 8 Scudetto, 5 danh hiệu Champions League giành được kể từ năm 1986, và quan trọng là hành trình vươn lên trở thành "siêu CLB", nhiều Milanista hẳn vẫn thấy day dứt...