Kế hoạch “vĩ đại” mở rộng quy mô VCK World Cup của chủ tịch FIFA Gianni Infantino đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các CLB quyền lực nhất châu Âu.
Tân Chủ tịch FIFA, Infantino quyết tâm biến các VCK World Cup trở thành giải đấu lớn nhất thế giới theo đúng nghĩa đen. Ông muốn mở rộng số đội tham dự hiện tại từ 32 lên 40, thậm chí 48, đội kể từ năm 2026.
Tham vọng của người đàn ông quyền lực nhất thế giới bóng đá sẽ được đưa ra biểu quyết tại hội nghị FIFA vào đầu tháng 1 tới. Infantino ưu tiên lựa chọn thể thức 48 đội, với 16 bảng đấu gồm ba đội, và sau đó là vòng knock-out gồm 32 đội.
Nếu kế hoạch của Infantino thành công, vòng chung kết World Cup 2026 sẽ có 48 đội tuyển quốc gia, đồng nghĩa với việc có thêm 368 tuyển thủ tương ứng 16 đội. Chuyện này kéo dài thời gian diễn ra giải đấu (thường là một tháng) – điều khiến cầu thủ lẫn CLB không hài lòng.
Nhưng không phải tới tận 2026, sự thay đổi lớn lao khác nhiều khả năng sẽ diễn ra ngay từ VCK World Cup 2022. Việc Qatar giành quyền đăng cai khiến FIFA buộc phải cân nhắc chuyển thời điểm tổ chức giải từ mùa Hè truyền thống sang... mùa Đông, bởi khí hậu nắng nóng quanh năm khắc nghiệt tại khu vực Vùng Vịnh.
Bất chấp Qatar hứa hẹn treo thưởng “khủng” ở World Cup 2022, các CLB nhất là CLB lớn ở châu Âu vẫn phản đối bởi nó phá hỏng hệ thống thi đấu đã rất ổn định sau bao nhiêu năm.
Chủ tịch của Hiệp hội các CLB châu ÂU (ECA), ông Karl-Heinz Rummenigge, đã sớm bày tỏ sự bất mãn với tham vọng của Infantino.
“Chúng ta nên tập trung vào thể thao. Những vấn đề như chính trị và thương mại không nên được ưu tiên trong bóng đá", ông Rummenigge nói. "Vì lợi ích của CĐV và cầu thủ, chúng tôi kêu gọi FIFA không tăng số đội tuyển tham dự World Cup".
ECA gồm 220 CLB thành viên và “sở hữu” đông đảo số tuyển thủ tại bất kỳ kỳ World Cup nào. Bên cạnh đó chủ tịch của các CLB lớn như Arsenal, Celtic và Man Utd: : Ivan Gazidis, Peter Lawwell và Ed Woodward – đã viết “tâm thư” phản đối và miêu tả kế hoạch của Infantino là “không thể chấp nhận được”.
Về phía FIFA, LĐBĐ thế giới chỉ nhấn mạnh các đội tuyển không phải chơi thêm quá nhiều nếu World Cup tăng thành 40 đội. Thậm chí nếu bị loại từ vòng bảng thì chỉ cần đá 2 so với 3 trận như trước đây.
Nếu một đội tuyển vào bán kết thì thi đấu tối đa 7 trận, bao gồm một trận chung kết nếu thắng hay đá tranh ba tư nếu thua ở bán kết. Ở thể thức 32 đội, nhà vô địch World Cup cũng chỉ ra sân tối đa 7 trận.
Tuy nhiên FIFA phớt lờ chuyện sẽ có thêm 368 tuyển thủ thi đấu cộng với 80 trận phát sinh. Chưa kể lịch thi đấu World Cup kéo dài và khiến kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới của CLB bị rút ngắn.
FIFA khôn khéo nhấn mạnh các CLB sẽ được nhận nhiều tiền “đền bù” hơn. Năm ngoái, ECA và FIFA ký hợp đồng được hiểu là tiền bồi thường cho các CLB có cầu thủ thực hiện nghĩa vụ quốc gia.
Số tiền lên đến hơn 200 triệu USD (160 triệu bảng) cho hai kỳ World Cup 2018 và 2022. Đây là con số gấp 5 lần số tiền được chi ở World Cup 2010 và gấp 3 lần ở giải đấu 4 năm sau đó.
Nam Phi 2010: 40 triệu USD
Brazil 2014: 70 triệu USD
Nga 2018 + Qatar 2022: 209 triệu USD
Nhưng các CLB châu Âu nhất là các đại gia không thiếu gì tiền. Và thậm chí 5-10 triệu USD mà “đại gia” Qatar hứa hẹn vào năm 2022 chẳng mấy to tát.
Tính riêng trong năm 2016, 23/25 CLB đóng góp nhiều tuyển thủ đều đến từ ECA. 2 CLB còn lại là Muang Thong United của Thái Lan và Lao Toyota của Lào thuộc khu vực ĐNÁ.
Không CLB nào của LĐBĐ châu Mỹ nằm trong tốp 50. Đội bóng có nhiều cầu thủ lên tuyển nhất là Vancouver Whitecaps (Canada) - xếp tận 62.
Điều này nói lên tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn của ECA với các giải đấu do FIFA tổ chức, và sẽ phải khiến chủ tịch Infantino dè chừng.
Luật "đền bù" của FIFA
UEFA và FIFA bắt đầu cơ chế bồi thường cho các CLB có cầu thủ dính chấn thương khi về làm nghĩa vụ cho ĐTQG từ năm 2008. Ngoài ra FIFA cũng đã mua bảo hiểm cho các cầu thủ tham gia các trận đấu quốc tế. Tuy nhiên, mức tiền bồi thường hay cơ chế chi trả phải tùy thuộc vào mức độ chấn thương.
Theo đó, LĐBĐ thế giới sẽ đền bù tối đa 7,8 triệu USD cho các CLB với mỗi trường hợp chấn thương. Con số này được tính dựa trên mức đền bù mỗi ngày tối đa hơn 21.000 USD, chi trả trong tối đa 365 ngày.
Đây là con số có thể coi là vô nghĩa đối với các CLB hàng đầu châu Âu - nơi những ngôi sao của họ hưởng lương trung bình trên dưới 50 nghìn USD/ngày.