Đá luân lưu 11m kiểu... ABBA, bắt chước mô hình tie-break của Tennis?

chủ nhật 5-3-2017 2:17:18 +07:00 0 bình luận
Với mục đích giảm thiểu yếu tố may rủi trong những loạt “đấu súng” 11 mét, bóng đá đang có kế hoạch cải tổ bằng cách học tập loạt tie-break trong môn Tennis.

Với mục đích giảm thiểu yếu tố may rủi trong những loạt “đấu súng” 11 mét, bóng đá đang có kế hoạch cải tổ bằng cách học tập loạt tie-break trong môn Tennis.

Theo nghiên cứu của Trường Khoa học Chính trị và Kinh tế London (LSE) công bố cuối năm ngoái, thể thức đá luân lưu trong bóng đá hiện nay rất không công bằng.

juve
Đội giành quyền sút luân lưu trước có tỷ lệ thắng 60%

Giáo sư Ignacio Palacios-Huerta và đồng tác giả Jose Apesteguia đã nghiên cứu 2.820 cú sút trong các loạt luân lưu cân não từ năm 1970 đến 2008. Họ nhận thấy đội sút trước có tỷ lệ thắng lên đến 60%, tức gấp rưỡi tỷ lệ thắng của đội sút sau (40%).

Palacios-Huerta cho rằng đội giành quyền sút sau sẽ bị áp lực tâm lý của việc bỏ lại phía sau đè nặng, qua đó đối mặt với rủi ro thất bại cao hơn.

Để giúp loạt sút penalty công bằng hơn, ông gợi ý các nhà làm luật nên bắt chước loạt tie-break của môn quần vợt, trong đó tay vợt đầu tiên (A) giao bóng một lần rồi đến lượt tay vợt thứ hai (B) giao bóng hai lần, rồi đến phiên A giao bóng hai lần, cứ thế tiếp tục. 

juve
Bóng đá sẽ học theo tennis ở loạt tie-break

Theo Palacios-Huerta, mô hình ABBAABBAAB… sẽ hạn chế đáng kể bất lợi cho đội có quyền đá sau.

Hôm thứ Sáu, Stewart Regan, một thành viên của Ủy ban luật bóng đá quốc tế (IFAB) và đang là GĐĐH LĐBĐ Scotland, thừa nhận vấn đề trên và cũng đưa ra giải pháp tương tự trong cuộc họp thường niên của IFAB.

"Các thống kê cho thấy 60% các đội đá luân lưu trước giành phần thắng", Stewart Regan nói. "Chúng tôi tin rằng thể thức thực hiện ABBA có thể giải quyết sự sai lệch này. Nó xứng đáng được thử nghiệm".

Trong quá khứ FIFA từng có nhiều thử nghiệm để “tránh” trận đấu bước vào loạt đấu súng đầy may rủi. Họ áp dụng luật Bàn thắng Vàng từ năm 1998 đến 2002: Đội nào ghi bàn đầu tiên trong hiệp phụ sẽ giành chiến thắng. 

juve
Thể thức đá luân lưu hiện tại là không công bằng?

Luật này dẫn đến nhiều “cái chết bất ngờ” và khiến hai đội chú trọng phòng ngự trong 30 phút của hai hiệp phụ.

Sau đó luật Bàn thắng Bạc được áp dụng: Đội nào ghi nhiều bàn hơn trong hiệp phụ thứ nhất sẽ giành chiến thắng. Đạo luật này bớt "tàn nhẫn" hơn Bàn thắng Vàng, nhưng nó cũng không nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ và giới chuyên gia.

Vì thế, chỉ sau gần một năm áp dụng từ 2003, Bàn thắng Bạc cũng bị "bỏ xó".

Đá luân lưu 11m kiểu... ABBA, bắt chước mô hình tie-break của Tennis?
Bàn thắng bạc từng giúp Hy Lạp vượt qua CH Czech ở BK EURO 2004 và sau đó đăng quang

LĐBĐ thế giới chắc chắn sẽ phải cân nhắc nghiêm túc đề xuất đá luân lưu theo thể thức tie-break. Đặc biệt, kể từ năm 2026, World Cup sẽ có 48 đội tham dự với 16 bảng đấu 3 đội đá vòng tròn một lượt. Điều này dẫn đến khả năng lớn nhiều đội có số điểm lẫn hiệu số bàn thắng bại bằng nhau (chỉ cần mỗi đội thắng 1 và thua 1 trận). Vì vậy việc giải quyết bằng đá luân lưu là chuyện khó có thể tránh khỏi. Khi ấy, sự bất công trên chấm 11m cần được loại bỏ.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm