Đã đến lúc FIFA cần tìm ra giải pháp thỏa đáng cho những pha không chiến, sau hàng loạt vụ tai nạn hiểm nghèo khiến nhiều cầu thủ suýt mất mạng suốt 2 tuần qua.
Ryan Mason, Hector Bellerin, Martin Berkovec và Fernando Torres không phải là những võ sĩ quyền anh. Nhưng cả 4 đều bị knock-out kinh hoàng trên sân bóng sau serie tai nạn đầu nghiêm trọng liên tiếp gần đây.
Từ những pha không chiến, 4 cái tên trên đều không còn khả năng nhận thức rõ ràng và lập tức được chuyển thẳng tới bệnh viện. Mason bị rạn xương sọ và phải thở oxy, Bellerin được nhân viên y tế cố định phần đầu.
Riêng Torres và Berkovec thậm chí suýt mất mạng nếu như đồng đội không nhanh tay trợ giúp ngăn tình huống xấu các cầu thủ này tự nuốt lưỡi sau khi bất tỉnh.
Video Bellerin và Mason bị knock-out ở Premier League
Bóng đá hiện đại ngày càng khốc liệt và đòi hỏi những pha tranh chấp không khoan nhượng như vậy. Tai nạn của Bellerin, Torres hay Mason chỉ là hy hữu, xét về số lần không chiến mỗi trận và trong hằng chục hằng trăm nghìn trận đấu diễn ra mỗi cuối tuần.
Nhưng nó một lần nữa làm dấy lên những nghi ngại không có hồi kết trong môn thể thao Vua, rằng: Đánh đầu có gây tổn hại não bộ của cầu thủ?
Gần như ngay lập tức, hôm Chủ Nhật tuần trước, cựu danh thủ Zvonimir Boban - phó tổng thư ký FIFA - bác bỏ mạnh mẽ sự liên quan giữa bóng đá và chứng mất trí.
"FIFA đã hợp tác với các trường đại học và trung tâm y tế để nghiên cứu vấn đền này suốt 16 năm qua ", Boban nói. "Tất cả các nghiên cứu của chúng tôi đều đi đến kết luận không có bất cứ sự liên quan nào giữa chứng mất trí và bóng đá".
Nhưng sự thật, ít nhất 3 thành viên của đội tuyển Anh năm 1966 - Martin Peters, Nobby Stiles và Ray Wilson - bị mất trí nhớ. Còn Dawn Astle - cựu tiền đạo "Tam Sư" qua đời ở tuổi 59 vào năm 2002 vì chứng suy não.
Video Torres và Berkovec bất tỉnh trên sân và may mắn được đồng đội cứu sống
Hiện tại, các cầu thủ gặp chấn thương vùng đầu cần được kiểm tra tâm lý trước khi trở lại sân cỏ. Chỉ khi bác sĩ chấp thuận, anh ta mới được phép ra sân. CLB, HLV hay cả bản thân cầu thủ đều không thể can thiệp quy trình này.
Khác với FIFA, Mỹ là quốc gia sớm nhận thức về "những hiểm họa trên không trung". Họ cấm tuyệt đối việc tập luyện đánh đầu với các cầu thủ nhí lứa tuổi U-11 trở xuống.
Thậm chí, LĐBĐ Mỹ đã khuyến cáo cầu thủ U-12 và U-13 chỉ nên “tập đánh đấu tối đa 30 phút/tuần, và không đánh đầu hơn 15-20 quả/tuần”.
Cũng ở xứ cờ hoa, năm 2014 xuất hiện một vụ kiện ly kỳ. Tổ chức cầu thủ trẻ Mỹ và một nhóm các ông bố bà mẹ đã đâm đơn buộc tội chính quyền không đảm bảo sự an toàn cho các cầu thủ trẻ trước hiểm họa chấn thương đầu.
Theo vụ kiện, có khoảng 50.000 trường hợp ghi nhận bị va chạm ở vùng đầu trong bóng đá ở trường cấp 3 và đại học trong năm 2010 - nhiều hơn tổng số ca ở các môn bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném và vật.
Năm 2015, một kết quả nghiên cứu của trường đại học Purdue cho thấy lực tác động của cú đánh đầu trong bóng đá tương đương với cú đấm ở quyền anh.
Năm ngoái, nghiên cứu của trường đại học Sterling cũng chỉ ra rằng đánh đầu có thể làm tổn hại não bộ và ảnh hưởng đến trí nhớ. Trái với FIFA, họ khẳng định những quả đánh đầu không hề "vô tội".
Có lẽ, lệnh cấm đánh đầu trong bóng đá là không tưởng, nhưng không phải không thể đưa ra những giải pháp hạn chế hay ít nhất giúp kiểm soát tình hình tốt hơn.
Nếu như những cú xoạc bóng từ phía sau từng bị cấm tuyệt đối và cầu thủ vi phạm phải nhận án phạt nặng nhất (thẻ đỏ), những pha không chiến máu lửa cũng nên được kiểm soát.
Cho dù bóng đá có thay đổi như thế nào, nhàm chán hay hấp dẫn hơn, khi thiếu những pha tạt cánh đánh đầu, sau cùng sự an toàn và tính mạng con người vẫn là điều quan trọng nhất.
Các cầu thủ không nên mạo hiểm và đánh đổi sức khỏe bản thân để rồi sau khi giải nghệ phải tự mình gánh chịu hậu quả.
Ở một mặt nào đó, lệnh cấm đánh đầu cũng thể hiện sự hy sinh và tinh thần nhân văn của người hâm mộ đối với giới quần đùi áo số.