…Đó là một khuôn mặt tích cực, từ cái cách Brazil nhập trận với khí thế ầm ầm, chơi như thể họ chưa bao giờ cần Neymar để ghi bàn, bất kể ngôi sao đội trưởng của họ ghi tới 8/23 bàn trước đó của toàn đội kể từ khi HLV Dunga trở lại nắm quyền.
Có thể, Coutinho vẫn chưa tỏa sáng như kỳ vọng, nhưng Robinho, Willian và Firmino, những mũi tấn công còn lại của Selecao triển khai bóng dứt điểm tương đối mạch lạc. Nếu Venezuela phòng ngự tốt đến mức Colombia phải chào thua thì chỉ cần hơn một hiệp đấu, các học trò của Dunga xuyên thủng mành lưới đối thủ 2 lần. Bàn thắng đến từ tình huống bóng chết, như để nhắc nhở rằng Brazil còn những trung vệ rất giỏi chớp cơ hội như Thiago Silva. Còn nếu Willian – Firmino phối hợp hoàn hảo để mang về bàn thứ 2, đó là một gợi mở khác cho công cuộc kiếm tìm bàn thắng. Và sau cùng, nếu cứ chơi như 1 tiếng đầu tiên, giữ nhịp tốt, lên bóng tấn công nhịp nhàng, Brazil có thể nhìn về xa hơn mà không cần bận tâm ngoái lại thất bại trước Colombia. Nhưng trận đấu nào chỉ có 60 phút?
Không ai chê trách Carlos Dunga khi ông đưa trung vệ David Luiz vào thay “mũi nhọn” Firmino và sau đấy với sự hiện diện của Marquinhos thay tiền đạo Robinho (76’), quá nửa đội hình Brazil là những… hậu vệ. Liệu đấy có phải một bài diễn tập phòng ngự? Nếu đó là sự thực thì kết quả gặt hái quá tồi, bởi khi không dâng cao đội hình dồn ép đối thủ thì Brazil đã mời gọi áp lực về phía mình, khiến lung lay tinh thần chiến đấu, để rồi lần thứ 3 ở vòng bảng Copa America năm nay, thủ thành Jefferson phải vào lưới nhặt bóng.
Ba trận đều thủng lưới, dù hàng công Venezuela hay Peru chỉ ở mức trung bình, rõ ràng khả năng phòng ngự của Brazil sút giảm thảm hại nếu nhìn lại con số 2 bàn thua ở 2/10 trận giao hữu toàn thắng trước đó kể từ khi HLV Dunga trở lại. Bàn rút ngắn tỷ số của Venezuela ở phút 85’ và pha đánh đầu hụt của các cầu thủ áo nâu trong phút bù giờ quả thật đã khiến những trái tim CĐV Selecao muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. “Trò ú tim” đó sẽ không được phép lặp lại, bởi một sai lầm nhỏ nhất có thể phải trả bằng giá đắt nhất ở vòng knock-out trước những đối thủ bản lĩnh và lỳ lợm hơn.
Hơn ai hết, hẳn Dunga hiểu rõ rằng sự mong manh yếu đuối, mất kiên định ở những thời khắc nhạy cảm không thể làm nên nhà vô địch. Bài học đã có rồi đấy!
Lịch thi đấu tứ kết
06h30 ngày 25/06: Chile – Uruguay (1)
06h30 ngày 26/06: Bolivia – Peru (2)
06h30 ngày 27/06: Argentina – Colombia (3)
04h30 ngày 25/06: Brazil – Paraguay (4)
(Bán kết: thắng trận (1) gặp thắng trận (2), thắng trận (3) gặp thắng trận (4))
LƯƠNG ANH