Justin Fashanu là cầu thủ da màu người Anh đầu tiên có giá trị chuyển nhượng 1 triệu bảng. Nhưng bi kịch bắt đầu đổ xuống đầu cựu tiền đạo Norwich, Man City và West Ham khi anh xác nhận với giới truyền thông mình là gay. Kể từ đó, Fashanu luôn bị kỳ thị từ đồng đội, người hâm mộ. Tới năm 1998, không chịu nổi áp lực, Justin Fashanu đã tự kết thúc cuộc đời mình. Sau cái chết của Justin Fashanu, thế giới bóng đá chưa từng xuất hiện cầu thủ nào công khai mình đồng tính khi còn thi đấu.
Premier League được cho là không ít cầu thủ đồng tính giống như Justin Fashanu trước đây. Cụ thể là bao nhiêu cầu thủ? Trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC ngày hôm qua, Amal Fashanu - con gái của Justin Fashanu tiết lộ: “Tôi biết chính xác 7 cầu thủ hiện đang thi đấu cho các đội bóng ở Premier League là gay. Tôi không thể tiết lộ danh tính của họ và không bao giờ làm như thế. Vì thế giới bóng đá vẫn chưa chấp nhận họ, đó là một thế giới đen tối với những cầu thủ gay, họ phải giữ kín danh tính nếu không muốn gặp bi kịch như cha tôi”.
Cô con gái của ngôi sao quá cố Fashanu cũng cho biết: “Tôi không biết có bao nhiêu gia đình các cầu thủ phải chịu đựng bi kịch này. Thời còn nhỏ, mẹ luôn bảo vệ tôi. Nhưng ngày nay với internet, bạn có thể thấy mọi thứ, thật khủng khiếp”.
Từ năm 2012, FA đã khởi động chiến dịch chống phân biệt giới tính, bên cạnh cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc. Cơ quan này cũng đã thông qua “Hành động sáu điểm”, nhằm tạo ra một môi trường giúp “những người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển đổi giới tính có thể tích cực tham gia mà không sợ bị phân biệt hay thành kiến”.
FA kêu gọi cầu thủ gay lộ diện để được sống thật với giới tính và họ sẽ được bảo vệ. Tuy nhiên, mới chỉ có Thomas Hitzlsperger thú nhận giới tính vào năm 2014, nhưng thời điểm đó, cựu ngôi sao Aston Villa, Everton và ĐT Đức đã giải nghệ. Tương tự, năm 2015, sau khi treo giày, Robbie Rogers - cựu cầu thủ Leeds United mới thú nhận anh là gay.