Coca Cola, Visa, Budweiser, McDonald’s đồng loạt yêu cầu Sepp Blatter từ chức ngay lập tức: Cuộc chiến giữa Mỹ với Á – Âu?

thứ hai 5-10-2015 14:54:02 +07:00 0 bình luận
Trong lúc 4 nhà tài trợ lớn nhất cho FIFA đang công kích Blatter dữ dội đều thuộc Mỹ thì 3 nhà tài trợ quan trọng khác thuộc châu Âu và Á đều từ chối làm đồng minh.

Châu Mỹ tấn công, Á-Âu bàng quan

Những “phát súng” đầu tiên nhắm vào Sepp Blatter đến từ Coca Cola và McDonald’s hồi cuối tuần qua.

Trong tuyên bố của Coca Cola, “gã khổng lồ” ngành thức uống có ga muốn Blatter từ chức chủ tịch FIFA để “cải cách đáng tin cậy và bền vững” có thể “bắt đầu một cách nghiêm túc”. Đồng thời, McDonald’s cho rằng Blatter rút lui sẽ mang lại “lợi ích tốt đẹp nhất cho bóng đá”. Ngay sau đó, hãng bia Budweiser lên tiếng hưởng ứng bằng nhận định Blatter là “chướng ngại” để FIFA cải cách, trong lúc hãng Visa cũng tán thành: “Chúng tôi tin rằng với nhà lãnh đạo hiện nay, FIFA không thể thực hiện được cuộc cải cách có ý nghĩa nào”.

Coca Cola, Visa, Budweiser, McDonald’s đồng loạt yêu cầu Sepp Blatter từ chức ngay lập tức: Cuộc chiến giữa Mỹ với Á - Âu?Tuy nhiên, Adidas và Kia Motors đều tuyên bố không “tham chiến” do cho rằng đối tượng của họ là FIFA chứ không phải Blatter. Adidas khẳng định: “FIFA phải thực hiện những thay đổi cơ bản vì lợi ích của bóng đá. Quá trình cải cách cần được triển khai nhanh chóng và minh bạch”. Thái đội của Kia cũng chẳng khác: “Kia xin không bình luận gì về tình hình hiện nay của Blatter cũng như vấn đề tài trợ cho FIFA”.

Trong khi đó, Gazprom đứng ngoài cuộc là đương nhiên, bởi sứ mệnh của họ chỉ là ủng hộ cho World Cup 2018 tổ chức ở Nga, chưa kể đây là cuộc tấn công do người Mỹ khởi xướng.

Góc nhìn khác, thái độ khác

Theo đánh giá của Mark Pieth – cựu cố vấn chống tham nhũng ở FIFA, vụ đột kích này khá kỳ lạ do hồi năm 2011, Coca Cola từng từ chối tham gia vào quá trình cải cách FIFA sau một loạt vụ tham nhũng, nhưng giờ lại nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, điểm khác biệt ắt hẳn là do trước đó, các nhà tài trợ cảm thấy thời cơ lật đổ Blatter chưa chín muồi, nên có muốn cải tổ FIFA cũng vô ích. Hiện nay khác hẳn, vì cơ quan tư pháp đã nhập cuộc. Đấy là lý do mà cách nay mấy tuần, các nhà tài trợ chính từng có cuộc hội thảo bí mật tại trụ sở FIFA với nội dung gần như được giữ kín. Tuy nhiên, tham dự cuộc họp ấy chỉ có đại diện của Adidas, Budweiser, Coca Cola, McDonald’s và Visa, còn Gazprom cùng Kia Motors vắng mặt không lý do.

Thế nhưng, tại sao chỉ có 4 “ông lớn” của Mỹ phất cờ chống Blatter? Nguyên nhân trước hết có lẽ vì cuộc tấn công Blatter do FBI phát động, nên các công ty của nước này cũng phải ủng hộ, nếu không muốn rước họa vào thân bởi có một đối tác bị chính quyền xếp vào nhóm “tham nhũng”. Trong khi ấy, Adidas đứng ngoài phần nào có lẽ do giận dỗi bởi trước đó, chính phủ Mỹ đòi phạt “đồng hương” Volkswagen cả chục tỷ bảng vì gian lận trong các vụ kiểm tra khí thải. Khác biệt nữa là trong mắt người Mỹ, bóng đá không quan trọng như cách nhìn của phần còn lại của thế giới. Do đó, các công ty Mỹ chỉ xem bóng đá như phương thức tiếp cận các thị trường khu vực, không tới mức sống còn để giữ thương hiệu ở thị trường chính trong nước. Ngược lại, các công ty Âu – Á đều hiểu bóng đá quan trọng như thế nào trong chiến lược phát triển ở “chiến trường” chính của họ.

Blatter không xuống, FIFA luống cuống?

Vấn đề là trong trường hợp cả Coca Cola, Visa, McDonald’s lẫn Budweiser đều rút lui, áp lực đó có đủ buộc Blatter từ chức? Đáp án chính là khẳng định không từ chức của Blatter: “Chủ tịch Blatter vừa thông báo với các thành viên FIFA về việc ông ấy đang hợp tác với cơ quan điều tra, nhưng chẳng làm gì trái phép và vẫn giữ chức chủ tịch FIFA”. Rõ ràng Blatter chẳng để mắt tới áp lực của các nhà tài trợ vì trước đó, 2 nhà tài trợ quan trọng khác là Sony và Emirates từng chia tay FIFA khi tổ chức này bắt đầu bị điều tra tham nhũng, cho dù nguyên nhân phần nào là nhờ sự xuất hiện của Gazprom có tính chất giảm xóc.

Biểu hiện “cứng đầu” của Blatter phần nào có thể xem như kế hoãn binh nhằm xóa các bằng chứng phạm tội nghiêm trọng, hoặc có thời gian để nghiên cứu điều luật liên quan đến dẫn độ nhằm tránh bị bắt giữ khi không còn tại vị. Chủ tịch PFA (Liên đoàn cầu thủ nhà nghề Anh) Gordon Taylor từng đề cập tới khả năng này: “Hệ thống hiện nay của FIFA không còn thích hợp để tồn tại, vì mất tới hơn 4 tháng kể từ tháng 5 tới nay mà vẫn chưa có quyết định cụ thể về trường hợp của Blatter, cho phép ông ta có quá nhiều thời gian để che giấu chứng cứ khiến cơ quan điều tra chẳng bao giờ tìm được bằng chứng có giá trị”.

Lý do khác khiến Blatter vẫn bình chân như vại ắt hẳn là do tin rằng “vắng mợ thì chợ vẫn đông”: Mục đích của tài trợ vẫn là tiền, mà World Cup vẫn là thương hiệu có sức hút cực lớn, trong khi các nhãn hiệu kình địch lúc nào cũng nhăm nhe nhảy vào tài trợ. Không khó nhận ra điểm này, vì hàng năm, 6 nhà tài trợ cấp 1 (nay còn 5 sau khi Sony rút lui) có bổn phận rót tổng cộng 177 triệu USD (tương đương 116 triệu bảng) cho FIFA, trong lúc thương hiệu World Cup được giới chuyên môn định giá tới 1,6 tỷ USD khiến các công ty kinh doanh phát đạt. Đấy là chưa kể thông qua sức mạnh của bóng đá, FIFA có khả năng mở những cánh cửa mà các nhà tài trợ đều bó tay, như World Cup 2014 buộc chính phủ Brazil phải bỏ lệnh cấm bán bia trong sân có từ năm 2003, hoặc mới đây, Tổng thống Nga Putin khẳng định ông đang cân nhắc điều luật tương tự có ở Nga từ năm 2005. Từ những bằng chứng cụ thể đó, Blatter có cơ sở để tin rằng các nhà tài trợ cần FIFA hơn là FIFA cần họ.

Minh Châu 

“Chủ tịch Blatter vừa thông báo với các thành viên FIFA về việc ông ấy đang hợp tác với cơ quan điều tra, nhưng chẳng làm gì trái phép và vẫn giữ chức chủ tịch FIFA”.
Luật sư của Sepp Blatter

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm