15 năm trước, khoảnh khắc Ray Parlour mở tỷ số trận chung kết FA Cup 2002 bằng cú sút kinh điển vào lưới Chelsea thì trớ trêu khi đó cũng là tiền đề cho giai đoạn thống trị của The Blues sau đó, với sự hiện diện của Roman Abramovich.
Quay ngược đồng hồ trở lại năm 2002, đó cũng là lần gần nhất mà Arsenal và Chelsea gặp nhau trong một trận chung kết FA Cup. “Lão tướng” Tony Adams khi ấy đã chơi trận đấu cuối cùng trước khi nói lời giã từ sự nghiệp, trong khi John Terry, người thủ lĩnh lừng danh vừa mới chia tay Chelsea cách đây ít lâu, còn là một cầu thủ trẻ.
Chính màn so tài giữa cách đây một thập kỷ rưỡi đã trở thành cột mốc quan trọng chia đôi quyền lực bóng đá ở thành phố London theo hai giai đoạn. Trước năm 2002, Arsenal chính là những kẻ thống trị thủ đô nước Anh ở Premier League. Nhưng trong vòng 15 năm tiếp theo, Chelsea đã giành được vinh quang tột đỉnh.
Trong một thời đại mà The Blues khó lòng có thể so sánh được với Pháo thủ về bề dày truyền thống cũng như thành tích sân cỏ, chiến thắng của thầy trò HLV Arsene Wenger là hoàn toàn dễ hiểu.
Video siêu phẩm của Ray Parlour trước Chelsea
Lần lượt hai pha lập công vô cùng đẹp mắt của Ray Parlour và Freddie Ljungberg đã mang về danh hiệu FA Cup thứ 8 cho đội bóng chủ sân Highbury. Nhưng rồi, kể từ khi Roman Abramovich xuất hiện, vị tỷ phú người Nga đã thực sự thay đổi mọi thứ.
Đó là thời điểm mà ban lãnh đạo Arsenal bắt đầu bước vào một bản kế hoạch dài hơi trong việc tiết kiệm chi tiêu tài chính, nhằm mục đích xây dựng SVĐ mới Emirates. Còn Chelsea, chỉ trong 15 năm đã đoạt được 5 danh hiệu Premier League, 9 chiếc cúp quốc nội cùng 2 danh hiệu vô địch châu Âu (Champions League, Europa League).
Về phần Arsenal, ngoài mùa giải bất bại 2003/04 đi vào lịch sử, Pháo thủ chỉ giành được thêm 4 danh hiệu FA Cup, quá ít ỏi cho những tham vọng của một đội bóng từng thống trị London trong quá khứ.
Khuôn mặt bóng đá của thành phố thủ đô nước Anh, một nơi vốn hào nhoáng và sang trọng, đã thay đổ rất nhiều kể từ sau trận chung kết năm 2002. Thời điểm Abramovich tiếp quản Chelsea, cơ chế tài chính mà ông xây dựng tại Stamford Bridge bị xem như “kẻ thù” trong mắt những người lãnh đạo Arsenal, đặc biệt là về mặt ý thức hệ.
Nhưng rồi, đến bây giờ, chính Pháo thủ lại đang phải gắn bó với một tỷ phú người Mỹ. Mà cũng thật trớ trêu là không giống như nhà tài phiệt người Nga sẵn sàng nuôi dưỡng Chelsea lớn mạnh suốt 15 năm qua, ông chủ bên phía Arsenal có vẻ như quá cần kiệm trong chính sách đầu tư vào bóng đá của mình.
Trận chung kết FA Cup 2002 dường như đã trở thành một hoài niệm xa xôi. Ray Parlour, người đã mở tỷ số trận đấu bằng cái cách mà anh không bao giờ có thể quên được, từng mang theo cả những ký ức về việc gia đình mình xem các trận chung kết như thế nào khi vẫn còn thơ ấu. Đó là một đứa trẻ ở Essex theo dõi bóng đá cùng hai người anh em của mình, trong khi mẹ Ray Parlour đang làm bánh mỳ và pha nước cam.
Cựu tiền vệ người Anh chia sẻ: “Những trận chung kết bao giờ cũng nóng bỏng, rèm cửa được buông xuống và mọi người tập trung đông đúc xung quanh chiếc tivi. Chúng tôi không rời mắt khỏi màn hình phút nào”.
Bản thân Ray Parlour cũng mô tả bàn thắng vào lưới Chelsea như là một khoảnh khắc vĩ đại nhất trong sự nghiệp và cuộc đời mình. Trên chuyến bay trở về từ Cardiff, nơi diễn ra trận chung kết năm ấy, Ray Parlour đã yêu cầu nhân viên phục vụ mang tới một vài chai bia để uống mừng thắng lợi.
Tuy nhiên, ngay lập tức, “Giáo sư” Wenger đã đe dọa sẽ cắt lương của cậu học trò trong vòng một tuần nếu như dám động tới bia dù chỉ một ngụm. Lý do? Là bởi 4 ngày sau đó, Arsenal sẽ phải hành quân đến sân Old Trafford của Man United để hướng tới mục tiêu giành cú đúp trong mùa giải 2001/02.
Ray Parlour nghĩ rằng một chút bia sẽ chẳng xứng đáng với số tiền lương 30.000 bảng mà anh nhận được vào mỗi tuần. Thay vào đó, ngôi sao người Anh chấp nhận quay trở về nhà vào cuối tuần để kịp “xõa” tưng bừng cùng gia đình và chúng bạn.
Dẫu vậy thì trong trận đấu cuối cùng ở Old Trafford, anh vẫn thi đấu cực kỳ xuất sắc để góp công vào chiến thắng chung cuộc 1-0 của Arsenal trước M.U. Kết quả này đã giúp Pháo thủ đoạt luôn danh hiệu vô địch Premier League.
Bước vào phòng thay đồ, HLV Wenger tìm đến Parlour đầu tiên với một cái vỗ vai thật nhẹ. Không ít người khi ấy đã nghi ngờ về hình phạt một tuần lương dành cho kẻ dám “cả gan” gọi đồ uống có cồn ngay trước mặt Giáo sư? Nhưng rồi, hóa ra không phải vậy, vị chiến lược gia người Pháp chúc mừng cậu học trò và cười sảng khoái: “Tôi chỉ muốn ngăn cậu uống bia khi đang đi máy bay. Còn các thời điểm khác đều được”.
Suốt 25 năm trôi qua, Arsenal và Chelsea đã đoạt tổng cộng 14 danh hiệu FA Cup (tính cả mùa giải năm nay). Trong trường hợp cộng thêm thành tích của Man United thì chỉ riêng ba CLB này đã giành tới 19/25 chiếc cúp FA ở giai đoạn gần đây.
Thời điểm hiện tại, có vẻ như Pháo thủ sẽ cần chức vô địch để phần nào cứu vãn cho một mùa giải 2016/17 thảm hại nặng nề với đỉnh điểm là việc không thể giành được suất dự Champions League năm tới.
Trong khi đó, Chelsea sau những vinh quang đầu tiên dưới triều đại mới của HLV Antonio Conte sẽ bước vào trận chung kết với tâm lý nhẹ nhàng và thoải mái hơn hẳn. Xét về thực lực, The Blues bây giờ cũng được đánh giá cao hơn thầy trò Wenger khá nhiều.
Cột mốc trận chung kết 15 năm trước từng mở ra một thời kỳ mới cho cả Chelsea và Arsenal. Sau một thập kỷ rưỡi, hai đội mới lại chạm trán nhau trong trận đấu cuối cùng ở FA Cup. Và tất nhiên, cũng chỉ có Chúa mới biết được liệu đây có phải một bước ngoặt nào nữa cho tương lai của hai CLB giàu truyền thống nhất thành phố London...