Chiến thuật bóng đá và chu trình tiến hóa… vòng lặp?

thứ sáu 13-5-2016 23:35:11 +07:00 0 bình luận
Thành công của Atletico và Leicester ở mùa giải năm nay thực sự khiến cho nhiều người phải hoài nghi về xu hướng tiến hóa chiến thuật bóng đá trong tương lai…

Trong một khoảng thời gian rất dài, thứ bóng đá theo kiểu trường phái Barcajax gần như được tôn thờ tại châu Âu. Dưới danh nghĩa của một người đại diện chính thống cho những lý tưởng của Johan Cruyff từ quá khứ, Pep Guardiola cùng với Barcelona và sau này là Bayern Munich (trong tương lai có thể là Man City) đã gây dựng nên các đế chế thực sự của phong cách bóng đá tấn công tổng lực. Mặc dù vậy, xuyên suốt trong quá trình phát triển của mình, thứ tư tưởng này đôi lúc vẫn hay vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ đến từ lối chơi phản công thuần túy, đơn cử như Jose Mourinho chẳng hạn.

Chiến thuật bóng đá và chu trình tiến hóa… vòng lặp?

Barca dưới thời Pep chính là đại diện tiêu biểu nhất của trường phái Cruyff

Kiểm soát bóng thì không cần… tiền đạo?

Vào cuối thế kỷ XIX, khi mà nền bóng đá thế giới đang diễn ra ở giai đoạn sơ khai nhất thì người Scotland chính là những tác nhân đầu tiên thay đổi tư duy chiến thuật truyền thống. Bằng đội hình 2-2-6 cùng lối chơi sử dụng các đường chuyền nhiều hơn, bóng đá Scotland đã dần dần thắng thế trước đội hình 1-2-7 của người Anh, vốn chỉ phụ thuộc vào khả năng chơi bóng cá nhân thông thường. Mặc dù vậy, sau phát kiến mang tính “cách mạng” 3-5-2 của đội bóng trường Đại học Cambridge, bóng đá Anh đã nhanh chóng tái khẳng định vị thế trước những người hàng xóm phương Bắc.

Dễ dàng nhận thấy rằng, vai trò của tuyến tiền vệ cũng như các hậu vệ ngày càng được giới chuyên môn coi trọng hơn, nhằm mang đến sự cân bằng cần thiết trong lối chơi đồng thời ưu tiên phong cách kiểm soát bóng. Khoảng thời gian tiếp theo, bóng đá vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hệ quả, số lượng tiền đạo trong mỗi đội bóng cũng nhanh chóng giảm xuống đáng kể, từ 5 chỉ còn 3 người, rồi 2 hai người cho đến 1 trung phong cắm duy nhất. Thậm chí, nhiều đội bóng bây giờ còn có xu hướng sử dụng “số 9 ảo” mà không cần đến bất kỳ một mũi nhọn đích thực nào trong đội hình.

Thực tế, Pep Guardiola chính là một hình mẫu tiêu biểu cho trường phái này. Tại Barca ngày trước và Bayern trong khoảng 3 năm gần đây, nhà cầm quân người Tây Ban Nha luôn theo đuổi thứ bóng đá kiểm soát gần như tuyệt đối, sẵn sàng “bóp nghẹt” mọi đối thủ dựa vào hàng tiền vệ linh hoạt, cơ động và giàu tính sáng tạo. Thế nhưng, điều này cũng không hề đồng nghĩa với việc cứ cầm bóng nhiều hơn thì sẽ giành được chiến thắng cuối cùng. Về mặt lý thuyết, bóng đá tổng lực vẫn đang trở thành một xu hướng khá “hiện đại” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau những giai đoạn phát triển tương đối thành công, có vẻ như đã đến lúc phong cách này cần phải chấp nhận nhường chỗ cho trường phái phòng ngự thuần túy, một lối chơi có phần kém quyến rũ hơn rất nhiều.

Chủ nghĩa Siêu tưởng và lý thuyết phát triển vòng lặp

Năm 1915, thời điểm mà danh họa người Ukraine, Kasimir Malevich cho ra đời bức tranh theo chủ nghĩa Siêu tưởng đầu tiên, với chỉ một hình vuông đen duy nhất nằm trên nền trắng tưởng như vô định, giới khoa học khi ấy đã nổ ra hàng loạt cuộc tranh cãi trái chiều. Phần lớn mọi người lúc này đều tin tưởng rằng đây là một phiên bản “tiến hóa ngược” hết sức kỳ lạ của chủ nghĩa hiện thực Liên Xô cũ. Thế nhưng, một bộ phận khác lại cho rằng sau quá trình phát triển đến cực thịnh của chủ nghĩa trừu tượng lập thể nói chung, nghệ thuật đương đại bắt buộc phải chuyển sang một giai đoạn khác đơn giản hơn, bắt nguồn từ những gì cơ bản nhất, thậm chí có thể thuộc về quá khứ. Kết quả là thứ chủ nghĩa Siêu tưởng cũng nhanh chóng ra đời trong nỗi hoài nghi của không ít thế hệ người dân Xô Viết.

Chiến thuật bóng đá và chu trình tiến hóa… vòng lặp?

ĐT Hy Lạp và chức vô địch EURO "siêu tưởng" vào năm 2004?

Đánh giá từ một góc độ khác, thứ lý thuyết “siêu tưởng” này đương nhiên sẽ không thể dùng để áp dụng trực tiếp vào bóng đá, mà chỉ có tác dụng nhằm giải thích cho quá trình phát triển theo vòng lặp của các xu hướng chiến thuật. Hãy lấy thành công của ĐT Hy Lạp tại VCK EURO 2004 làm ví dụ, khi mà HLV Otto Rehhagel chủ động áp dụng lối đá phòng ngự phản công từng giúp người Italia đăng quang chức vô địch World Cup cách đó hơn hai thập kỷ, đội bóng Nam Âu đã thực sự khiến cho cả thế giới phải bất ngờ. Tất nhiên, cũng chẳng ai dám khẳng định rằng kỳ tích của Hy Lạp là một cuộc cách mạng. Mặc dù vậy, xét trên nhiều khía cạnh, đây lại là một bước chuyển mình hết sức tự nhiên của xu hướng chiến thuật, nhằm “thích ứng ngược” với nền bóng đá trong thời kỳ bấy giờ.

Phản bóng đá?

Sự tiến hóa không phải lúc nào cũng đi theo đường thẳng. Trong những giai đoạn phát triển ban đầu của bóng đá, người ta thường chỉ tập trung vào việc kiểm soát bóng đơn thuần. Thế nhưng, sau khi Herbert Chapman khai sinh ra những tình huống phản công đầu tiên cùng sơ đồ chiến thuật bản lề 3-2-2-3 tại Arsenal, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Giữa những cuộc tranh cãi không hồi kết, lối đá phòng ngự phản công từng không ít lần giành được các chiến thắng vang dội trước phong cách cầm giữ bóng tấn công thuần túy, tiêu biểu như Inter Milan của Mourinho đánh bại Barca tại bán kết Champions League mùa 2009/2010 chẳng hạn (chỉ cầm bóng vỏn vẹn 19%).

Năm 2013, Barca của Pep Guardiola từng đại bại tới 0-7 (sau hai lượt trận) trước Bayern Munich dưới thời Jupp Heynckes. Về mặt lý thuyết, Hùm xám khi ấy không hề chơi phòng ngự theo kiểu tiêu cực, thế nhưng cách thức tổ chức tấn công (chủ yếu bắt nguồn từ khả năng pressing) của đội bóng xứ Bavaria cũng chẳng quá phụ thuộc vào khâu kiểm soát bóng. Bản thân Pep, sau này vẫn tiếp tục phải nếm trải cảm giác tương tự khi chuyển sang dẫn dắt Bayern, với những thất bại cay đắng trước Real (2014) hay Atletico (2016), một minh chứng hết sức quan trọng để khẳng định rằng trường phái Barcajax không phải chuẩn mực duy nhất của các trào lưu phát triển chiến thuật nói chung.

Chiến thuật bóng đá và chu trình tiến hóa… vòng lặp?

Bayern từng vùi dập Barca tại Champions League bằng lối chơi phản công tổng lực mạnh mẽ và hiệu quả

Thay vào đó, những phong cách thiên về phòng ngự, hay nói theo một cách khác là xu thế “phản bóng đá” vẫn đang tồn tại, thậm chí còn phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là những bằng chứng sống động nhất nhằm phản ánh chu trình tiến hóa theo vòng lặp của các hệ thống chiến thuật, từ kiểm soát bóng, sang phòng ngự phản công (catenaccio), cho đến tấn công tổng lực (total football) để rồi bây giờ quay trở lại với phản công nhưng theo phong cách tổng lực (counter-pressing).

Xu hướng của tương lai

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Pep Guardiola không thể thành công cùng Bayern Munich (ở đấu trường Champions League) chính là bởi Hùm xám không sở hữu những cầu thủ thực sự phù hợp với triết lý của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha, khác hẳn so với dàn sao từng trưởng thành từ lò đào tạo La Masia trong màu áo Barca. Mặc dù vậy, sau thời điểm Pep quyết định chia tay sân Nou Camp, đội bóng xứ Catalonia dưới thời HLV Luis Enrique cũng xuất hiện không ít thay đổi về mặt phong cách.

Bằng sự xuất hiện của những nhân tố mới như Luis Suarez, Neymar hay Ivan Rakitic, Barca đã chơi trực diện hơn, thông qua một trục dọc ở hàng tiền vệ cùng bộ ba tiền đạo phía trên. Bản thân Lionel Messi, cũng thường xuyên được kéo vào khu vực trung tâm để giữ vai trò của một “số 10”, qua đó phần nào giúp cho các phương án tiếp cận khung thành trở nên trực tiếp, đơn giản và nhanh gọn hơn hẳn.

Chiến thuật bóng đá và chu trình tiến hóa… vòng lặp?

Atletico Madrid sẽ là hình mẫu chuẩn mực mới của bóng đá hiện đại?

Dễ dàng nhận thấy, Atletico Madrid của Diego Simeone chính là đội bóng thành công nhất với lối đá phòng ngự phản công theo kiểu tổng lực. Tuy nhiên, sẽ là vô cùng thiếu xót nếu như chúng ta không nhắc đến chiến tích vĩ đại của Leicester City tại Premier League năm nay. Không nhất thiết phải phức tạp hóa vấn đề, cả hai đội bóng này đều sử dụng sơ đồ 4-4-2 cổ điển, một hệ thống tưởng chừng như đã quá “lỗi thời” sau khi đội hình 4-2-3-1 trở thành xu thế chung của cả châu Âu trong thập kỷ trước.

Mặc dù vậy, như đã phân tích ở trên, khi mà sự tiến hóa chiến thuật được xem là một quá trình mang tính chất xoay vòng, đồng nghĩa rằng sẽ không có trường phái nào là bất biến, cho dù là phong cách Barcajax hay lối chơi phòng ngự phản công. Tất cả đều phải tuần tự phát triển như một xu thế tự nhiên của bóng đá hiện đại.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm