Chấn thương của "sao" ở ĐTQG: Đừng đổ tại “virus FIFA”!

thứ sáu 13-11-2015 22:05:44 +07:00 0 bình luận
Đã ra sân là có rủi ro chấn thương. Quy luật là như thế, không thể quy kết trách nhiệm thuộc về bất cứ sân chơi nào như các CLB vẫn tập trung than vãn là do “Virus FIFA”. Nên hiểu rằng thứ virus này không tồn tại.

Công tâm mà nói, lịch đấu của ĐTQG cũng như sân chơi FIFA là nơi đón nhận chấn thương không ít. Như đợt thi đấu của đội tuyển giữa tháng 10 vừa qua, có 20 tuyển thủ nhập viện trong đó có Sergio Aguero, David Silva, Karim Benzema, David Luiz, Mario Goetze hay Branislav Ivanovic… Con số này tưởng chừng là lớn song thực tế với loạt đấu của vài chục đội tuyển châu Âu thì số lượng đó không ăn nhằm gì so với mỗi vòng các giải VĐQG phải hứng chịu. FIFA đơn giản là một sân chơi, đã ra sân nghiễm nhiên là có nguy cơ, thay vì các CLB giờ đang hiểu rằng nó là nguyên nhân và hệ quả nặng nề khiến họ thiệt hại.

Sự thật được phân tích có thể thấy, thông thường một tuyển thủ ngôi sao trong 1 năm thi đấu khoảng 10 trận cho đội tuyển, trong khi đó số lượng các trận họ chơi cho CLB có thể lên đến 50, thậm chí 60 trận. Nghĩa là, thời gian thi đấu ở tuyển chỉ bằng 1/4, 1/5 hay 1/6 thời gian chơi cho CLB. Chính xác hơn, thời gian làm nghĩa vụ quốc gia của họ chỉ bằng một trong các sân chơi Cúp mà CLB tham dự (Champions League, Cúp QG, Cúp Liên đoàn) và tối đa cũng chỉ bằng 1/3 số trận ở giải VĐQG. Như trường hợp của Sergio Aguero, năm dương lịch 2015 chân sút này chơi 6 trận cho ĐTQG, đồng nghĩa bằng số trận anh thi đấu cho Man City ở các Cúp và bằng 1/5 số trận của anh ở Premier League (33 trận). Một ngôi sao khác cực kỳ tích cực thi đấu ở tuyển là Neymar thì trong 60 trận anh ra sân mùa 2014/15 chỉ có 12 trận cho đội tuyển (48 trận cho CLB, bằng 1/3).

Nhiều trường hợp chấn thương của các ngôi sao do va chạm trực tiếp khi thi đấu cho tuyển song cũng không ít ca bỗng dưng nhập viện rất… ngớ ngẩn. Chẳng hạn như Aguero bỗng dưng ôm chân đau đớn nằm trên sân dù chỉ với một pha đuổi theo bóng. Trường hợp này có thể được phân tích do sự tích tụ mệt mỏi, đúng hơn là bị khai thác thể lực ở CLB trước đó và nay “thêm 1 chiếc áo vắt lên lưng là con ngựa đổ khuỵu”. Vậy nên đổ lỗi gì trong vụ chấn thương này? Là do “virus FIFA” hay cần phải hiểu là do chính “virus… câu lạc bộ” khiến cho tuyển thủ không làm tròn nghĩa vụ ĐTQG?

Thi đấu là phải có rủi ro, đặc biệt sân chơi FIFA có những bất cập như phải di chuyển dài (từ Âu sang Á, Phi, Mỹ) hay phải thi đấu trong những quốc gia có khí hậu khắc nghiệt, tuy nhiên câu chuyện lớn nhất là các cầu thủ luôn phải làm nghĩa vụ đội tuyển trong tình trạng quá tải thể lực lẫn tâm lý ở CLB (rất dễ gây ra chấn thương). Điều này mới thực sự khiến các CLB phải cân nhắc và xem xét lại đâu là nguyên nhân cốt lõi để khắc phục thay vì cứ than vãn lịch đấu của đội tuyển rồi chẳng thể làm gì hơn.

Có lẽ, họ đã hiểu sai từ “virus FIFA” bởi bản chất virus là thứ lây lan truyền nhiễm và với chấn thương của cầu thủ thì có vẻ như nó bắt đầu từ CLB lan sang đội tuyển chứ không phải xuất phát từ những trận ĐTQG. Chấn thương ở đội tuyển chỉ là hệ quả của sự mệt mỏi tích tụ mà thôi. 

Bác sỹ kết luận gì?

Bác sỹ thể thao người Pháp Alain Simon, trong một báo cáo ông nói: “Số lượng cầu thủ ở CLB có hạn, đồng nghĩa một cầu thủ nếu đau sẽ có ít người thay thế. Như vậy, đôi khi cầu đó vẫn phải ra sân trong tình trạng bị đau nhẹ hoặc không đảm bảo thể lực tốt nhất. Họ luôn phải gồng mình tối đa, dẫn đến khả năng chấn thương cao.

Trái lại ở một ĐTQG, số cầu thủ có thể được chọn lọc giữa hàng trăm người. Họ có thể khước từ thi đấu cho đội tuyển khi gặp vấn đề chấn thương dù rất nhẹ. Không có họ, HLV ở đội tuyển có thể gọi những người khác, nó không giống như ở CLB bị giới hạn danh sách đăng ký thi đấu. Vì thế, rủi ro chấn thương khi thi đấu ở đội tuyển thấp hơn nhiều ở CLB”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm