Tập luyện 5h/ngày, đi vòng quanh thế giới và kiếm tiền hơn cả những triệu phú đá bóng tại Premier League... Đó là cuộc sống của cầu thủ tâng bóng nghệ thuật.
Tâng bóng nghệ thuật tôn vinh cá nhân
Các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có thể tạo ra một thương vụ chuyển nhượng trị giá hàng trăm triệu bảng, giành được hàng loạt danh hiệu cao quý, hoặc trở thành một người hùng trên các phương tiện truyền thông.
Nhưng trên tất cả, bóng đá vẫn là một trò chơi đồng đội. Trong đó, lợi ích của mọi cá nhân đều phải đặt dưới lợi ích chung của đội bóng.
Tâng bóng nghệ thuật thì khác. Đó là môn thể thao tôn vinh những giá trị cá nhân, một môn thể thao mà kỹ thuật không chỉ quan trọng mà còn là tất cả.
Khác với bóng đá truyền thống hướng đến mục tiêu cao nhất là chiến thắng, một màn trình diễn tâng bóng nghệ thuật chỉ nhận được những lời khen ngợi của khán giả khi có tính nghệ thuật và sáng tạo.
Chắc hẳn không ít người sẽ cảm thấy rất lạ lẫm với những gì mà các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật làm với trái bóng tròn. Đó là những điều mà họ chưa từng thấy trong môn bóng đá trên sân cỏ.
Nói một cách đơn giản thì nhiệm vụ của các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật là sử dụng mọi bộ phận trên cơ thể, từ chân tay, đầu, cổ hay thậm chí là lưng để tung hứng trái bóng sao cho đẹp mắt nhất, sáng tạo nhất.
Cầu thủ tâng bóng nghệ thuật giàu cỡ nào?
Tâng bóng nghệ thuật chưa thể có độ phủ sóng rộng như bóng đá sân cỏ. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi ít người hiểu rõ về môn thể thao mới này.
Nhưng thực tế thì tâng bóng nghệ thuật cũng đang len lỏi đến mọi ngóc ngách trên toàn thế giới. Từ mạng xã hội cho đến các phương tiện truyền thông đại chúng và thậm chí là trên đường phố, tâng bóng nghệ thuật đang có mặt tại khắp mọi nơi.
Và quan trọng hơn nữa là môn thể thao này có thể giúp những người chơi kiếm được nhiều tiền chẳng kém gì các cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại Premier League, dù tiền thưởng từ các giải đấu và các hoạt động quảng cáo có thể chẳng đủ cho họ thực hiện vài tour lưu diễn vòng quanh thế giới.
Câu chuyện của nhà vô địch tâng bóng nghệ thuật thế giới Andrew Henderson sẽ cho chúng ta hiểu rõ chuyện này.
Henderson bắt đầu chơi bóng đá nghệ thuật vào năm 16 tuổi, thời điểm anh buộc phải chấm dứt giấc mơ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp vì gãy chân.
Không còn cách nào khác, anh chàng phải tìm hướng đi mới cho bản thân mà vẫn giữ được tình yêu với trái bóng tròn và sự lựa chọn cuối cùng là bóng đá nghệ thuật.
Chắc hẳn, chính Andrew Henderson cũng không thể ngờ rằng quyết định táo bạo này đã mang lại cho anh một cuộc sống mới, thú vị và thành công hơn nhiều sự nghiệp bóng đá sân cỏ của anh.
Càng ngày, tâng bóng nghệ thuật càng được nhận sự quan tâm của mọi người. Minh chứng là sự ra đời của Liên đoàn tâng bóng nghệ thuật thế giới và các Hiệp hội thành viên tại 102 quốc gia trên toàn cầu.
Ngoài ra, sự quan tâm của các phương tiện truyền thông cũng đang giúp môn thể thao mới này ngày càng phủ sóng rộng khắp.
Ví như Andrew Henderson đang có đến 150.000 người theo dõi trên mạng xã hội Instagram. Anh giải thích:“Các phương tiện truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến bộ môn tâng bóng nghệ thuật".
"Video tâng bóng đầu tiên của tôi đã được phát trực tiếp trên mạng xã hội và cùng với sự phát triển của Instagram, Snapchat hay Youtube như hiện nay thì ai cũng có thể xem lại những màn trình diễn đã được tôi thực hiện từ vài năm trước. Nhờ vậy mà một số video của tôi có thể thu hút đến 1 triệu lượt views mỗi ngày. Chuyện này thực sự điên rồ”.
Một màn biểu diễn của Andrew Henderson
Quan trọng hơn nữa là các phương tiện truyền thông còn giúp các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật kiếm được những hợp đồng quảng cáo vô cùng béo bở không chỉ đánh bóng tên tuổi những người như Andrew Henderson mà còn mang lại cho họ những nguồn thu khổng lồ.
Quay ngược thời gian về thời điểm tổ chức World Cup 2014, gần như không nhà tài trợ nào lại không sử dụng các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật trong những quảng cáo của họ.
Thậm chí, một số hãng còn cạnh tranh quyết liệt với nhau để giành được cái gật đầu của những cầu thủ bóng đá nghệ thuật hàng đầu thế giới, điều tưởng chừng chỉ có thể xảy ra với những ngôi sao sân cỏ như Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo.
“Sự khác biệt nằm ở cách thức thi đấu. Những đoạn phim quảng cáo thường sử dụng những pha xử lý bóng ở độ cao hơn đầu người, một trong những sở trường của các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật”, ông Daniel Wood, chủ tịch của Liên đoàn bóng đá nghệ thuật thế giới giải thích.
“Ngược lại, những cầu thủ hàng đầu của làng bóng đá chuyên nghiệp sẽ không bao giờ được đóng những quảng cáo như vậy bởi nguy cơ gặp chấn thương là rất cao. Và về cơ bản thì các đội bóng chủ quản sẽ không để cầu thủ của mình thực hiện những tình huống như vậy. Chính vì thế, các cầu thủ chuyên nghiệp luôn cần một người đóng thế và những người này thường là các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật”.
Trong những trường hợp như thế này, số tiền mà Andrew Henderson và đồng nghiệp nhận được sẽ tỷ lệ thuận với độ nổi tiếng của những ngôi sao sân cỏ. Cầu thủ càng nổi tiếng thì người đóng thế càng nhận được nhiều tiền.
Henderson tâm sự: “Các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật hàng đầu thế giới kiếm tiền chẳng thua gì các ngôi sao chơi bóng tại Premier League. Dĩ nhiên, việc đạt đến đẳng cấp như Ronaldo và Messi là điều không thể. Nhưng so với mặt bằng thu nhập chung thì chúng tôi giàu hơn nhiều”.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng kiếm được nhiều tiền như vậy. Trong hơn 5.000 cầu thủ tâng bóng nghệ thuật trên thế giới thì chỉ có khoảng vài chục người sống sung túc nhờ bộ môn thể thao này.
Tâng bóng nghệ thuật giúp rèn luyện kỹ năng chơi bóng chuyên nghiệp
Phần lớn mọi người đều cho rằng Neymar khéo léo hơn các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật sau khi chứng kiến những màn biểu diễn kỹ thuật trong lúc thi đấu của ngôi sao Barcelona. Điều này là cực kỳ sai lầm, bởi Neymar và các cầu thủ tâng bóng nghệ thuật không thi đấu trong cùng một hệ thống.
Chính Andrew Herdenson đã xác nhận rằng: “Tôi từng trải qua vài ngày tập luyện tâng bóng nghệ thuật cùng Neymar. Anh ấy rất tuyệt vời. Kỹ năng tâng bóng của Neymar được cải thiện qua từng ngày và tôi có thể nói chắc chắn rằng anh ấy là một trong nhưng cầu thủ chuyên nghiệp kỹ thuật nhất hiện này. Nhưng nếu tham dự một cuộc thi tâng bóng, Neymar sẽ chẳng thể thắng được ai cả”.
Màn so tài giữa Neymar và Andrew Herdenson
Rõ ràng, bóng đá sân cỏ khác xa bóng đá nghệ thuật. Tuy nhiên, chúng vẫn có những mối liên hệ nhất định và bóng đá nghệ thuật hoàn toàn có thể giúp các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nâng cao kỹ thuật xử lý bóng. Đó là lời khẳng định của Chủ tịch của Liên đoàn bóng đá nghệ thuật thế giới, Daniel Wood.
“Các cầu thủ hàng đầu thế giới có thể dễ dàng thực hiện những động tác tâng bóng nghệ thuật”, Wood chia sẻ trên tờ Daily Mail, “Nhưng điều này là vô nghĩa khi họ được ném vào một đội bóng chuyên nghiệp. Khi đó, họ sẽ phải phối hợp cùng những cầu thủ không bao giờ có ý nghĩ đá bóng như tâng bóng nghệ thuật”.
Mặc dù vậy, thực tế là nhiều cầu thủ vẫn đang đồng thời phát triển cả hai kỹ năng chơi bóng cùng một lúc để bổ trợ lẫn nhau. Trường hợp của Keyl Shafi là một ví dụ. Cậu bé 8 tuổi người Anh đang ăn tập tại lò đào tạo trẻ của Aston Villa vẫn dành một khoảng thời gian nhất định để chơi bóng nghệ thuật và chia sẻ những màn biểu diễn của mình lên Youtube.
Tất nhiên, khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, Shafi sẽ phải quyết định ưu tiên cho một môn thể thao chứ không thể cùng lúc làm tốt cả hai việc như hiện tại.
“Chúng tôi có thể làm các cầu thủ chuyên nghiệp trầm trồ thán phục với một pha tâng bóng đẹp mắt. Nhưng nếu ra sân tại Premier League thì chắc chắn tôi sẽ là một trong những cầu thủ tệ nhất trên sân. Đó là điều không cần phải bàn cãi”.
Đáng nói ở chỗ, ngày càng có nhiều cầu thủ trẻ quyết định đi theo con đường tâng bóng nghệ thuật thay vì trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
“Tôi đã nhìn thấy nhiều trẻ em được tiếp xúc với bóng đá nghệ thuật và nói rằng: “Tôi muốn trở thành một cầu thủ tâng bóng nghệ thuật, trong khi ngày xưa tôi thậm chí còn không biết bóng đá nghệ thuật là cái gì”, Andrew Herdenson tâm sự.
“Hôm qua, tôi có tập luyện khoảng 2h với khoảng 30, 40 em nhỏ. Chúng nói với tôi rằng: “Anh có phải là một cầu thủ tâng bóng nghệ thuật? Em đã nhìn thấy video biểu diễn của anh ở trên mạng”. Chắc chắn, các bạn sẽ không nghe được những câu nói tương tự như vậy vào vài năm trước”.
Không quá khi nói rằng Henderson xứng đáng là tấm gương cho nhiều cầu thủ trẻ học tập, một tấm gương của sự nỗ lực và kiên trì không biết mệt mỏi.
“Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng khi bị gãy chân, tôi vẫn có thể đi du lịch đến hơn 50 quốc gia trên thế giới để biểu diễn những kỹ năng của mình, quay quảng cáo với Messi, Neymar Ronaldo, Beckham và giành chức vô địch thế giới. Đó là những điều mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có thể làm được".