Cầu thủ người Anh ở giải MLS: Những cú sốc từ bóng đá Mỹ

thứ hai 24-8-2015 14:55:58 +07:00 0 bình luận
Nếu ai đó cho rằng, giải Nhà nghề Mỹ (MLS) là một nơi an toàn để các cầu thủ nghỉ ngơi ở cuối sự nghiệp, họ sẽ nhầm. Bởi dù anh có cả chục năm tung hoành tại châu Âu hay anh thuộc hàng sao số, MLS vẫn là một thử thách hoàn toàn mới cho bất cứ ai lần đầu tiên đến đây, nếu không muốn nói là một cú sốc văn hóa…

Ác mộng bay giá rẻ
Với mức thu nhập một năm tổng cộng là 8,7 triệu bảng, tương đương 13,6 triệu USD, bộ ba của New York City là Frank Lampard, Andrea Pirlo và David Villa hoàn toàn đủ sức mua vé hạng thương gia trên chuyến bay kéo dài 6 tiếng từ New York đến Los Angeles. Mặc dù vậy, họ sẽ không có cơ hội đó khi New York City có trận gặp Los Angeles Galaxy của Steven Gerrard trong ngày Chủ nhật.

Những cú sốc từ bóng đá Mỹ

Lý do không phải vì họ không có tiền mà ở đây, theo quy định của MLS, 3 cầu thủ thuộc hàng sao của New York City sẽ chỉ được bay với vé hạng phổ thông. Dĩ nhiên là mọi chuyện sẽ khác nếu New York City FC quyết định hành trình 2.448 dặm từ phía đông sang bờ biển phía tây là một trong 4 chuyến làm khách xa nhất họ nên thuê máy bay theo quy định của MLS, còn không Lampard, Pirlo và Villa cũng phải bay như bất cứ hành khách bình thường nào.

Vấn đề ở đây của MLS là trong nỗ lực nhằm cố tạo ra sự công bằng giữa những CLB giàu có và nghèo hơn ở giải, họ dường như quên mất rằng, bay trên một hành trình dài như vậy và ở hạng phổ thông nhiều khi sẽ ảnh hưởng đến thể lực của các cầu thủ. Và tại MLS, những hành trình kéo dài trên 2.000 dặm không phải là ít, như từ Boston tới San Jose dài 2.681 dặm, Montreal tới San Jose dài 2.531 dặm, Orlando tới Vancouver dài 2.530 dặm hay New York tới Los Angeles dài 2.448 dặm. Để so sánh, nếu đội bóng phía nam Bournemouth thi đấu ở Newcastle, Gerrard hay Lampard chỉ phải di chuyển có 295 dặm.

Những cú sốc từ bóng đá Mỹ

“Di chuyển đúng là một cơn ác mộng cho tất cả,” Steve Nicol, cựu hậu vệ của Liverpool và từng dẫn dắt New England Revolution tại Boston, chia sẻ. “Vấn đề không chỉ là thời gian bay mà còn rất nhiều rắc rối xung quanh nữa”, Nicol cho biết. “Khi tôi còn ở Revolution, chúng tôi có một trận đấu tại Dallas. Các cầu thủ sống ở Boston sẽ đi thẳng ra sân bay nhưng phần lớn đội bóng phải lái xe tới CLB, rồi đi xe của đội trong vòng 1 giờ. Sau đó, chúng tôi bay tới Chicago, chờ ở đó 1 giờ rồi mới đến Dallas. Chúng tôi tới khách sạn, tìm thứ gì đó ăn rồi lên giường. Hôm sau, chúng tôi ra sân. Khó mà nói rằng đây là sự chuẩn bị tốt nhất cho một trận đấu”.

Thậm chí, những gì mà Nicol chia sẻ hoàn toàn khác xa ở Anh, khi cầu thủ của các CLB tại Premier League được đón tận cửa trong mỗi lần thi đấu ở Champions League hay phải di chuyển xa trên sân khách. Chẳng hạn như Bournemouth bay lên Newcastle và trở lại thị trấn ngay sau khi kết thúc trận đấu, thay vì mất thời gian làm các thủ tục khác.

Thực ra, New York City cũng có thể làm vậy với những chuyến đi xa như đã nói ở trên nhưng bên cạnh các quy định của MLS, họ nhận ra rằng, vì những chênh lệch trong thu nhập của các cầu thủ, tốt hơn hết là Lampard, Pirlo và Villa nên đi hạng phổ thông cùng đội bóng. Như thế sẽ không tạo ra sự đố kị giữa những thành viên trong phòng thay đồ.

Mặc dù vậy, không phải CLB nào ở MLS cũng biết nhìn xa trông rộng như New York City. Chẳng hạn như LA Galaxy sẵn sàng để Gerrard đi vé hạng thương gia sau khi họ từng làm vậy với David Beckham. “Galaxy từng gặp vấn đề cùng David Beckham khi anh ấy đi hạng thương gia và các thành viên còn lại của đội bóng đi hạng phổ thông”, Nicol nói tiếp. “Không nhiều cầu thủ phàn nàn về chuyện này trừ Landon Donovan. Donovan là ngôi sao tại đây trước khi Beckham đến và anh ta cũng muốn được đối xử tương tự”.

Những khác biệt khác
Trong 3 mùa giải gần đây, các CLB tại Premier League bắt buộc phải mở một khu gọi là “khu giao lưu” sau mỗi trận đấu. Đây là nơi dành cho các phóng viên để họ có thể phỏng vấn cầu thủ hay làm tin. Tuy nhiên, cách tiếp cận của truyền thông cũng nằm trong những quy định cho phép của Premier League.

ttt

Vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu cầu thủ Anh cảm thấy bị sốc trong một môi trường hoàn toàn khác ở Mỹ. Tại MLS, 15 phút sau khi tiếng còi trận đấu kết thúc, truyền thông được phép vào thẳng phòng thay đồ và gặp gỡ bất cứ ai, thậm chí cả trước thời điểm một cầu thủ thay đồ sau khi anh ta tắm gội.

“Tôi cảm thấy bực mình”, cựu tiền vệ của Man City và giờ khoác áo New York Red Bulls là Bradley Wright-Phillips cho biết. “Trong phòng thay đồ, tôi chỉ muốn ở cùng các đồng đội thôi”.

Ngoài chuyện sự riêng tư bị can thiệp như vậy, một vấn đề khác cũng làm nhiều cầu thủ Anh không hài lòng là thu nhập của họ được công khai đến từng con số. Thế mới nói tất cả đều biết Gerrard nhận 6,2 triệu USD/năm (3,96 triệu bảng) ở LA Galaxy và Lampard là 6 triệu USD (3,83 triệu bảng) ở New York City, trong hai đồng đội của Gerrard ở vị trí thủ môn, Andrew Wolverton và Eirik Johansen, mỗi người chỉ nhận 50.004 USD/năm (31.834 bảng).

Sự khác biệt quá lớn về thu nhập rất dễ dẫn đến suy nghĩ khác nhau giữa các cầu thủ trong đội bóng và có thể tạo nên những va chạm. Cũng vì thế mà ở Galaxy và Mỹ vẫn lưu truyền một câu chuyện về Beckham, về sự đón tiếp lạnh nhạt mà cựu tiền vệ người Anh nhận được khi anh xuất hiện ở cuối bữa ăn của đội bóng. Về sau, tất cả mới biết được rằng, Beckham chỉ được nhận một phần thay vì toàn bộ 6,5 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, trong khi người Mỹ cho rằng điều này là không công bằng, những cầu thủ Anh hay châu Âu lại cho đó là chuyện bình thường. “Mọi người tự tạo dựng cuộc sống của họ”, Wright-Phillips, người chỉ nhận 600.000 USD/năm (383.000 bảng) cho biết, dù đồng đội của anh ở Red Bulls năm 2013 là Thierry Henry nhận 3,75 triệu USD (2,39 triệu bảng). “Nếu ai đó nhận được nhiều tiền, đấy là họ xứng đáng như vậy”.

Ít nhất là không như ở Anh, khi các CĐV luôn xem cầu thủ nhận được bao nhiêu tiền, chuyển nhượng ra sao, anh ta sống trong một biệt thự như thế nào, đi loại xe gì, đeo đồng hồ gì, CĐV Mỹ không can thiệp quá nhiều vào cuộc sống, thu nhập của cầu thủ. Riêng điều này, MLS rõ ràng là nơi nghỉ ngơi thích hợp cho cầu thủ Anh nếu như họ muốn tránh sự chú ý của truyền thông.

Mạnh Hào

Không nhiều ngôi sao ở Anh thi đấu tại MLS
Anh là một trong những nước có nhiều cầu thủ thi đấu tại MLS, sau Mexico, Argentina, Brazil… nhưng số ngôi sao của Premier League tới đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài David Beckham, Steven Gerrard, Frank Lampard, người ta cũng bắt gặp có Nigel Reo-Coker, Liam Ridgewell, Jermain Defoe, anh em nhà Wright-Phillips.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm