Câu chuyện của Hidetoshi Nakata: Từ sân cỏ đến… sake

thứ bảy 25-7-2015 14:57:53 +07:00 0 bình luận
Ở tuổi 29, Hidetoshi Nakata đã quyết định rời sân cỏ để bắt đầu một cuộc sống khác, hoàn toàn không liên quan đến bóng đá. Sự lựa chọn ấy bắt nguồn từ chính phong cách sống của anh: ngày trước, khi còn xỏ giày thi đấu, người được gọi là “Beckham châu Á” này luôn đọc sách trước giờ ra sân cỏ. Bây giờ, tên tuổi của anh gắn liền với một đặc sản của Nhật Bản, rượu sake.

“Nakatino”, một thời oanh liệt    

Các romanista gọi anh là “Nakatino”, một cái tên Nhật đã được Ý hóa theo kiểu vô cùng dễ thương. Mà ở một thành phố mà người ta công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với người Nhật, văn hóa và ẩm thực Nhật, thì tình yêu của họ dành cho một cầu thủ Nhật Bản cũng chẳng có gì lạ, nhất là khi chàng trai ấy, vào tuổi 25, đã góp một phần không nhỏ vào Scudetto 2001 của Roma. Bạn còn nhớ trận đấu ấy không, ngày 6/5/2001, trên sân Juventus? Hôm ấy, Roma bị Juventus sút tung lưới 2 lần chỉ trong vòng 15 phút đầu của trận đấu, đang hướng tới một thất bại thì Capello đưa Nakata vào sân, để rồi ở những phút cuối, anh ghi dấu ấn trong cả hai bàn gỡ của Roma. Kết quả hòa trong trận đối đầu trực tiếp ấy đã giúp Roma tiếp tục giữ một khoảng cách an toàn với Juve, dập tắt những hy vọng bám sát của Juve, và đưa đội bóng thủ đô đến Scudetto sau 18 năm đợi chờ.

Từ sân cỏ đến... sake

Nhưng “Nakatino” không chỉ được nhớ đến bởi trận đấu ấy. Người ta nhớ anh đến những thói quen và cuộc sống của anh trong và ngoài sân cỏ. Người ta nói rằng Nakata thường đọc sách trước khi vào sân thi đấu trong 7 năm chơi ở Italia, khoác áo Perugia, Roma, Parma, Fiorentina và Bologna. “Chúng tôi thường đến sân vận động trước trận đấu hơn một tiếng rưỡi đồng hồ và tôi thường đọc một cái gì đó để giết thời gian”, anh nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới rồi trên nhật báo Corriere della Sera, bằng một thứ tiếng Ý lưu loát. “Tiểu thuyết ư? Không, tôi đọc sách và báo. Tôi muốn biết các thông tin về cuộc sống và văn hóa. Tôi muốn hiểu biết về thế giới”. Và vì thế giới quá rộng lớn, quá nhiều điều để hiểu và khám phá, nên Nakata giã từ bóng đá và không hề luyến tiếc vì đã giải nghệ quá sớm, vào năm 2005, ở tuổi 29. “Với tôi, bóng đá chỉ là một môn thể thao. Thỉnh thoảng tôi vẫn xỏ giày vào sân trong các trận đấu từ thiện, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm HLV, không làm quan chức bóng đá, cũng không xem các trận đấu bóng đá trên tivi. Cũng đừng hỏi tôi hâm mộ đội bóng nào. Tôi chẳng cổ vũ cho đội nào cả”, anh nói.

Trong một cuộc sống có quá nhiều đam mê để theo đuổi, bóng đá đơn giản chỉ là một trong số đó. Nakata thích nghệ thuật, kiến trúc, thời trang và rượu vang Ý. Anh đi bảo tàng thường xuyên và coi đó như là một phong cách sống. “Đấy là lỗi của nước Ý”, anh cười nói. “Nước Ý đã dạy tôi cách sống trong cái đẹp. Tôi hay đi các bảo tàng, đi xem các buổi trình diễn thời trang, và rồi sau khi giải nghệ, chính nước Ý, với truyền thống văn hóa của mình đã hướng tôi đến với nước Nhật, trong việc bảo vệ và quảng bá các sản phẩm truyền thống của nước mình”.

“Nasake” của nỗi đam mê

Năm 2005, ngay sau khi giã từ sân cỏ, Nakata trở thành đại sứ chính thức của rượu sake Nhật trên thế giới. Anh thậm chí mở một quán bar có tên Sakenomy để giới thiệu cách thưởng thức rượu sake truyền thống. Mới rồi, người Ý đã được khám phá thế giới sake khi Nakata đưa hơn 30 loại sake khác nhau đến Milan, trong một sự kiện mà Nakata tin rằng, đã đưa đất nước của anh đến gần hơn với nước Ý, thông qua văn hóa.

Nhưng cũng như nhiều người Nhật trẻ, Nakata không mấy khi uống sake. “Chỉ có khoảng 20% người Nhật uống sake, còn lại chỉ thích rượu”, anh nói. “Nhưng ngay cả các nhà sản xuất sake cũng thích uống rượu. Nhiều hãng sake đã phá sản. Thị trường trong nước Nhật bị co hẹp lại và tôi muốn cứu sake bằng cách hướng ra nước ngoài. Tôi muốn tạo ra một nhịp cầu văn hóa giữa các nước”. Trong hôm giới thiệu sake ở Milano cuối tháng 6 vừa rồi, anh đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi ăn đồ Ý và uống sake, “một sự kết hợp hoàn hảo và thú vị”, như anh thừa nhận.

Sự mất mát của những di sản văn hóa là một điều khiến Nakata lo lắng. “Tại Nhật Bản, có những công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực đã có hàng thế kỉ tuổi đời”, anh khẳng định. “Công ty rượu sake mà tôi đang sở hữu cũng đã có từ 400 năm nay. Đằng sau những câu chuyện đậm nét gia đình này là một nền văn hóa hết sức dồi dào. Những người thợ thủ công rất giỏi với đôi tay, nhưng không rành về quảng bá. Tôi muốn tổ chức một liên hoan văn hóa về sake vào năm tới ở Tokyo. Italia cũng sẽ được mời. Đấy là một dịp tốt để kỉ niệm 150 năm ngày thiết lập quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Italia”. Một sáng kiến tuyệt vời của Nakata, người đã được Tổng thống Italia, Carlo Azeglio Ciampi phong tước hiệu Hiệp sĩ vào năm 2005 vì những đóng góp của anh trong quan hệ giữa hai nước.

Từ sân cỏ đến văn hóa, cụ thể là sake, là những thế giới hoàn toàn khác nhau. Nhưng Nakata đã tạo được một cây cầu giữa những nền văn hóa Đông và Tây bằng nhiệt huyết và đam mê của mình. Nakata, “Beckham của nước Nhật“ giờ đã trở thành “Nasake”, một sự kết hợp giữa Nakata và rượu sake….

TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm