Câu chuyện bóng đá: Tình yêu hóa giải hận thù

thứ hai 6-7-2015 20:50:20 +07:00 0 bình luận
Chiến tranh thế giới lần thứ hai là vết cắt sâu vào số phận của hàng trăm cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi cuộc chiến này. Số phận của họ sau khi cuộc chiến tàn khốc đi qua cũng rất khác nhau, có những ngã rẽ vinh quang, cũng có những sự hi sinh thầm lặng…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Bremen, Bernhard Carl Trautmann sớm bộc lộ năng khiếu thể thao từ rất nhỏ. Ngay từ năm mới 10 tuổi, thủ môn tài năng này đã chơi trong đội bóng Tura Bremen trong vai trò của một… tiền vệ, Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Trautmann nhanh chóng gia nhập quân đội, và được biên chế vào không quân Đức. Với nhiệm vụ của một lính dù, ông đã có những ngày tháng cực kỳ khó khăn khi chiến đấu trong trung đoàn dù số 35 ở mặt trận Dnepropetrovsk, Ukraine, và sau đó là Normandy, Pháp. Khi cán cân cuộc chiến nghiêng dần về phía quân Đồng Minh, anh lính đã từng được trao tặng 5 huân chương chiến công, trong đó có 1 Thập Tự Sắt hạng nhất Trautmann quyết định bỏ ngũ trong tâm trạng đơn độc, sợ hãi và chán ngán chiến tranh. Hành trình quay về quê nhà của ông đã không suôn sẻ. Trautmann bị quân Anh bắt gần Ostend (Bỉ) rồi bị di lý tới Essex (Anh) để thẩm vấn và “khoác áo” tù nhân hạng C – hạng dành cho các sỹ quan phát xít Đức.

trautmann

Trong thời gian ở đây, các tù binh Đức trong trại tù tổ chức các trận đá bóng và đôi khi cũng được tham gia các trận giao hữu với các đội bóng địa phương. Với tài năng và kinh nghiệm của mình, Trautmann thường xuyên có mặt trong đội hình chính ở vị trí tiền vệ cánh. Trong một trận đấu với đội bóng địa phương, ông chấn thương đầu gối và đề nghị được tráo đổi vị trí với thủ môn của đội là Gunther Luhr mà không bao giờ ngờ được rằng sự kiện ấy là điểm mốc lớn nhất thay đổi toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của mình, bởi nó lấy đi của bóng đá một tiền vệ tầm tầm và trả lại vào đó một trong những thủ môn hàng đầu thế giới. Sự xuất sắc của Trautmann ngay lần đầu đứng trong khung gỗ đã thu hút những người Anh. Họ bắt đầu gọi ông là “Bert” – cái tên sau này được chính thức ghi vào lịch sử bóng đá thế giới, thay cho “Bernd” – tên rút gọn của Bernhard, vì phát âm theo tiếng Anh khó quá.

Khi các trại tù binh chiến tranh ở Anh đóng cửa, Trautmann từ chối hồi hương về Đức và ở lại Anh vì tình yêu với cô gái Margaret Friar – con gái của chủ tịch CLB St Helen Town, người sau này trở thành vợ ông. Tình yêu đã khiến Trautmann thăng hoa cả trong sự nghiệp lẫn danh tiếng. Quá ấn tượng với tài năng của thủ môn người Đức này thông qua một trận giao hữu đầu mùa với St Helen Town, đội bóng chuyên nghiệp Manchester City lập tức quyết định mua Trautmann bằng mọi giá, trước khi những đội bóng lớn khác cướp mất. Ngày 7 tháng 10 năm 1949, hợp đồng giữa các bên được hoàn thành. Những ngày tháng đầu tiên của Trautmann tại đội bóng mới mình cũng là những ngày tháng khó khăn nhất của cả ông lẫn đội bóng. Trong suốt lịch sử đội bóng, chưa bao giờ những người hâm mộ Manchester City lại phản đối đội nhà dữ dội đến như vậy. Những cuộc biểu tình phản đối sự có mặt của một tên phát xít Đức trong thành phần đội bóng nổ ra liên tiếp với sự tham gia của hàng ngàn người, số lượng vé cả mùa bị trả lại lên đến con số kỷ lục, văn phòng CLB bị oanh tạc bởi hàng tấn thư khủng bố… Sự việc chỉ dịu đi chút ít khi đội trưởng của đội bóng lúc đó – Eric Westwood, một cựu chiến binh Normandy lên tiếng: “Chiến tranh không nên tồn tại trong phòng thay đồ của chúng tôi”.

1956_cup_final

Trận đấu đầu tiên của Trautmann với Fulham tháng 1 năm 1950 tại London – thành phố chịu sự tàn phá cực kỳ nặng nề bởi những trận ném bom của không quân Đức trong chiến tranh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Trên khán đài, người ta hô vang “quốc xã”, “phát xít”… Được dự đoán sẽ thua tơi tả trên sân Craven Cottage, tỷ số chung cuộc thua 0-1 với hàng loạt pha cứu thua xuất thần của Trautmann đã làm nhiều người thay đổi cái nhìn về anh. Khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên, tên thủ thành của đội chiến bại được hô vang trên các khái đài, cầu thủ của hai đội đều đến bắt tay Trautmann để bày tỏ sự khâm phục của mình.

csm_60907-Trautmann_ManCity_Newcastle_FA_Parade_1955_7ea0075180

Mùa bóng 1955/56, Man City đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng chung cuộc, cùng với giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất năm của Hiệp hội bóng đá Anh dành cho Bert Trautmann (ông cũng là thủ môn đầu tiên đoạt được danh hiệu này), để bước vào trận chung kết cúp FA với Birmingham. Phút thứ 75, khi tỷ số đang là 3-1 nghiêng về đội nhà, Trautmann gặp phải một chấn thương khi lĩnh trọn đầu gối của Peter Murphy vào cổ trong một pha cản phá. Choáng váng và đứng không vững, nhưng thủ thành 33 tuổi này vẫn phải bắt đến hết trận do Man City đã hết quyền thay người, thậm chí ở phút 84, ông còn cản phá thành công một cú sút như búa bổ của chính Peter Murphy. Hai ngày sau, các bác sĩ của bệnh viện Manchester Royal công bố rằng anh là một phép màu của y học, khi phim chụp X quang cho thấy cú va chạm khiến thủ thành này lệch 5 đốt sống cổ, trong đó đốt sống thứ 2 bị vỡ làm đôi. May thay, đốt sống thứ 3 đã chèn không cho đốt sống bị vỡ tách ra, giữ lại tính mạng của Trautmann chỉ trong đường tơ kẽ tóc.

Pha bóng suýt chút nữa thì đoạt mạng Trautmann
Pha bóng suýt chút nữa thì đoạt mạng Trautmann

Trong quãng thời gian 15 năm (1949 – 1964) ở Man City, Bert Trautmann đã chơi tổng cộng 545 trận. Năm 1964, nước Anh tổ chức trận đấu tôn vinh ông với sự góp mặt của 60.000 khán giả. Trautmann đeo băng đội trưởng đội bóng kết hợp giữa Manchester City và Manchester United, sát cánh cùng các huyền thoại Bobby Charlton, chống lại đội tuyển Anh với Tom Finney, Stanley Matthews và Jimmy Armfield. Trong sự nghiệp của mình, Trautmann thắng khoảng 60% trong các pha đối mặt một chọi một với tiền đạo đối phương. HLV huyền thoại Matt Busby đã từng cảnh báo các học trò: “Đừng suy nghĩ khi đối mặt với Trautmann, anh ta sẽ đọc được suy nghĩ từ mắt bạn để vô hiệu hóa cú dứt điểm”. Đồng đội của ông ở Man City – Neil Young hoàn toàn tán đồng quan điểm ấy: “Cách duy nhất để đánh bại Trautmann là sút hỏng, để bóng đi không đúng với ý đồ ban đầu!”.

Bert Trautmann

Trong sự nghiệp của mình, chưa bao giờ thủ môn vĩ đại này tham gia một trận đấu trong màu áo ĐTQG. Với ông, quá khó để lựa chọn thi đấu cho Anh – đất nước làm rạng danh tên tuổi, hay cho Đức – quê hương mà ông luôn yêu quý bằng cả trái tim. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn được vinh danh là thủ môn xuất sắc nhất của cúp FA. Năm 2004, ông thành lập quỹ từ thiện mang tên mình để ủng hộ và vun đắp cho mối quan hệ giữa hai quốc gia Anh và Đức. Năm 2005, ông được nhận huân chương OBE do chính nữ hoàng Anh Elizaberth II trao tặng cho nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa hai quốc gia.

132770554_01_433322c

Mười hai ngày nữa là tròn 2 năm ngày mất của Bernhard Carl Trautmann, ông qua đời ngày 19 tháng 7 năm 2013 tại nhà sau một cơn đau tim, thọ 89 tuổi. Chủ tịch liên đoàn bóng đá Đức Wolfgang Niersbach trong lời chia buồn đã ca ngợi thủ môn huyền thoại này là “Một nhà thể thao đáng kinh ngạc, và một quý ông đích thực… một huyền thoại thực sự”. Bob Wilson – cựu thủ môn Arsenal đã thổ lộ trên Tweeter “Người đàn ông đáng kinh ngạc, người đã góp phần rất lớn trong việc đem các quốc gia thù địch trong chiến tranh xích lại gần nhau hơn”. Joe Corrigan – cựu thủ môn Man City chia sẻ “Ông là một con người siêu đẳng, một trong những thủ môn xuất sắc nhất mọi thời đại”.

 KIM THIỀN

“Hiện tại chỉ có 2 thủ môn đạt được đến đẳng cấp thế giới. Một là tôi, còn lại là người Đức đang chơi bóng cho Manchester – Bert Trautmann.”

Lev Yashin

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm