Pha ngớ ngẩn thế kỷ
Ngày 22 tháng 6 năm 1974, ở thời điểm chỉ còn 5 phút nữa là trận đấu ở lượt đấu cuối cùng vòng bảng VCK World Cup 1974 giữa Brazil và Zaire kết thúc, Brazil được hưởng một quả đá phạt trực tiếp cách khung thành đối phương khoảng 25 mét. Các cầu thủ Brazil đặt bóng, chờ còi của trọng tàu để thực hiện quả đá phạt. Đột nhiên, Mwepu Ilunga – hậu vệ của Zaire bước lên từ hàng rào, lấy đà sút mạnh quả bóng về phía cầu môn Brazil. Trọng tài, các cầu thủ Brazil, khán giả trên sân đều ngạc nhiên cực độ. Trọng tài rút thẻ vàng phạt Mwepu Ilunga và cho Brazil thực hiện lại pha đá phạt.
Cả thế giới cười vào mặt Mwepu Ilunga, cả thế cười vào mặt bóng đá châu Phi, như thể một bọn mọi rợ. Và đến tận bây giờ, nhiều người vẫn còn cười khi xem lại pha bóng ấy. Không chỉ vì các cầu thủ đến từ châu Phi toàn thua cả 3 trận ở VCK năm ấy, mà còn vì họ “đói văn minh” đến mức còn không hiểu được cả những điều luật cơ bản của bóng đá.
Ngoại trừ việc tất cả những ai cười cợt đã sai suốt hơn 40 năm trời.
Zaire không phải là một đội bóng tệ, họ là đội bóng đầu tiên ở khu vực cận sa mạc Sahara, cũng như đội bóng đầu tiên sử dụng 100% cầu thủ da đen đăng quang giải CAN năm 1974, qua đó giành vé tham dự VCK World Cup. Nhưng điều quan trọng hơn là tất cả các cầu thủ đều biết rõ luật, đều là những cầu thủ chuyên nghiệp, và Mwepu biết chính xác anh làm gì khi đá quả bóng văng đi.
Mwepu Ilunga gửi lời chửi thề đến đến một trong những người kẻ độc tài quyền lực nhất, và cũng ác ôn nhất thế giới ở thế kỷ 20.
Lịch sử đẫm máu
Lịch sử của đất nước Congo (mang tên Zaire từ năm 1971 đến 1979) là một cơn ác mộng. Năm 1884, lãnh đạo của các siêu cường châu Âu nhóm họp tại Berlin. Tại đây, với tấm bản đồ trải trên bàn, họ phân chia “chiến lợi phẩm” mang tên Phi châu. Vua nước Bỉ Leopold nhanh chóng chiếm lấy lãnh thổ to nhất ở Trung Phi và đặt tên nó là Congo Free State. Người dân Congo bị bóc lột đến tận xương tủy dưới sự cai trị của vị vua này (trong 23 năm Leopold trị vì, dân số quốc gia này giảm đi một nửa), và không khá hơn là bao dưới sự cai trị trực tiếp của chính phủ Bỉ từ năm 1908 đến 1960.
Hi vọng đến với người dân Congo với cái tên Patrice Lumumba, thủ tướng được dân bầu lên đầu tiên ở quốc gia này, sau sự rút đi của người Bỉ vào tháng Giêng năm đó.
Lumumba là một lãnh đạo vì dân, trong bài phát biểu trên cương vị thủ tướng, trước toàn bộ các đại biểu của Bỉ và Liên hợp quốc, cũng như giới truyền thông phương Tây, ông đã lên án thẳng thừng Bỉ và các cường quốc thuộc địa của châu Âu phải chịu trách nhiệm về sự bất công, áp bức, bóc lột mà toàn bộ châu Phi phải chịu trong những thập kỷ rên xiết dưới ách thực dân.
Lumumba chọn cho dân tộc mình con đường xã hội chủ nghĩa, ngay ở thời kỳ đỉnh điểm của chiến tranh lạnh. Và như thế, ông trở thành cái gai của chính quyền Eisenhower, trở thành mục tiêu của CIA.
Bên cạnh yếu tố chính trị, sự quan tâm của Mỹ ở Congo còn là mỏ uranium trữ lượng cao. Lượng uranium để chế tạo hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki được khai thác trực tiếp từ miền Nam Congo. Cuối năm 1961, tuyệt vọng trong việc ăn chia nguồn tài nguyên này, một lực lượng quân đội Mỹ, cùng lính NATO và Bỉ dùng một số máy bay trực thăng thực hiện đảo chính và bắt giữ Lumumbu, giao lại cho tương quân đội Mobutu, người sau đó đã thực hiện lệnh tử hình ông và lên ngôi. Và câu chuyện về bóng đá bắt đầu.
Tham vọng bóng đá của nhà độc tài
Tương Mobutu chính thức nhậm chức tổng thống Congo vào năm 1965, và rất nhanh chóng thủ tiêu mọi nhân vật cao cấp bất đồng chính kiến với mình, cũng như từng có cảm tình với Lumumbu. Năm 1970, Mobutu chính thức củng cố quyền lực tuyệt đối của mình bằng chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử năm ấy, đồng thời đổi tên quốc gia thành Zaire, và đổi tên mình thành “Mobutu Sesse Koko Ngbendu Wa Za Banga”, có nghĩa là “Chiến binh mạnh mẽ nhất vì sự quyết tâm và kiên định để giành chiến thắng, sẽ đi từ cuộc chinh phạt này đến cuộc chinh phạt khác, trải hào quang trên con đường đi qua”.
Chính quyền Zaire dưới thời Mobutu được đánh giá là chính quyền độc tài, bất lương và tàn bạo nhất thế giới nửa sau thế kỷ 20, với quan hệ gần gũi, thân thiết và nhuốm màu quyền lực với các đời tổng thống Mỹ, từ Carter, Reagan cho đến Bush cha.
Và Mobutu là một fan cuồng nhiệt của thể thao, đặc biệt là boxing và bóng đá. Zaire đã đăng cai một giải bóng đá lớn để chào mừng sự đăng quang của Mobutu vào năm 1965, và trong lúc quốc gia rơi vào khủng hoảng vì nạn đói và sự chống đối của các thành phần đối lập, bóng đá vẫn ngốn một ngân sách khổng lồ để đoạt cúp vàng CAN năm 1968.
Năm 1974, Zaire một lần nữa vô địch châu Phi, trong tình trạng quốc gia này rơi vào tình trạng nghèo đói đến mức báo động, trừ những người thân cận của Mobutu.
Các cầu thủ Zaire tất nhiên được hưởng những đãi ngộ trên đỉnh xã hội, Mobutu đặt biệt hiệu cho ĐTQG là “The Leopard” (lấy hình ảnh chiếc mũ da báo gắn liền với hình ảnh của nhà độc tài này). Với chiến thắng đoạt về từ Cairo, các cầu thủ chìm ngập trong phần thưởng.
“Ông ấy như một người cha với chúng tôi. Ông ta chào đón chúng tôi tại nhà ông và tặng mỗi người một chiếc xe hơi và một căn nhà”, Mwepu phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC năm 2002.
Trận đấu đời người
Mobutu tự thấy sự góp mặt ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh tại Tây Đức năm 1974 là sự tuyên truyền tuyệt vời cho chế độ của mình. Vẫn đủ tỉnh táo để biết rằng cơ hội chiến thắng của Zaire ở giải đấu này là rất nhỏ, Mobutu chỉ yêu cầu các cầu thủ đừng làm mình bẽ mặt với màn trình diễn của họ.
Kết quả thua 0-2 ở trận ra quân được các nhà chuyên môn đánh giá khá tích cực, đội Scotland chỉ thắng do cú vô lê xuất thần của Peter Lorimer và cú đánh đầu hiểm hóc của Joe Jordan, trong khi Zaire chơi phòng thủ cực tốt, và thậm chí còn có được một vài cơ hội nguy hiểm. Dưới mắt phương Tây, Zaire là một đội bóng “chơi được”. Nhưng Mobutu không nghĩ thế, nhà độc tài muốn hơn thế.
Nhưng trận thứ hai gặp Nam Tư là một thảm họa. Tỷ số thua 0-9 ghi một kỷ lục mới của VCK World Cup, và vẫn đứng vững đến tận bây giờ. Điều này khiến Mobutu thất vọng và cảm thấy nhục nhã ghê gớm, và cơn giận của ông được trút xuống nhà cầm quân gốc Nam Tư – Zoran Vidinic.
Máu độc tài của Mobutu trỗi dậy. “Ông ta gửi đội cận vệ của mình đến khách sạn. Họ đóng tất cả các cửa ra vào, cách ly với các nhà báo và truyền đạt mệnh lệnh của ông: nếu thua đến 0-4 trong trận cuối, tất cả các cầu thủ sẽ không được phép đặt chân về quê hương”, Mwepu kể lại.
Viễn cảnh phải lưu vong, trong khi gia đình ở quê hương sẽ phải chịu sự tra tấn khủng khiếp – đặc sản dưới thời Mobutu cai trị đã khiến các cầu thủ Zaire rúng động. Và sự run sợ như tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ. Họ trình diễn một màn phòng thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Mỗi đợt lên bóng của các cầu thủ Bazil đều được đáp trả bằng những pha xoạc bóng xuất thần, thủ môn Kazadi liên tiếp có những pha cứu thua ngoạn mục. Nhà đương kim vô địch thế giới Brazil chỉ có được 1 bàn thắng ở hiệp đấu đầu tiên. Hiệp 2, tỷ số được nâng lên 3-0 khi đồng hồ trên sân chỉ sang phút thứ 83.
Những phút sinh tử của các cầu thủ Zaire bắt đầu. Họ đá bằng tâm thế giành giật mạng sống của người thân khỏi lưỡi hái tử thần. Trận đấu còn 5 phút, từ khoảng cách 25 mét, Jairzinho và Rivelino thì thầm về việc ai sẽ thực hiện quả phạt. Và Mwepu bước lên phía trước…
“Tôi cố tình làm như thế. Tôi biết rõ luật bóng đá. Tôi không thể tiếp tục chơi để có thể nhận chấn thương, khi mà kẻ độc tài ngồi trên khán đài và kiểm soát mạng sống người thân chúng tôi trong tay. Tôi không thể tiếp tục thi đấu như thế. Tôi làm thế vì thà nhận thẻ đỏ, còn hơn tiếp tục chơi bóng. Tôi nắm luật rất rõ. Trọng tài đã khá nhẹ tay khi chỉ phạt thẻ vàng. Tôi không bao giờ hối tiếc về việc đã làm”, Mwepu giải thích về hành động của mình với BBC.
Trong giây phút đấy, chàng trai trẻ Mwepu chỉ nghĩ được rằng hành động của mình sẽ là “ngón tay thối” chĩa thẳng vào mặt Mobutu.
Zaire bảo vệ thành công mành lưới trước quả đá phạt của Brazil, cũng như suốt những phút còn lại của trận đấu. Họ được trở về quê hương.
Bóng đá chấm dứt với Zaire. Họ không có cơ hội vô địch châu Phi, hay cập bến VCK World Cup một lần nào nữa. Mobutu vẫn tiếp tục sự cai trị hà khắc và độc tài của mình lên người dân nghèo đói đến cùng cực. Zaire, nay là Cộng hòa Dân chủ Congo chưa bao giờ hồi phục từ ách thống trị của Mobutu và vẫn là một trong những quốc gia kém phát triển nhất thế giới. Xếp hạng chót thế giới về GDP bình quân đầu người, xếp thứ 3 từ dưới lên về bình quân tuổi thọ, với 1 triệu người có HIV/AIDS trên dân số 75 triệu người.
Pha bóng để đời của Mwepu
Danh hài Rowan Atkinson, người rất thành công với vai diễn Mr. Bean đã từng nói: “Về cơ bản, mỗi vở diễn hài hước đều chọn cho mình một nạn nhân. Đấy là lý do tôi luôn chọn mình là nạn nhân trong các vở diễn”. Tháng trước, Mwepu qua đời ở tuổi 65, nhưng “vở diễn” của ông còn mãi. Ông không cần phải ghi hàng nghìn bàn thắng, hay đoạt cúp vàng thế giới để ghi dấu ấn vào lịch sử. Đôi khi tất cả những gì cần làm chỉ là sút thẳng vào quả bóng trước sự hoang mang của Roberto Rivelino.
Nhưng với “vở diễn” của mình, nạn nhân không là cái người ta vẫn nghĩ, là bản thân ông, mà là cả một dân tộc đã hàng thế kỷ rên xiết dưới đói nghèo, cơ cực.
KIM THIỀN