Thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh
Giáng sinh năm 1914, cách đây gần 101 năm, Thế chiến thứ nhất bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt. Cuộc chiến đã diễn ra được 4 tháng và bắt đầu lan rộng. Giáng sinh đầu tiên của chiến tranh. Các quốc gia trung lập, Mỹ và Giáo hoàng kêu gọi người Anh và Đức tạm ngừng chiến trong thời gian Giáng sinh, và nhận được sự ủng hộ từ cả hai bên tham chiến.
Vào ngày Giáng sinh, vũ khí, đạn dược được cung cấp cho tiền tuyến ít hơn, thay vào đó là quà, thiệp Giáng sinh, đồ ăn và thức uống được chuyển đến. Rất nhiều cây thông Giáng sinh cũng xuất hiện ở chiến hào, và theo những người có mặt, những bài hát Giáng sinh đều đặn vang lên, đầy nỗi buồn và sự suy tư.
Ngày 2 tháng 1 năm 1915, báo Bolton Chronicle đăng một bức thư của binh sỹ J.A.Farell “Buổi chiều Giáng sinh, đã có một trận bóng đá diễn ra ngoài chiến hào, ngay trong tầm nhìn của kẻ thù”.
Ngày 9 tháng 1, tờ Chester Chronicle đăng một bức thư từ binh sỹ Lance Corporal Hines kể rằng ông đã thấy một binh sỹ Đức ở khu vực giữa 2 trận tuyến hét lên rằng một ngày nào đó được xem Woolwich Arsenal (tiền thân của CLB Arsenal ngày nay) đá với Tottenham.
Sau đó, The Times tiếp tục tiết lộ bức thư của một binh sỹ thuộc đoàn quân y Hoàng gia kể lại trận bóng đá của đồng đội mình với các binh sỹ thuộc trung đoàn 133 Saxons của Đức. Trận đấu kết thúc với tỷ số 3-2 nghiêng về các “cầu thủ” Đức. Sau này, các tư liệu từ trung đoàn 133 của Đức cũng xác nhận trận đấu đấy, được mô tả “Những chiếc mũ cối được dùng để làm cột gôn, và một binh sỹ gốc Scotland cung cấp quả bóng”.
Nhưng đây không phải là trận bóng đá duy nhất giữa những binh sỹ hai bên chiến tuyến vào ngày Giáng sinh năm ấy. Ngày 31 tháng 12 năm 1914, tờ Newcastle Evening Mail đăng tải một đoạn phỏng vấn thượng sỹ Frank Naden thuộc quân đoàn địa phương số 6 Cheshire, đồn trú tại Ypres (Bỉ), vừa trở về Newcastle “Vào ngày Giáng sinh, một binh sỹ người Đức giơ cao tay không đi ra khỏi chiến hào. Chúng tôi cũng bước ra và gặp nhau ở giữa hai chiến hào, bắt đầu nói chuyện và trao đổi thực phẩm, thuốc lá và đồ lưu niệm cho nhau. Người Đức tặng chúc tôi một ít xúc xích, chúng tôi trao đổi lại bằng một số dụng cụ của mình. Một binh sỹ Scotland chơi kèn túi, và sau đấy chúng tôi tổ chức một trận đá bóng. Các binh sỹ Đức có vẻ mệt mỏi với cuộc chiến và mong nó sớm kết thúc. Ngày hôm sau, chúng tôi nhận được lệnh chấm dứt việc gặp gỡ với kẻ thù từ cấp trên, nhưng chúng tôi không bắn vào người Đức ngày hôm đó, và họ cũng thế”.
Câu chuyện của Frank Naden được bổ sung bởi đồng đội Ernie Williams vào năm 1983 “Quả bóng xuất hiện từ các binh sỹ Đức, họ dựng gôn, chúng tôi bước đến và trận đấu bắt đầu. Có hàng trăm binh sỹ cả hai bên tham gia cổ vũ cho trận đấu”.
Tương tự, dựa vào những câu chuyện được tổng hợp rất nhiều năm sau cuộc chiến, người ta ước tính có hàng chục trận bóng như thế được tổ chức dọc chiến tuyến.
Đầu tiên và duy nhất
Đấy cũng là lần duy nhất, các trận bóng giữa những kẻ thù trên chiến tuyến được tổ chức. Khái niệm “Chrismas Truce” – thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh biến mất hoàn toàn sau đấy. Cuộc chiến kéo dài đến tận năm 1918, với 19 triệu người chết, hàng chục triệu người trở về với cơ thể không còn lành lặn.
Trước khi cuộc chiến nổ ra, bóng đá là đặc quyền riêng của những người thuộc giới thượng lưu, và chỉ những người thuộc tầng lớp cao mới được hưởng đặc quyền xem bóng đá. Sau bốn năm chiến tranh, với sự huy động tất cả các tầng lớp trong xã hội tham gia cuộc chiến, bóng đá được chơi nhiều hơn ở các trại huấn luyện, các nhà máy và thậm chí trong các trại tù binh chiến tranh, những người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội xích lại gần nhau hơn, xung quanh trái bóng tròn.
Chiến tranh kết thúc, quả bóng theo chân những người trở về lăn trên mảnh đất quê hương. Với người Anh, năm 1918 không chỉ đánh dấu việc chiến tranh kết thúc, mà còn là thời điểm bóng đá chính thức trở thành môn thể thao bình dân, tất cả mọi người đều chơi được, để bắt đầu đơm hoa kết trái trên vương quốc rộng lớn này.
Đến bài học giáo dục hôm nay
Câu chuyện cảm động về trận bóng giữa chiến tuyến đã gợi cảm hứng cho những người làm bóng đá ở Anh. Nói như giáo sư Mark Connelly “Có một khoảng cách cực kỳ lớn giữa việc thỏa thuận ngừng bắn và coi nhau như anh em và chúng ta phải đưa chúng gần lại với nhau”. Từ năm 2011, Liên đoàn bóng đá Anh và Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh bắt tay nhau cho ra đời giải đấu Thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh (Christmas Truce Tournament), được tổ chức thường niên tại Ypres (Bỉ) – chính nơi diễn ra trận bóng đá hơn 100 năm trước.
Giải được tổ chức cho những bé trai từ 12 tuổi trở xuống, song song với những trận đấu bóng, là những hoạt động ngoại khóa, những hoạt động mang tính giáo dục về sự khốc liệt của chiến tranh, về giá trị của hòa bình và tình yêu thương. Hai mươi đội bóng đại diện cho các CLB Premier League sẽ tranh tài cùng các đội bóng đến từ Bỉ, Đức, Scotland, Pháp và Áo.
Từ sự thành công và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của xã hội, Ban tổ chức Premier League, Liên đoàn bóng đá Anh, Football League và Hội đồng Anh khởi động phong trào “Football Remembers” với ý nghĩa tương tự, thành một chương trình giáo dục triển khai đến 30.000 trường học trên toàn vương quốc Anh.
Chương trình dự kiến sẽ được tổng kết vào năm 2018, trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày Thế chiến thứ nhất kết thúc. Cũng trong chương trình, các cầu thủ cả chuyên nghiệp và nghiệp dư được kêu gọi tải hình ảnh lên các mạng xã hội với hashtag #footballremembers để tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống trong Thế chiến thứ nhất.
Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ. Những mất mát, tổn thương đã phần nào được hàn gắn. Nhưng thế hệ trẻ vẫn cần được nhắc nhở về nó, về những trận bóng giữa những người lính ở hai bên chiến tuyến cả trăm năm về trước, để thấm thía hơn về giá trị của hòa bình.
KIM THIỀN
Bạn đọc có quan tâm và muốn đọc những bài viết tương tự của chuyên đề “Câu chuyện bóng đá”? Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của các bạn độc giả để chúng tôi tiếp tục thực hiện chuyên đề này. Gửi ý kiến ở phần “Bình luận” dưới bài viết. Xin chân thành cảm ơn!