Buồn ơi, bóng đá toàn cầu hóa!

Nhà báo Nam Khang
thứ năm 5-7-2018 16:19:36 +07:00 0 bình luận
Những cặp đấu ở tứ kết World Cup gợi cho NHM về những cuộc đối đầu thú vị của nhiều trường phái bóng đá hấp dẫn, nhưng là khi thế giới bóng đá chưa "phẳng"...

Cách chơi chém đinh chặt sắt của Uruguay liệu có hủy hoại được phong cách hào hoa của Pháp? Bóng đá samba của Brazil liệu có thể nhảy múa trước bẫy việt vị lừng danh của của bầy "Quỷ đỏ" Bỉ? 

Liệu phong cách Bắc Âu của Thụy Điển liệu có thắng được trường phái Anglo-Saxon của Anh? Và đội nào sẽ giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến của trường phái bóng đá Đông Âu giữa Nga và Croatia?  

Buồn ơi, bóng đá toàn cầu hóa! - Ảnh 1.

Các trận đấu tứ kết World Cup bắt đầu diễn ra từ 21h00 thứ Sáu ngày 6/7

Đó chính xác là những cặp đấu ở vòng tứ kết World Cup 2018 đang diễn ra tại nước Nga!

Thế nhưng, muốn được thưởng thức sự đối chọi giữa các trường phái, phong cách bóng đá như kể trên thì chúng ta cần phải quay lại thế kỷ trước, khi thế giới chưa "phẳng" và bóng đá chưa bị cuốn vào vòng xoáy toàn cầu hóa và thương mại hóa.

Thời đó, ngoài những trường phái, phong cách như đã kể trên thì còn có bóng đá tổng lực của Hà Lan, phòng thủ kiểu Ý, thần kinh thép của Đức, "Toque" của Colombia, trường phái Latin, phong cách hoang dã của châu Phi…

Nói chung, mỗi VCK World Cup đều là ngày hội đầy sắc màu của bóng đá thế giới, nơi các trường phái, phong cách bóng đá khác nhau gặp gỡ với mong muốn chứng minh sự ưu việt của mình để giành chiếc Cúp vàng.

Buồn ơi, bóng đá toàn cầu hóa! - Ảnh 3.

TBN là nhà vô địch thế giới gần nhất, đã thể hiện rõ ràng nhất cá tính, bản sắc bóng đá riêng biệt, đó là phong cách Tiki taka

Ngày nay, World Cup vẫn đầy màu sắc nhưng điều đó hầu như chỉ xuất hiện trên các khán đài, nơi các CĐV vẫn chưa đánh mất đi truyền thống văn hóa và bản sắc trong cổ vũ của đất nước họ. 

Đơn giản, vì lực lượng CĐV được thoải mái thể hiện bản sắc văn hóa bóng đá chứ không phải xỏ giày vào sân đấu, có giao lưu nhưng không hề có chuyển nhượng và có hiện đại hơn nhưng vẫn chưa bị toàn cầu hóa. Đặc biệt là họ không có chiếc Cúp vàng để giành cho bằng được và do vậy, chẳng có lý do gì để thay đổi.

Buồn ơi, bóng đá toàn cầu hóa! - Ảnh 4.

Vẻ đẹp, màu sắc "nguyên thủy" của bóng đá giờ có lẽ chỉ còn thấy trên khán đài

Các cầu thủ thì khác. Bóng đá là cuộc sống và nó ngày càng bị chi phối nhiều bởi các hợp đồng chuyển nhượng bạc tỷ, hợp đồng quảng cáo, danh vọng... Như thế, cầu thủ sẽ làm tất cả những gì có thể để tìm ra con đường tốt nhất nhằm phát triển sự nghiệp của mình. 

Trong thời buổi thương mại hóa và toàn cầu hóa, với "quả bom" Luật Bosman kích hoạt, mọi cầu thủ đều có thể dễ dàng rời quê hương, CLB của mình để tìm kiếm vận may ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu.

Khi hàng loạt các cầu thủ Nam Mỹ đổ bộ vào châu Âu, ngày càng ở độ tuổi trẻ trung, thì họ buộc phải quên đi thứ bóng đá ngẫu hứng, đường phố để hòa nhập vào triết lý bóng đá kỷ luật của châu Âu. 

Và khi các cầu thủ châu Phi đến châu Âu, thậm chí là gia nhập các trung tâm đào tạo từ khi còn rất trẻ, thì làm sao còn duy trì được phong cách hoang dã của họ.​​​​​​​​​​​​​​

Chưa kể khi bóng đá không còn là trò chơi của niềm đam mê mà đã biến thành một ngành công nghiệp, với kết quả và lợi nhuận được đặt lên hàng đầu, thì mọi nền bóng đá, mọi đội bóng cần phải tìm ra cho mình công thức để chiến thắng, bất kể điều đó đi ngược lại bản sắc của họ.

Đó chính là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy tàn của các trường phái, phong cách đặc thù trong bóng đá để giờ đây hầu như tất cả chỉ gói gọn trong 3 cách chơi: kiểm soát bóng để tấn công, phòng ngự phản công và phòng ngự tử thủ.

Tiếc cho những trường phái bóng đá lừng danh một thời đã đi vào quên lãng. Nhưng khi bóng đá cũng không thể nằm ngoài xu thế toàn cầu hóa trên mọi phương diện, từ văn hóa đến kinh tế, chính trị xã hội, đó là con đường phát triển không cưỡng lại được.                 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm