Bóng đá và doping (Kỳ 2): Bịt tai trộm chuông

thứ tư 23-9-2015 15:12:36 +07:00 0 bình luận
Trong mắt giới bóng đá, dùng EPO không thể tạo ra Messi. Thế nhưng, đâu phải ngẫu nhiên khi các CLB huyền thoại, các cầu thủ huyền thoại và những nền bóng đá lớn đều có dấu vết của doping.

EPO không tạo ra Messi, nhưng…

“Bóng đá sạch 100%”. Quan điểm của Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) có thể xem như phát ngôn chung cho thể giới bóng đá hiện nay. Bởi lẽ, ngay cả khi làng đua xe đạp choáng váng do cua-rơ huyền thoại Lance Armstrong thừa nhận chơi doping, nhiều HLV và cầu thủ vẫn tự huyễn hoặc bản thân rằng doping khó có đất sống trong bóng đá. Đơn giản là vì “chất kích thích không thể nào giúp chúng ta chuyền bóng chính xác hơn”. Nguyên nhân phần nào còn do xe đạp phụ thuộc rất nhiều vào thể lực, trong lúc những yếu tố quan trọng nhất của bóng đá là chiến thuật và kỹ thuật. Vì vậy, dùng doping có ích gì, khi EPO không thể giúp John Terry hóa thân thành Lionel Messi?

Bịt tai trộm chuôngJuventus bị cáo buộc dùng doping để thống trị Serie A và Champions League.

Nhận thức như vậy giải thích tại sao đến nay, công tác phòng chống doping trong bóng đá rất lỏng lẻo, ngay cả ở các giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Trong quyển tự truyện của cựu tuyển thủ Anh Joey Barton, tiền vệ 33 tuổi từng khoác áo Man City, Newcastle, Queens Park Rangers ở Premier League và Marseille tại Ligue 1, xác nhận: “Cho dù là VĐV chuyên nghiệp, nhưng hơn chục năm thi đấu đỉnh cao, tôi mới có đúng một lần phải cho mẫu thử nước tiểu. Và không còn gì khác. Do đó, tôi cảm thấy hơi khó hiểu khi đọc được những thông tin về quy trình kiểm tra chất kích thích ở môn xe đạp để biết người ta thường xuyên lấy máu của các cua-rơ đi xét nghiệm và có những mẫu xét nghiệm được lưu trữ tới mấy năm. Ngược lại, tôi chưa từng bị xét nghiệm máu trong suốt sự nghiệp chơi bóng!”.

Thái độ xem nhẹ doping trong giới bóng đá còn thể hiện rõ ở vòng loại thứ 3 của Champions League mùa này, khi HLV Mircea Lucescu (Shakhtar Donetsk) dám sử dụng ở Fred ở lượt đi gặp Fenerbahce, ngay cả khi tuyển thủ Brazil vừa có kết quả xét nghiệm doping dương tính ở Copa America 2015 và đối mặt với án treo giò dài hạn nếu mẫu thử thứ hai có kết quả tương tự.

Một “chân gỗ” không thể dùng EPO để biến thành Messi, nhưng nếu nhờ có EPO, anh ta thừa sức làm khó Messi bằng thể lực và tốc độ trong 5-10 phút cuối trận chẳng hề kém so với 5-10 phút đầu trận. Với hiệu quả như vậy, tại sao cầu thủ không sử dụng doping để giữ được suất đá chính và kiếm thật nhiều tiền thưởng? Tiền bạc đi liền với thành công càng khiến giới bóng đá không khó làm ra lựa chọn, đặc biệt khi chứng kiến ngày người Đức bắt đầu mạnh tay hơn với chất kích thích trong thập niên 90 đã tạo điều kiện cho bóng đá Italia thống trị Cúp C1/Champions League bằng doping.

Nhà nhà doping, người người doping

Trên thực tế, Serie A bắt đầu trở thành thế lực đáng gờm ở Cúp C1 đã có dấu vết của doping ở “Inter vĩ đại” của HLV huyền thoại Helenio Herrera – bậc thầy về catennaccio trong thập niên 60. Trong cuốn tự truyện của Ferruccio Mazzola, người em ruột của danh thủ Sandro tiết lộ: “Herrera thường cấp những viên thuốc để ngậm dưới lưỡi cho các cầu thủ, nhưng chủ yếu là các trụ cột. Sandro từng bảo tôi rằng nếu không muốn dùng thì lén vào nhà vệ sinh rồi nhổ ra. Nhưng sau đó, Herrera phát hiện nên đem thuốc đó hòa tan vào cafe cho chúng tôi uống. Khái niệm ‘tách cafe của Herrera’ ra đời từ đây. Tôi chẳng rõ những viên thuốc đó là gì, nhưng tin rằng đấy là amphetamin, vì sau khi dùng trước trận đấu với Como năm 1967, tôi bị ảo giác suốt 3 ngày. Dù vậy, chẳng ai muốn công khai việc này, ngay cả Sandro, bởi anh ấy cho rằng ‘việc xấu trong nhà không truyền ra ngoài’. Nhưng tôi nghĩ ngược lại, vì những đồng đội cũ sau đó ốm nặng, thậm chí qua đời”.

Bịt tai trộm chuôngFred vẫn được sử dụng ở vòng loại Champions League
dù vừa bị phát hiện doping ở Copa America 2015.

Đến giai đoạn 1994-98, tới lượt Juventus bị tình nghi sử dụng EPO để góp mặt ở 3 trận chung kết Champions League liên tiếp, chưa kể các Scudetto cùng Cúp Liên lục địa. Thành công của “Bà đầm già” được ghi nhận là dựa vào các danh thủ như Vialli, Ravanelli, Deschamps, Del Piero, Vieri, Zidane và… EPO.

HLV Zdenek Zeman (Roma) là người đầu tiên đề ra nghi vấn do nhận thấy chỉ trong thời gian ngắn, những ngôi sao mà ông biết rõ như Vialli và Del Piero bỗng nhiên cao lớn hẳn. Giữa lúc giới bóng đá hình chiếc ủng đua nhau công kích Zeman, Raffaele Guariniello – thẩm phán thành phố Turin quyết định mở cuộc điều tra tìm sự thật. Sau hai năm, Guariniello làm ra quyết định chưa có tiền lệ: Khởi kiện toàn bộ đội bóng Juventus do sử dụng doping có hệ thống. Hai năm sau nữa, bác sĩ Agricola của Juventus bị kết tội tiêm chất kích thích cho cầu thủ, gồm cả EPO. Nhưng sau đó, chẳng có ai bị trừng phạt và Agricola vẫn tiếp tục làm bác sĩ cho Juventus!

Tại Tây Ban Nha, Barcelona và Real Madrid là hai thái cực, song có cùng điểm chung: Chơi doping. Bằng chứng là Luis del Moral được xem như cố vấn y tế của Barca và Valencia, cho dù bị điểm mặt như một trong những bác sĩ doping khét tiếng nhất làng xe đạp. Theo thống kê chưa đầy đủ thì ở đầu thế kỷ 21, các danh thủ ở Nou Camp như Edgar Davids, Frank de Boer, Fernando Couto và Pep Guardiola đều có nandrolone trong người. Còn trong vụ Eufemiano Fuentes, Real Sociedad là CLB duy nhất thừa nhận hợp tác với bác sĩ doping này, nhưng theo điều tra của tờ báo Pháp Le Monde, Barca và Real Madrid đều có mối quan hệ mật thiết với ông này.

Tuy nhiên, hành trình đi tìm sự thật của Le Monde chẳng có nghĩa làng bóng Pháp cũng sạch sẽ. Vì hồi đầu thập niên 90 khi chinh phục Champions League nhờ mua độ, Marseille thật ra còn dùng doping để gặt hái thành công. Cả Tony Cascarino lẫn Chris Waddle đều khẳng định điều đó. Cascarino nhớ lại: “Sau khi được tiêm thuốc, tôi cảm thấy mình tràn trề năng lượng. Nếu chất bị cấm này bị phát hiện, tôi sẽ bị treo giò. Thế nhưng, tôi buộc phải mạo hiểm”. Trong cuộc phỏng vấn năm 2006, cựu hậu vệ Jean-Jacques Eydelie cũng thừa nhận tồn tại chương trình sử dụng doping có hệ thống ở đất cảng.

Đáng thất vọng nữa là Premier League cũng không sạch doping, như HLV Arsene Wenger từng có lần hoài nghi Arsenal mua phải các cầu thủ dùng EPO. Ông giải thích: “Có vài cầu thủ nước ngoài tới Arsenal có tỷ lệ tế bào máu đỏ cao bất thường. Có lẽ các CLB cũ đã tiêm doping mà không cho họ biết và giải thích rằng đấy chỉ là vitamin”. Nhận định này chắc chắn được Zico dễ dàng đồng ý, vì “Pele trắng” từng cho biết: “Hồi mới 16-17 tuổi, tôi từng được tiêm thuốc 2-3 lần mỗi tháng. Người ta bảo đó là nhằm giúp tôi có thêm sức mạnh để tập luyện. Tuy nhiên, cơ bắp tôi phát triển mà tốc độ và sự nhanh nhẹn không tăng”.

Còn tiếp.

Minh Châu

Cựu hậu vệ Barry Hulshoff tiết lộ trong thập niên 70, bác sĩ Rolink thỉnh thoảng trao cho các cầu thủ Ajax những viên thuốc không rõ nguồn gốc: “Khi sử dụng, chúng tôi cảm thấy mình cực mạnh và chạy hoài không mệt. Điểm khó chịu duy nhất là trong miệng không có nước bọt”.

Không chỉ liên quan tới vụ EPO ở Juventus thập niên 90, Zinedine Zidane còn bị ngôi sao nhạc rock đồng hương Johnny Hallyday tố cáo dùng giải pháp tiêm máu 2 lần/năm tại một bệnh viện của người bạn ở Thụy Sĩ.

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm