Vấn nạn tham nhũng: Con virus lây lan toàn bóng đá thế giới

thứ tư 25-11-2015 22:58:27 +07:00 0 bình luận
Như người ta vẫn nói: “Nhà dột từ nóc”. Nếu scandal tham nhũng, hối lộ, rửa tiền đang tàn phá ngôi nhà bóng đá thế giới FIFA ở cấp thượng tầng thì cũng dễ hiểu ở phía dưới, với 209 Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) quốc gia thành viên, tình trạng nhập nhèm tài chính và nói trắng ra là vấn nạn tham nhũng đang xảy ra ở nhiều nơi, giống như con virus nguy hiểm rất khó kiểm soát.

1Những nhân vật hàng đầu của bóng đá thế giới Chủ tịch FIFA Sepp Blatter hay Chủ tịch UEFA Michel Platini đang phải đối mặt án phạt cấm tham gia bóng đá trọn đời. Trước đó rất nhiều quan chức cấp cao của FIFA cũng đã bị điều tra, thậm chí bị bắt giữ. Chưa bao giờ sự trong sáng, tính minh bạch và tinh thần thể thao cao thượng của FIFA - đúng như tôn chỉ Fair-play - bị đặt dấu hỏi lớn như hiện tại. Và bản báo cáo mới đây, hay nói chính xác là “BXH quản lý bóng đá”, của Tổ chức minh bạch quốc tế (Transparency International, gọi tắt là TI), là một đòn nặng nề khác giáng vào ngôi nhà bóng đá thế giới. Bởi ở đó, người ta có thể ít nhiều nhìn thấy những khuất tất, “điểm mù” trong cách thức hoạt động của các LĐBĐ thành viên của FIFA, mà qua đó rất dễ nảy sinh những vấn nạn liên quan đến tài chính như tham nhũng, hối lộ, trốn thuế hay thậm chí rửa tiền.

Cụ thể, theo bản báo cáo của TI sau khi khảo sát thông qua website chính thức và yêu cầu hợp tác thông tin ở 209 LĐBĐ thành viên của FIFA, đã cho thấy những con số báo động. Đó là 85% số LĐBĐ (178/209) không công bố các hoạt động liên quan đến tài chính hằng năm. 81% số LĐBĐ (168/209) không hề có báo cáo tài chính. Bên cạnh đó là 45% số LĐBĐ không có quy chế tổ chức rõ ràng, 21% thậm chí còn không có website chính thức và đặc biệt 76% không có Uỷ ban đạo đức. Nên nhớ, đó là một bộ phận độc lập có vai trò quan trọng trong việc đánh giá năng lực, sự liêm chính hay nói cách khác đó là một vũ khí để chống lại vấn nạn tham nhũng từ cấp độ cá nhân tới tổ chức ở mỗi LĐBĐ. Như thế, câu hỏi đặt ra là một khi có tới 159 trên tổng số 209 LĐBĐ thế giới hiện không có Ủy ban đạo đức thì nếu tham nhũng, hối lộ xảy ra, liệu ai biết để kiểm soát và ra tay trừng trị?

2 Một con số còn đáng ngại hơn đó là để đáp ứng các tiêu chí TI đề ra, chỉ có vỏn vẹn 14/209 LĐBĐ hiện tại làm được, trong đó có 12 LĐBĐ ở châu Âu, 1 tại châu Á và 1 ở Bắc Mỹ. “Họ chỉ công bố tỷ lệ rất nhỏ thông tin cần thiết để mọi người biết họ hoạt động ra sao, chi tiêu tài chính như thế nào và những giá trị mà họ tin tưởng” - báo cáo của TI nhận xét. Rõ ràng, nói là “đáp ứng được tiêu chí” thì vẫn chỉ là ở một chừng mực nhất định, nghĩa là ngay cả 14 LĐBĐ kể trên cũng chưa thực sự cho thấy sự minh bạch một cách đầy đủ và công khai, đặc biệt là ở khía cạnh tài chính. Khi mỗi LĐBĐ này chỉ báo cáo nhỏ giọt các vấn đề về tài chính, nhìn vào đó người ta không thể chắc họ không có những vấn đề khuất tất. Như thế, có thể hiểu rằng ở 195 LĐBĐ còn lại, khi mà nhiều LĐ thậm chí còn không có báo cáo tài chính, có thể khẳng định đấy chính là cơ sở dẫn tới những vấn nạn đáng lo ngại đang hủy hoại không chỉ danh tiếng mà còn tàn phá kết cấu ngôi nhà chung FIFA từ bên trong, đó là tham nhũng và hối lộ. Bởi như người ta vẫn nói: Không có tật, cần gì phải giấu.

3 Trong bản báo cáo của TI nói rất rõ: “Chúng tôi muốn tìm hiểu sự minh bạch của các LĐBĐ thành viên thông qua nguồn tiền họ nhận được từ FIFA và những khoản thu khác”. Thực tế thì rất nhiều LĐ có nguồn thu từ các nhà tài trợ, từ các đơn vị phát thanh truyền hình, từ tiền bán vé, các trận đấu quốc tế… bên cạnh nguồn tiền nhận từ FIFA. Nhưng giá trị hợp đồng ký kết với các nhà tài trợ, ở đây phải nói tới số tiền thật chứ không phải con số “ảo” hay tượng trưng đưa ra nhằm đối phó với công chúng, các hoạt động thu-chi tài chính khác gần như được giấu nhẹm hay chỉ hé lộ rất ít, không đáng kể. Thậm chí, thống kê của TI đã chỉ ra rằng tới 42%, tức 87/209 LĐBĐ thành viên còn không công khai báo cáo bất kỳ thông tin gì liên quan đến hoạt động của các tổ chức này.

Rõ ràng, vẫn biết theo quy chế của FIFA, mỗi LĐBĐ thành viên và khu vực là đơn vị hoạt động độc lập không chịu sự ràng buộc hay can thiệp từ Chính phủ sở tại. Điều này giúp các LĐ được tự do vận hành nhằm giúp bóng đá phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng nếu chung tay cùng làm vì tinh thần thể thao cao thượng, vì sự trong sáng của môn thể thao vua thì chẳng bàn cãi. Còn nếu rất rất nhiều trong số những LĐBĐ thành viên của FIFA cũng đang mục ruỗng vì vấn nạn tham nhũng, hối lộ, mà thậm chí nó còn chưa được phơi bày ra ánh sáng, xem ra ngôi nhà bóng đá thế giới hiện không chỉ dột từ nóc mà nền móng cũng lung lay rồi.

TI đặt ra 4 tiêu chí gồm: tài chính kế toán, đạo đức, quy chế hoạt động và thông tin về hoạt động để đánh giá sự quản lý và cách thức hoạt động của mỗi LĐBĐ thành viên FIFA có minh bạch và chuẩn mực hay không. Mỗi tiêu chí tương ứng với 1 điểm. Và kết quả có tới 41,63% số LĐBĐ (87/209) thậm chí không được điểm nào. 27,27% (57 LĐ) chỉ được 1 điểm, 13,88% (29 LĐ) được 2 điểm, 10,53% (22 LĐ) được 3 điểm và duy nhất 6,7% (14 LĐ) được đủ 4 điểm.

Trong số 14 LĐBĐ tạm coi là “đáp ứng đủ tiêu chí minh bạch” của TI thì có một LĐ ở Bắc Mỹ. Nhưng trớ trêu đó không phải là LĐBĐ Mỹ (USSF), dù Bộ Tư pháp Mỹ và cả FBI đã vào cuộc phanh phui scandal tham nhũng, hối lộ ở FIFA. Nên nhớ, một trong những cái tên “cộm cán” trong scandal này là Chuck Blazer. Vị cựu thành viên Ban chấp hành FIFA, cựu Tổng thư ký LĐBĐ khu vực CONCACAF và cựu Phó chủ tịch LĐBĐ Mỹ đã bị cáo buộc một loạt tội danh như hối lộ, tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền… liên quan đến các sự vụ dàn xếp quyền đăng cai World Cup.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm