Khi bóng đá mạnh hơn bom đạn
Đối với nhiều người thì bóng đá là một môn thể thao yêu thích, một thú vui, một niềm đam mê… nhưng có lẽ ít có nơi nào mà sức mạnh của nó lại lớn như ở Iraq, nơi người ta sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng mình để theo đuổi tình yêu bóng đá.
Năm 2007, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra ở quận Mansour, Baghdad và làm thiệt mạng 30 CĐV – lúc đó đang ăn mừng thắng lợi của ĐTQG trước Hàn Quốc ở vòng bán kết Cúp châu Á. Năm 2010, lại thêm một vụ đánh bom tự sát nữa nổ ra ở một trận đấu giữa hai CLB địa phương tại Tal Afar, khiến 25 người chết và hơn 100 người khác bị thương. Đầu năm nay, 13 cậu bé ở Mosul bị ISIS hành quyết công khai vì “tội” dám xem Iraq thi đấu với Jordan trong khuôn khổ Cúp châu Á. Tháng 5/2015 vừa rồi, bom nổ ngay giữa một sân bóng ở Baghdad và giết chết 12 cầu thủ nhí – phần lớn trong số đó dưới 16 tuổi.
Nhưng theo nhà báo Maher Hameed thì chừng ấy bạo lực vẫn là không đủ, và không bao giờ đủ, để khiến người Iraq xa rời bóng đá. “Với họ thì bóng đá còn quan trọng hơn cả thức ăn, nước uống. Không một ai, không một điều gì, có thể ngăn cản các trận đấu bóng đá diễn ra” – Hameed phát biểu.
Hameed có lẽ cũng không quá lời, bởi bao năm qua thì người Iraq đã quá quen với tình trạng bạo lực tràn lan và việc một ai đó mất mạng vì xem bóng đá cũng chẳng phải là điều gì xa lạ.
Trung Đông vốn là nơi bất ổn, và suốt hai thập kỷ vừa qua Iraq có lẽ là đất nước hỗn loạn nhất trong số các quốc gia Trung Đông. Sau các cuộc xung đột liên miên với Kuwait hay Mỹ thì tưởng như tình hình đã tạm lắng vào năm 2011, khi người Mỹ rút toàn bộ lực lượng chiến đấu ra khỏi Iraq, nhưng chưa được bao lâu thì nội chiến Iraq lại bùng nổ và nhà cầm quyền Iraq dường như bất lực trước sự nổi dậy của ISIS ở miền Tây hay phong trào ly khai của người Kurd ở miền Đông đất nước. Bạo lực vì thế trở thành chuyện thường tình như cơm bữa và các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán café hay sân bóng đá thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công của những phe nhóm cực đoan.
Năm 2013, một thiết bị nổ tự tạo đã phát nổ tại một sân bóng ở Al Abara, khiến cho 6 cầu thủ thiệt mạng và 11 người khác bị thương. “Đó là một quãng thời gian rất khó khăn với chúng tôi, không chỉ vì giải VĐQG có nguy cơ bị gián đoạn và các CLB không có tiền trả lương. Ngay cả việc đến sân tập cũng là một thách thức lớn, bởi các vụ nổ súng hay đánh bom có thể khiến giao thông bị tắc nghẽn. Các buổi tập thì trở nên cực kỳ thiếu an toàn. Một đồng đội của tôi, Mana Muthafar, từng mất mạng vì một viên đạn lạc khi đang tập luyện, còn một lần khác thì có 3 viên đạn cối rơi vào giữa sân tập, khiến rất nhiều người bị thương và một mảnh cối vẫn còn nằm trong chân tôi đến ngày nay” – Ghaith Abdul Ghani, một cựu cầu thủ của Al Zawraa, tiết lộ.
Đội tuyển lang thang
Bom đạn dường như không mấy ảnh hưởng đến tình yêu bóng đá của người Iraq: tháng 3/2015 vừa rồi, 45.000 khán giả đã có mặt ở SVĐ Al Shaab tại thủ đô Baghdad để chứng kiến trận “El Clasico” phiên bản Iraq giữa Al Zawraa và Al Quwa Al Jawiya, bất chấp việc thành phố đang bị bao vây và đã có hơn 30 người chết sau các vụ đánh bom trong vòng 2 ngày gần nhất. Nhưng nó có ảnh hưởng đến các quyết định của FIFA.
Kể từ năm 2003, FIFA đã cấm Iraq tổ chức các trận đấu quốc tế trên sân nhà vì những quan ngại xung quanh vấn đề an ninh và ĐTQG Iraq phải chuyển địa điểm thi đấu của các trận “sân nhà” sang Jordan, Syria, Qatar hay UAE. Mãi đến năm 2009 thì ĐT Iraq mới lại có cơ hội trình diễn trước các khán giả nhà (thắng Palestine 3-0) và đến năm 2011 thì họ lần đầu tiên được đá một trận đấu chính thức (vòng loại World Cup 2014, gặp Jordan) trên sân nhà sau gần 10 năm, nhưng khu vực Baghdad vẫn chưa đạt điều kiện về an ninh và Iraq chỉ có thể chơi ở thành phố Erbil thuộc miền Bắc. Phải đến tháng 3/2013 thì FIFA mới dỡ bỏ hoàn toàn án phạt và cho phép Iraq tổ chức các trận đấu quốc tế ở Baghdad, nhưng cũng chỉ hơn 3 tháng sau thì cơ quan điều hành bóng đá thế giới lại tái áp dụng bản án cấm thi đấu các trận sân nhà với “Những chú sư tử vùng Mesopotamia” sau khi Mohamed Abbas, HLV của CLB Karbala, qua đời sau một cuộc xung đột vũ trang.
Hiện nay, Iraq vẫn tiếp tục phải đá các trận “sân nhà” trên lãnh thổ những nước láng giềng, chủ yếu là Iran, và nói như Hakeem Shaker, cựu HLV trưởng ĐTQG, thì tình trạng mất an ninh này đang tác động rất xấu đến sức khoẻ tinh thần của các cầu thủ cũng như làm gián đoạn sự ra lò của các tài năng. Không gián đoạn sao được, khi mà nhiều cơ sở tập luyện đã bị phá huỷ hoặc hư hại nghiêm trọng vì chiến tranh và sân bóng đẳng cấp quốc tế duy nhất của Baghdad – Al Shaab – từng bị trưng dụng như là một sân bay dã chiến.
Giải VĐQG bị thu nhỏ
Một giải VĐQG chất lượng là gốc rễ của một nền bóng đá hùng cường, tuy nhiên những bất ổn hiện tại ở Iraq không cho phép giải VĐQG được vận hành một cách hiệu quả nhất. Kể từ đầu năm 2014 thì ISIS đã mở rộng đáng kể vùng kiểm soát ở Iraq và đến giữa năm 2014 thì tổ chức này chính thức chiếm được Mosul, thành phố lớn thứ nhì tại Iraq.
Lãnh thổ Iraq hiện nay về cơ bản được chia làm ba: ISIS nắm giữ vùng miền Tây giáp giới với Syria, người Kurd (có lực lượng quân sự riêng) gần như đã ly khai và tự quản lý vùng phía Bắc – Đông Bắc, trong khi phần còn lại nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương. Với thái độ cực đoan của ISIS (cấm cư dân xem bóng đá vì cho rằng đó là sản phẩm của văn hoá phương Tây) thì tất nhiên là các CLB đến từ miền Tây Iraq không thể có cơ hội tham dự giải VĐQG. Mosul FC, một đại diện tiêu biểu của miền Tây, cũng đã phải rút lui khỏi giải VĐQG Iraq cách đây vài năm và giờ đây giải đấu hạng cao nhất của bóng đá Iraq chỉ gồm các CLB đến từ vùng phía Bắc, phía Đông Nam cũng như thủ đô Baghdad.
Hồi năm 2014, sự bùng nổ của nội chiến từng buộc giải VĐQG Iraq phải kết thúc sớm khi mới trôi qua được 2/3 số trận đấu và tình hình hiện nay, dù có khá hơn đôi chút, vẫn chưa thể khiến người ta lạc quan. Thỉnh thoảng các trận đấu vẫn bị huỷ đột ngột và các nhà điều hành bóng đá Iraq thậm chí phải thay đổi thể thức của giải VĐQG để thích nghi với đặc thù về an ninh. Trước đây, 20 CLB ở giải VĐQG Iraq sẽ đá vòng tròn giống như thông lệ quốc tế, nhưng kể từ mùa giải 2014/15 thì LĐBĐ Iraq đã phải chia các CLB góp mặt tại giải VĐQG ra làm 2 nhóm (mỗi nhóm 10 đội) đá vòng tròn và 2 đội dẫn đầu mỗi nhóm sẽ tiếp tục tranh tài với nhau để lựa chọn ra nhà vô địch. Điều này sẽ giúp hạn chế quãng đường di chuyển, qua đó giảm bớt những bất trắc mà họ có thể gặp phải trên đường, của các cầu thủ hay CĐV.
Chiến tranh đã khiến ĐTQG hay giải VĐQG Iraq phải gặp rất nhiều trắc trở, và tất nhiên là cá nhân các cầu thủ, dù có xuất sắc đến mấy, cũng khó có thể tránh khỏi những hệ luỵ của nó…
Quang Hải
Có lẽ ít có nơi nào mà sức mạnh của bóng đá lại lớn như ở Iraq, nơi người ta sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng mình để theo đuổi tình yêu bóng đá. Người Iraq đã quá quen với tình trạng bạo lực tràn lan và việc một ai đó mất mạng vì xem bóng đá cũng chẳng phải là điều gì xa lạ.
Hiện nay, Iraq vẫn tiếp tục phải đá các trận “sân nhà” trên lãnh thổ những nước láng giềng, chủ yếu là Iran.