Bài học từ Indonesia
Giải VĐ Malaysia cần thay đổi còn để tránh đi vào vết xe đổ như Indonesia. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, xứ vạn đảo xứng đáng là thị trường bóng đá lớn thứ 3 thế giới với bình quân 100 triệu người sẵn sàng mở truyền hình xem đá bóng, con số đủ khiến các cường quốc như Anh và Đức “đỏ mắt”. Đấy là chưa kể mỗi năm có 12 triệu người tới sân. Ngặt nỗi, quản lý bóng đá ở Indonesia rối hết chỗ nói. Tính ra từ 1994/95 đến 2004/05, cấu trúc của Liga Indonesia hầu như mỗi năm mỗi đổi với số đội dao động từ 18-28. Sau khi ổn định với 18 đội từ mùa 2004/05 được một thời gian thì gần đây, bóng đá Indonesia lại chia thành 2 giải VĐQG: Indonesian Super League và Indonesian Premier League. Tới năm ngoái, hai giải này được hợp nhất thì cách nay vài tháng, Indonesia bị FIFA trừng phạt do chính phủ can thiệp vào công việc của LĐBĐ (PSSI).
Indonesia khiến cả những cường quốc bóng đá thế giới phải ghen tị về mức độ cuồng nhiệt.
Dù sao, người Indonesia ắt hẳn đang tin rằng án phạt của FIFA có khi lại hay, vì khiến những người có quyền quyết định vận mệnh bóng đá nước nhà tỉnh ra để có những thay đổi cần thiết. Bởi lẽ, tất cả đều hiểu tại sao giải VĐ Indonesia cứ rối như canh hẹ. Nguyên nhân là do ai có điều kiện thì đều muốn thể hiện tầm ảnh hưởng. Một quan chức cao cấp của PSSI giải thích nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này: “Người nào kiểm soát được bóng đá, người đó coi như nắm một nửa đất nước Indonesia. Vì ở Indonesia, không có đảng phái chính trị nào hùng mạnh và cuồng nhiệt bằng giới CĐV. Ai làm chủ được bóng đá, họ sẵn sàng ‘chết’ vì người đó”. Tình hình hỗn loạn ấy giải thích tại sao hồi năm 2011, Indonesian Super League chỉ bán được gói bản quyền truyền hình 10 năm có 133,5 triệu USD, trong lúc các chuyên gia tính toán giá trị thực phải lên đến ít nhất 360 triệu USD.
Không đi sao thành đường
Dù biết cuộc cải cách sẽ nhiều khó khăn, Malaysia vẫn quyết tâm triển khai. Từng có kinh nghiệm làm CEO cho CLB Kelantan, Ramalingam tiết lộ: “Chúng tôi sẽ truyền đạt cách làm chuyên nghiệp của EPL vào giải VĐ Malaysia (MSL) theo cách tiếp cận từ dưới lên, thay vì từ trên xuống nhằm giúp các đội hiểu rõ hơn về công tác tổ chức và quản lý nhằm quyết định chính xác về ngân sách và chiến lược. Tuy nhiên, khác biệt về văn hóa giữa các vùng trên thế giới rất cần được coi trọng. Nếu chúng tôi miễn cưỡng áp đặt mà các đội không hiểu hoặc không giải thích được tại sao lại như vậy, cuộc cải tổ sẽ thất bại do các đội không thực hiện được, hoặc không chịu hợp tác, hoặc triển khai theo kiểu bằng mặt không bằng lòng”.
GĐĐH LLP, Kevin Ramalingam.
Đồng thời, Ramalingam cũng hiểu có những chướng ngại không thể bỏ qua như mùa bóng 2016 của Malaysia bắt đầu từ giữa tháng 1, chưa kể MSL còn có sự hiện diện của LionsXII (Singapore). Ngoài ra, ASEAN Super League 2016 sắp khởi tranh vào tháng 8 năm sau với sự tham dự của các CLB thuộc Malaysia, Singapore, VN, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Úc… Bên cạnh đó, Ramalingam còn phải tìm giải pháp nhằm tăng chất cho các CLB như chiêu mộ cầu thủ nước ngoài để MSL hấp dẫn như TPL. ĐKVĐ Malaysia Johor Darul Ta’zim vào tới bán kết và á quân Pahang tiến đến tứ kết AFC Cup 2015 sẽ giúp công việc của Ramalingam thêm dễ dàng. Ramalingam hứa hẹn sẽ công khai minh bạch kế hoạch tổng thể thật chi tiết với phân công trách nhiệm rõ ràng. Ông cam kết: “Tôi sẽ không che giấu bất kỳ mục tiêu nào chỉ nhằm bảo vệ vị trí của mình, vì mấu chốt để xây dựng một giải đấu thành công là làm rõ từng phần việc. Do đó, tôi sẽ cố gắng để các CLB, truyền thông cùng NHM hiểu chính xác những gì chúng tôi đang làm và tại sao phải làm như vậy”.
MINH CHÂU