(Thethao24.tv) – Có thể Messi không giàu cơ bắp như Ronaldo, nhưng anh lại không hề thua kém CR7 trong tốc độ sút bóng, nếu không muốn nói là còn nhỉnh hơn đôi chút. Vậy đâu là lý do đằng sau những pha dứt điểm “đại bác” từ chân những cầu thủ nhỏ con như Messi?
Khi Messi mạnh hơn Ronaldo
Bóng đá thế giới đã chứng kiến nhiều cặp kỳ phùng địch thủ, nhưng có lẽ hiếm có sự đối đầu nào lại thu hút được nhiều sự chú ý như Ronaldo và Messi. Từ sau khi Kaka đoạt Quả bóng vàng 2007, không còn ai có thể chen chân vào cuộc đua giữa bộ đôi này nữa. Năm 2008, “kỷ nguyên Ro-Me” chính thức mở ra khi Ronaldo giành danh hiệu QBV châu Âu, và suốt từ đó đến nay thì các danh hiệu cá nhân cao quý nhất cũng chỉ là chuyện nội bộ của CR7 và M10.
Messi giành 4 QBV liên tiếp, Ronaldo có thêm một lần bước lên bục vinh quang. QBV FIFA 2014 nhiều khả năng cũng sẽ thuộc về một trong hai người họ khi mà Ronaldo, Messi (cùng với Manuel Neuer) đã lọt vào danh sách 3 ứng cử viên cuối cùng. Nghĩa là bộ đôi Ronaldo-Messi sẽ có tổng cộng 7 năm ngự trị trên đỉnh cao của làng bóng đá thế giới, một thành tích không thể tin nổi nếu biết rằng bóng đá ngày nay đòi hỏi cường độ vận động cao hơn rất nhiều so với 2-3 thập niên về trước.
Trước mặt Ronaldo và Messi thì những kỷ lục gần như là vô nghĩa: họ cứ miệt mài phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, từ số bàn thắng cho CLB đến số lần lập công ở La Liga hay Champions League. Cách đây vài năm, thành tích 73 bàn thắng/mùa mà Messi lập nên tưởng như đã là không thể xô đổ nhưng giờ thì nó rất có thể sẽ bị phá bởi Ronaldo nếu chân sút người BĐN cứ duy trì được hiệu suất làm bàn như ở thời điểm hiện tại.
Họ đều rất xuất chúng, nhưng lại là đại biểu cho những giá trị gần như hoàn toàn trái ngược. Ronaldo hướng ngoại và ồn ào, Messi hướng nội và lặng lẽ. Ronaldo là biểu trưng của ý chí và sự khổ luyện, còn xét về tài năng thiên bẩm thì Messi là người trội hơn. Ronaldo cường tráng như một VĐV thể hình (anh từng lọt vào danh sách 10 VĐV thể thao mạnh mẽ nhất thế giới), Messi nhỏ con và ngay cả khi đã nhờ đến những biện pháp y tế đặc trị của Barcelona mới đạt được chiều cao 1.70m như hiện nay.
Về mặt kỹ thuật Messi trội hơn, còn Ronaldo chiếm ưu thế về thể lực. Anh cao lớn, mạnh mẽ, nhảy cao và chạy nhanh (tốc độ tối đa 33,6 km/h) hơn so với Messi (32,5 km/h). Nhưng cũng có một chỉ tiêu về thể lực mà Ronaldo không áp đảo được Messi, ấy là lực sút bóng. Các số liệu thống kê cho thấy vận tốc lớn nhất mà một cú sút của Ronaldo từng đạt được là 132km/h, còn Messi là 133km/h (!). Vậy đâu là lý do khiến một cầu thủ nhỏ con như Messi lại có thể đưa trái bóng bay đi nhanh hơn so với Ronaldo – người có thể hình chuẩn như một vị thần Hy Lạp?
Tốc độ ra chân là tất cả
Với những ai chưa nắm rõ, xin nhắc lại là Messi từng tham dự một gameshow trên truyền hình Nhật Bản vào cuối năm 2013 và nhiệm vụ của anh là đưa bóng vào cầu môn do thủ thành robot trấn giữ. Dù từng phá lưới rất nhiều thủ môn xuất sắc, Messi đã gặp vô vàn khó khăn trong thử thách này và phải cần đến một pha dứt điểm có vận tốc 133km/h mới đánh bại được chú robot trong khung gỗ.
Trở lại với chủ đề chính, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng một cầu thủ càng to cao thì sẽ tạo ra lực càng lớn và kéo theo đó là sút càng mạnh. Thực ra không hẳn thế. Vận tốc bay của trái bóng phụ thuộc vào động năng mà cầu thủ truyền cho nó, và đến lượt mình thì động năng tạo ra từ đôi chân cầu thủ lại phụ thuộc vào trọng lượng cũng như vận tốc của chân sút.
Cụ thể hơn, nếu kí hiệu động năng là KE thì chúng ta sẽ có công thức KE = mv2, trong đó m là trọng lượng chân cầu thủ và v là tốc độ ra chân. Chi tiết hơn nữa, nếu kí hiệu vận tốc bay của bóng là V1 thì chúng ta sẽ có công thức V1 = V2 * (M1/(M1+M2)) * (1+e), trong đó V2 là tốc độ ra chân, M1 là trọng lượng chân, M2 là trọng lượng bóng và e là hệ số nẩy của trái bóng.
Giả sử trọng lượng chân của Messi (nặng 67 kg) là 6,7 kg, trọng lượng chân của Ronaldo (nặng 80 kg) là 8 kg và hai người đều có tốc độ ra chân là 25 mét/giây thì cú sút của Messi sẽ có vận tốc là 25*(6.7/(6.7+0.4))*(1+0.7) = 33,02 mét/giây (với giả định bóng nặng 0,4 kg và hệ số nảy là 0,7). Tương tự, trái bóng sẽ lao đi với vận tốc là 25 *(8/(8+0.4))*(1+0.7) = 33,33 mét/giây sau khi rời khỏi chân Ronaldo, nghĩa là chênh lệch về tốc độ sút bóng của hai người là gần như không đáng kể.
Và nếu Messi nâng được tốc độ ra chân lên dù chỉ là một chút, 27 mét/giây thay vì 25 mét/giây chẳng hạn, anh sẽ tạo ra vận tốc là 36 mét/giây (tương đương với 129,6 km/h), cao hơn nhiều so với Ronaldo. Đối với những cầu thủ nhỏ con, chân ngắn và có trọng tâm thấp như Messi thì tăng tốc độ ra chân lại không phải là điều gì quá khó…
Sự mệt mỏi
của Messi
Nói cách khác, yếu tố quan trọng nhất để tạo ra một cú sút “trái phá” là tốc độ ra chân thay vì trọng lượng chân hay kích cỡ vòng đùi, và sở dĩ Roberto Carlos tung ra được những cú đá khủng khiếp như thế chủ yếu là do anh vung chân rất nhanh chứ không phải vì sở hữu cặp đùi ngoại cỡ (dù đúng là đùi anh to thật). Thường thì các cầu thủ trẻ sẽ có phản xạ cũng như tốc độ ra chân tốt hơn những đồng nghiệp lớn tuổi, nên không phải ngẫu nhiên mà 5 cú sút nhanh nhất trong lịch sử bóng đá đều được thực hiện khi chủ nhân của chúng chưa bước qua ngưỡng 30, thậm chí là 25 tuổi (chỉ có duy nhất một người, David Hirst, đã quá 25 tuổi ở thời điểm lập kỷ lục).
Cuối cùng, có lẽ Messi không quá am hiểu về vật lý nhưng anh đã có một nhận định hoàn toàn chính xác khi nói với cha mình rằng “đôi chân con nặng tới 100kg” trước thềm VCK World Cup 2014. Nhiều người đã nghĩ rằng đó chỉ là một cách nói thậm xưng của Messi để thể hiện là mình đang mệt mỏi, tuy nhiên theo định luật về chuyển động số 3 của Newton (Khi một vật thể tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thể thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều so với vật thể thứ nhất) thì chân sút của Messi sẽ phải chịu một lực tác động lên tới 122kg nếu như anh muốn tạo ra một lực đủ lớn để đưa trái bóng bay đi với vận tốc 110km/h. Xin nhắc lại, 122kg. Ai bảo làm cầu thủ bóng đá là sướng…
QUANG HẢI