Hai tuần sau thảm kịch rơi máy bay của CLB Chapecoense, những NHM đội bóng lại khóc, không phải đau buồn mà là hạnh phúc khi 1 trong 3 người còn sống sót, Alan Ruschel bắt đầu trở lại.
Chàng trai 27 tuổi là nạn nhân đầu tiên được kéo ra từ đống đổ nát của chiếc máy bay RJ-85 và ngay lập tức được chuyển tới bệnh viện Somer, một trong những cơ sở y tế tốt nhất tại Rigonegra, Colombia.
Cách đây ít giờ, trang Twitter cá nhân của Marina Storchi, hôn phu của Ruschel đăng tải đoạn video bác sỹ chỉnh hình Marcos Andre Sonagli dìu hậu vệ người Brazil từ cửa đến chiếc xe lăn giữa phòng. Hậu vệ 27 tuổi đã có những bước đi đầu tiên sau thời gian dài hôn mê từ hôm 29/11.
Việc có thể bước đi và nói chuyện thực sự là một bước tiến dài của Ruschel khi cách đây 5 ngày anh vẫn phải nằm trên giường và chỉ có thể giao tiếp với hôn thê của mình, Marina Storchi bằng cử chỉ.
Ruschel trở lại không chỉ là tin vui với vợ anh, người luôn túc trực bên giường bệnh, mà cho cả các y bác sỹ - những người đã cố gắng hết mọi khả năng có thể để cứu sống chàng hậu vệ 27 tuổi. Hơn tất cả, sự hồi sinh kỳ diệu này nó còn có ý nghĩa rất lớn với những người còn chưa hết bàng hoàng sau tấn thảm kịch hôm 29/11.
Ruschel là một biểu tượng cho sự kiên cường chống lại thần chết và Chapecoense cũng vậy, đội bóng Brazil sẽ không bao giờ bị lãng quên. Nó như một sự thúc đẩy những người yêu mến đội bóng giữ đau thương trong lòng và tiến về phía trước giống như cách mà những ai yêu mến và chính CLB Man Utd đã bước đi để trở thành một trong những đội bóng lớn nhất thế giới hiện nay.
Mùa Đông năm 1958, chiếc máy bay chở các thành viên của CLB Man Utd lao xuống đường băng tại Đức khiến 8 thành viên của đội bóng tử nạn. Những ngôi sao của Man Utd may mắn sống sót như Harry Gregg và Billy Whelan vẫn chưa thôi ám ảnh về thời khắc kinh hoàng.
50 năm sau thảm họa Munich, thủ thành Harry Gregg chia sẻ: "Tôi đã nghĩ, tôi đã ở rất gần với cái chết. Tôi cảm thấy máu đã rút hết khỏi mặt tôi. Và tôi không dám đưa tay mình lên. Tôi nghĩ đỉnh đầu của mình đã vỡ toang, giống như một viên đá chọi vào quả trứng.
"Những người đồng đội vật vã trong đau đớn, những người khác đã vĩnh viễn ra đi. Điều đó ám ảnh tôi trong cả giấc ngủ nhưng nó càng thôi thúc tôi phải mạnh mẽ để vượt qua thảm kịch ấy".
Man Utd đã hồi phục sau thảm họa một cách tuyệt vời như cách mà Sir Bobby Charlton, huyền thoại của sân Old Trafford chia sẻ: "Tôi luôn hỏi tại sao tôi còn sống sót trong khi những người đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Chúa đã cho tôi cơ hội ở lại và tôi chiến đấu vì Man Utd vì những người đã khuất".
Giống như Bobby Charlton, điều Ruschel và Chapecoense cần lúc này là sự chung tay để vượt qua nỗi đau, để đứa con của thành phố Chapeco sẽ trở thành một biểu tượng như điều mà những thành viên đã vĩnh viễn ra đi vẫn còn đang viết dở dang.