45. Sol Campbell
Sự nghiệp huy hoàng nhưng không thiếu đi nốt trầm của trung vệ người Anh, bắt đầu đúng vào năm Premier League ra đời. Cùng với Pháo thủ, Sol Campbell giành được cú đúp vô địch Premier League và FA Cup năm 2002. Mùa 2003/04, anh là thành viên tạo nên “Invincibles” – đội hình bất bại huyền thoại. Rời Arsenal năm 2006 gia nhập đội bóng hạng trung Portsmouth, anh thêm 1 lần vô địch FA Cup 2 năm sau đó. Anh cũng có vinh dự là thủ quân trẻ nhất của Tam sư sau thời của Bobby Moore ở tuổi 23.
Sau 9 năm không danh hiệu ở Tottenham Hotspur, anh muốn tìm 1 nơi để thăng tiến sự nghiệp. Lúc đó, hợp đồng của Campbell với Spurs đang gặp bế tắc. Nhưng anh cam kết rằng sẽ không đi đâu hết. Bất ngờ thay, anh dứt áo ra đi và điểm đến là kình địch không đội trời chung với “Gà trống” là Arsenal. Đang là đội trưởng và huyền thoại của đội bóng, các cổ động viên cảm thấy mình bị xúc phạm và gọi anh là kẻ phản bội. Campbell trở thành cầu thủ đáng ghét nhất trong lịch sử Spurs.
44. Gary Lineker
Cựu tiền đạo của Leicester, Everton, Barcelona và Tottenham đã rời nước Anh từ trước khi Premier League được thành lập. Nhưng những đóng góp của ông cho giải đấu là không thể phủ nhận. Ông tiếp quản vai trò chủ xị của chương trình nổi tiếng Match of the Day từ tay Des Lynam năm 1999. Người ta có thể đặt ra rất nhiều nghi vấn về mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa chương trình với Ban tổ chức. Sự phát triển và thành công của chương trình, giúp cho Premier League thu được những lợi ích to lớn.
Với tỉ suất người xem đạt khoảng 4 triệu người ở trận đấu muộn của ngày thứ 7, mỗi tuần chương trình của Lineker thu hút khoảng 4 lần số khán giả theo dõi các trận Premier League trên sóng truyền hình trả tiền. Và với sự lâu đời của chương trình, với kinh nghiệm và duyên sân khấu của mình Gary Lineker trở thành 1 trong những người dẫn chương trình kỳ cựu và được yêu thích nhất ở Anh. Với những nhân vật tầm cỡ đã từng ngồi vào vị trí chủ xị như John Motson, Barry Davies, Des Lynam hay Alan Hansen… Gary Lineker được coi là biểu tượng của Match of the Day.
43. Carlos Tevez
Rất nhiều người sẽ bất ngờ thậm chí là bực bội vì không hiểu vì sao 1 cầu thủ như Tevez lại xuất hiện trong danh sách này. Không phải vì ở tuổi 22, anh và người đồng hương Javier Mascherano đã gây sốc khi cự tuyệt Manchester United, Arsenal và Chelsea để chọn gia nhập West Ham. Cũng không phải vì với M.U, anh đã giành được 2 chức vô địch Premier League và 1 Champions League rồi sau đó lại chuyển sang kình địch cùng thành phố để rồi lại vô địch giải quốc nội thêm 1 lần nữa. Và càng chả phải là màn cãi nhau chí choé với Roberto Mancini ở Munich trở thành câu chuyện nóng hổi trên mọi mặt báo trong khoảng thời gian dài.
Thay vào đó, thương vụ đình đám của 2 cầu thủ người Argentina dưới bàn tay dàn xếp của Kia Joorabchian là khởi đầu cho quy định chấm dứt tình trạng sở hữu cầu thủ của bên thứ 3 tại Anh nói riêng và trên toàn Châu Âu. Cũng liên quan đến vụ chuyển nhượng lùm xùm này, mà West Ham đã bị phạt số tiền kỷ lục lên tới 5,5 triệu bảng. Ngoài ra, họ còn phải trả cho đội đứng thứ 18 của mùa 2006/07 là Sheffield United 20 triệu bảng nữa.
42. Rune Hauge
Cái tên Rune Hauge chắc chắn là rất xa lạ với ngay cả những fan xem bóng đá lâu năm. Nhưng với giới cầu thủ nước Anh, đây là cái tên mà hầu như ai cũng biết. Hauge không chỉ là tay đại diện cho nhiều cầu thủ ở Premier League, mà ông còn được biết đến với vai trò cầm trịch vụ scandal khét tiếng của bóng đá Anh những năm 1990.
HLV huyền thoại George Graham của Arsenal nhận tiền bẩn từ Hauge như 1 phần thoả thuận để 2 cầu thủ John Jensen và Pal Lydersen chuyển đến sân Highbury. Ông Graham đã bỏ túi tổng cộng 425 nghìn bảng từ những vụ chuyển nhượng đó, và có những “tư vấn” cho Hauge. Graham bị ban lãnh đạo Arsenal sa thải năm 1995, còn Hauge nhận lệnh cấm tham gia các hoạt động bóng đá suốt đời nhưng về sau giảm xuống còn 2 năm. Hauge cũng là đạo diễn trong những thương vụ Peter Schmeichel và Ole Gunnar Solskjaer đến M.U, và cũng đã nhẹ nhàng “ăn” được 1,75 triệu bảng từ thương vụ Leeds United mua Rio Ferdinand năm 2000.
Sau đó, ông hoạt động trong lĩnh vực mua bán bản quyền truyền hình với vai trò người trung gian. Thương vụ đỉnh nhất có lẽ là việc mua bản quyền giải Premier League rồi bán lại cho các đài truyền hình tư nhân ở Na Uy và thu về 1 khoản tiền lớn. Ông là hình mẫu của việc làm giàu từ bóng đá bằng nghề “buôn nước bọt”.
41. Kevin Keegan
Khi Manchester City của Keegan lần đầu tiên vô địch giải hạng Nhất Anh (First Division) năm 2002, ông chính là HLV người Anh đầu tiên vô địch cùng 2 đội bóng khác nhau trong kỉ nguyên Premier League. Ông đã từng cùng Newcastle lên ngôi mùa 1992/93 và chủ yếu đến từ sự nghiêm khắc của ông ở sân St James Park, blah blah blah. Nếu như không kiên định đi theo triết lý của mình từ ngày còn thi đấu cho đến khi ngồi trên băng ghế huấn luyện đó là “tấn công, tấn công và tấn công”, thì Newcastle của những năm kỷ nguyên đầu Premier League đã không thể làm say đắm trái tim của cổ động viên trên khắp thế giới.
Mùa giải 1995/96 đã đi vào lịch sử của Premier League, với hình ảnh của Keegan sau trận thua 3-4 trước Liverpool. Bản hợp đồng trị giá 15 triệu bảng với Alan Shearer năm 1996, không chỉ phá kỷ lục thế giới mà còn là lời tuyên bố mạnh mẽ về tham vọng bá vương của The Magpies dưới thời Kevin Keegan. Và sau đó là sự đổ bộ ồ ạt của hàng loạt ngôi sao sáng giá xuống sân St James Park, tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Andy Cole, Peter Beardsley, David Ginola, Tino Asprilla và Les Ferdinand.
HOA VINH