Kỷ nguyên khởi đầu bằng thất bại
Ngay từ đầu, cuộc chuyển giao quyền lực từ David Gill sang Ed Woodward đã có dấu hiệu chẳng lành. Vì vài ngày sau, Man Utd bất ngờ gục ngã tại Karaiskakis của Olympiakos, dù ở lượt về vòng 1/8 Champions League 2013/14, thầy trò David Moyes kịp lật ngược tình thế ngoạn mục để đi tiếp, rồi thua Bayern Munich. Và tới lúc này, có vẻ như chẳng còn gì để hoài nghi về thất bại của Woodward, khi “Quỷ đỏ” kỷ niệm 3 năm ngày trao niềm tin vào ông bằng trận đấu với Midtjylland tại Europa League, thay vì chinh chiến ở Champions League.
Dĩ nhiên, nỗi thất vọng về Man Utd nói chung và Woodward nói riêng nào chỉ có như vậy. Bởi tại Premier League, “Quỷ đỏ” hiện chỉ đứng thứ 5, so với mùa cuối cùng của Gill và Sir Alex Ferguson, họ vẫn giành được ngôi vô địch Anh. Và nếu thời ấy Man Utd vẫn còn là điểm đến hấp dẫn bất cứ thành viên nào của thế giới bóng đá thì gần đây, Pep Guardiola - được xem như HLV hay nhất hiện nay - vừa quyết định chọn Man City là bến đỗ mới thay vì sân Old Trafford.
Mua bán cũng có nhiều loại!
Sở dĩ “Quỷ đỏ” đang biến dạng khủng khiếp trong mắt nhiều người là do Woodward không phân biệt rõ việc mua bán cầu thủ khác hẳn với bán áo và mời chào quảng cáo dựa vào thương hiệu sẵn có của Man Utd. Vì thế, những cái tên như Cristiano Ronaldo, Gareth Bale và Neymar từng được nhắc tới trong “Nhà hát của những giấc mơ”, nhưng rốt cuộc không ai tới. Ngược lại, Woodward đồng ý bỏ ra khoản tiền còn nhiều hơn cả điều khoản giải phóng hợp đồng của Marouane Fellaini ở Everton để có tiền vệ này. Bên cạnh đó, ông từng khiến đội nhà phải chi ra những khoản tiền thật lớn để chiêu mộ Juan Mata và Angel Di Maria dù ai cũng biết ngay lúc đó, Chelsea và Real Madrid đều đang tìm mọi cách để tống tiễn các ngôi sao này.
Những phi vụ thất bại ấy rõ ràng tương phản với thành công của Woodward trong kinh doanh, khi thuyết phục được Chevrolet và Adidas cùng nhau trả tổng cộng 128 triệu bảng/năm để có logo xuất hiện trên áo đấu “Quỷ đỏ”, chưa kể hợp đồng 8 năm trị giá 120 triệu bảng với AON. Tính ra trong 3 năm qua, Woodward đã đảm bảo cho Man Utd có khoảng 1,227 tỷ bảng tiêu dùng trong vòng 10 năm. Ngoài ra, ông còn đem về cho đội nhà nhiều đối tác toàn cầu hoặc khu vực khác.
Tác hại của thói nhu nhược
Không hiểu rõ tầm quan trọng của khâu mua sắm cầu thủ, Woodward đẩy “Quỷ đỏ” tiến gần hơn tới địa ngục còn do thói nhu nhược, phần nào cũng xuất phát từ những sai lầm trong chuyển nhượng. Bởi thoạt đầu, chính vì không đáp ứng yêu cầu mua Cesc Fabregas của Moyes nên khi HLV xứ Scotland gây thất vọng, ông cứ cân nhắc mãi cho tới tháng 04/2014 mới ra quyết định sa thải, muộn hơn 2 tháng so với yêu cầu của CĐV khiến Man Utd không được dự Champions League. Sau đó, dường như muốn tránh tái diễn thất bại dưới thời Moyes, Woodward đáp ứng triệt để mọi yêu cầu của Louis van Gaal, từ tăng cường lực lượng cho tới bổ sung cơ sở vật chất.
Hậu quả là khi Van Gaal tỏ ra không như mong đợi, Woodward cũng rơi vào thế cưỡi hổ khó xuống do trót xài quá nhiều tiền của gia đình Glazer, nên không thể giải thích xuôi tai về khoản tiền lớn đã dùng nếu sa thải HLV này. Lần này, sự chần chừ của ông không chỉ khiến Man Utd triệt để mất hy vọng vô địch Premier League và Champions League, mà còn phải bước ra sân MCH Arena chỉ có sức chứa vỏn vẹn 11.800 người vào rạng sáng mai với mục tiêu chiến thắng để duy trì hy vọng vô địch Europa League nhằm tránh lại bỏ lỡ Champions League như thời Moyes.
Phương thức kỷ niệm 3 năm ngày “lên ngôi” như vậy rõ ràng chẳng có gì đáng để Woodward tự hào. Dù vậy, vẫn còn có chi tiết để Man Utd lạc quan, vấn đề là Woodward không đam mê bóng đá nên chưa hẳn đã rõ: Midtjylland chính là đối thủ cuối cùng mà Man City so giày trước lúc đổi đời nhờ Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan giành quyền tiếp quản sau đó 4 ngày. Hoặc cũng có thể Midtjylland chính là khởi đầu mới cho Man Utd, nhưng là dấu chấm hết cho Woodward được quyền quyết định trên thị trường chuyển nhượng?
Cùng với Molde FK (Thụy Điển), Midtjylland có hành trình đến vòng 1/16
Europa League dài hơn mọi đối thủ khác do cả hai đều khởi đi từ vòng loại thứ 2 Champions League.
Midtjylland từng gặp đại diện Anh ở mùa này khi loại Southampton với tổng tỷ số 2-1 ở vòng play-off Europa League.
Man Utd dự Europa League lần gần nhất là mùa 2011/12, khi vào vòng 1/8. UEFA Cup/ Europa League là danh hiệu duy nhất mà “Quỷ đỏ” còn thiếu do lần tiến xa nhất chỉ vào đến tứ kết mùa 1984/85.
Cả 3 lần trước Man Utd tới Đan Mạch đều ở Champions League., khi hạ Brondby
6-2 trên đường tới ngôi vô địch Champions League 1998/99, thua FC Copenhagen 0-1 ở mùa 2006/07 và thắng Aalborg 3-0 ở lần gần nhất.