Làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì có khung cảnh cổ kính đặc trưng của những ngôi làng xưa Bắc Bộ. Trái tim của làng là chùa Vân Hương uy nghiêm, trầm mặc, rêu phong. Ngay trước cổng chùa, một hồ nước rộng, trong xanh đến ngát mắt và nhà thủy tạ nổi cạnh bên khiến hình ảnh Triều Khúc càng thêm nét duyên. Tại đây còn có hai ngôi đình cổ: đình Sắc để thờ những sắc phong mà các đời vua triều Nguyễn ban cho làng… và đình Đại thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Không gian bao quanh 2 ngôi đình vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với những gốc đa cổ thụ tỏa rợp và giếng nước đầu làng trong veo.
Cũng chính tại sân đình Sắc, khi HPL – S3 diễn ra, cứ đến trước trận đấu, người Triều Khúc đã tụ tập cả về đây để chuẩn bị cờ xí, băng rôn, mũ áo vàng rộn…Già trẻ lớn bé í ới trên loa phường gọi nhau đi cổ động, có bác ra rõ sớm nên sốt ruột đánh trống ầm cả lên thúc giục...Những hình ảnh mang đậm chất dân dã, đặc tình làng này cũng chỉ mới tái hiện, nó gợi nhớ ký ức 15 năm về trước, khi Tuấn ếch – tiền đạo số 1 đương thời của làng Triều Khúc còn là cậu bé chuyên trị trốn học nhảy xe lam để cùng các anh, các chú xuống thị trấn Văn Điển xem đội làng đá giải huyện…
3 năm sau, lúc Tuấn ếch lên 18, cậu có vinh dự là người trẻ nhất đá chính trong đội hình toàn các anh các chú, giải huyện Thanh Trì năm đó, Triều Khúc lên ngôi, dân làng ăn mừng thâu đêm...Kể lại để thấy, với những người sống ở đây, thì bóng đá cũng như cơm ăn áo mặc hàng ngày. Đến nỗi thế này, Tết âm lịch cổ truyền là dịp mọi người ai nấy ăn mặc thật đẹp sang nhà thăm hỏi, chúc tụng mừng tuổi nhau, thì 7 cụm trong làng Triều Khúc gom cả lại, năm nào cũng thế, họ tổ chức giải bóng đá truyền thống từ mồng 2 đến tận 12 âm để tìm ra nhà vô địch!
Sinh ra và lớn lên trong môi trường mà bóng đá đã chót “ngấm” vào từng sợi thịt của người dân làng, Tuấn ếch cũng không thoát được niềm đam mê cháy bỏng ấy, ngay từ bé, cậu đã thích đá bóng hơn đi học! Thích đến nỗi bố cậu từng cầm dao ..chặt phăng đôi giầy của Tuấn làm bốn mảnh…những mong con học hành đến nơi đến chốn…Cậu đành giấu niềm đam mê vào lòng…Tình yêu bóng đá của Tuấn khi ấy không vì thế mà bớt đi, có bớt thì chỉ bớt những buổi ra sân cùng chúng bạn…Tuấn ếch chuyển sang xem bóng đá trên tivi…
Nicolas Anelka và Denis Bergkam đã đưa Tuấn - cậu bé chơi bắn bi, gảy chun hay đánh quay…đại loại chơi cái gì cũng tồ nên bạn bè gọi là Tuấn “ếch”…đến với Arsenal. Về sau, khi Thierry Henry gia nhập Pháo thủ, ngoài Triều Khúc đã ở trong trái tim thì lối đá cống hiến, phóng khoáng của Arsenal chính là tình yêu bất diệt của cậu. Và tình yêu Pháo thủ được thể hiện rõ nhất ngay cái tên ở mạng xã hội của Tuấn ếch: “The Gunners”. Đến bây giờ, Tuấn thừa nhận những kỹ năng mà mình có chính là nhờ học học rất nhiều lối đá của idol với biệt danh “Con trai thần gió”. Đặc trưng nhất là chiêu chân phải nhưng chuyên le trái, 1 là lắc ngang rồi sút, 2 là đi xuống góc rồi căng vào trong…
Còn về những quả tỳ đè cực kỳ khó lấy bóng, Tuấn ếch lại “học lóm” từ chú Chiến san và anh Cường u lý… “Bây giờ, khi bóng đá phủi phát triển chóng mặt với các chiến thuật ảnh hưởng nhiều từ bộ môn Futsal, điển hình là tiền đạo thường xuống đáy, cột 2 và lắm khi đội hình xoay gần như không có ai là mũi nhọn thường trực…thì những tiền đạo chuyên cài đè hầu như đã biến mất trong vài năm gần đây, đốt đuốc tìm thì có lẽ chỉ còn Tuấn ếch - trường hợp sót lại duy nhất với lối đá này”. Linh cười, một phủi cứng nhận xét như vậy.
Con đường trở thành một tiền đạo “ngoại hạng” ở sân phủi của Tuấn ếch khá bằng phẳng. Ban đầu, anh Quân trễ, huấn luyện viên của đội Triều Khúc hiện tại có giới thiệu 3 thanh niên làng: Tuấn, Đạt võ lâm và Hiệp trĩ cho bầu Cường “hói”, một người có tâm và mê bóng đá kinh khủng, lại phải cái chung sở thích “Arsenal” với Tuấn ếch. Tuấn ếch khi ấy không béo như bây giờ, cậu nhanh và chơi tốt lắm! Không những khéo chân, cậu khéo cả tay, vì thế, cứ sáng sáng, Tuấn làm đầu bếp cho quán bia Cường hói, chiều lại ra sân trong quân số FC Cường Quốc. Nói đến kỷ niệm vui vẻ này, Tuấn cười tóe lên và bảo: “Làm thì ít mà đá bóng thì nhiều”. Cũng phải nói là bầu Cường khá ưu ái Tuấn ếch nên cậu mới được “đặc cách” như vậy.
Kỷ niệm đẹp của Tuấn ếch khi khoác áo Cường Quốc là 2 bàn thắng giúp đội đăng quang trong trận CK giải Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2008. Khi ấy, SHB là đội bóng cực mạnh với toàn sao số như Giang dân, Dũng bắc, Quân lực…Sau khi đá vào quả thứ nhất, người đầu tiên Tuấn ếch lao đến ôm chầm lấy chính là bầu Cường…Một thời gian sau, Tuấn đầu quân đội Mobifone, đó cũng là quãng thời gian mà tên tuổi của cậu được khẳng định. Hiện giờ, Tuấn ếch làm ở HD bank Hoàn Kiếm, ở đây, lãnh đạo cũng máu me lắm, có những trận đội bóng thi đấu, các sếp đi công tác xa từ sân bay còn không thèm về nhà, đón taxi ra thẳng sân luôn…Nói vậy để thấy, Tuấn ếch khá may mắn vì được làm ở những môi trường mà ngoài công việc, thì bóng đá là sở thích số 1.
Trở lại với giải đấu vừa rồi, giải đấu mà bản sắc của người dân Triều Khúc như một ngọn núi lửa đã tắt từ lâu, nay chợt tỉnh giấc, những dòng “nham thạch tình yêu” trỗi dậy phun trào…Và nói thật, ở bất cứ đâu tại Hà Nội bây giờ, làm gì có được cái không khí tưng bừng, già trẻ đoàn kết như một…giống dân làng Triều Khúc! Mới đầu, sức nóng của ngọn núi lửa đang ngủ quên ấy được kích hoạt từ những người trẻ tuổi như anh Tiếp, Khánh thần chết hay anh Tăng…Họ kêu gọi dân làng lập hội CĐV, rồi may quần áo, cờ quạt…Sức lan tỏa thật khủng khiếp, hàng loạt chị em phụ nữ chưa bao giờ đi xem đá bóng, thế mà cũng nghe lời kêu gọi của hội đã khoác áo vàng, lên khán đài cổ động, thoáng nhìn trên tivi cứ tưởng giải Ngoại hạng…
Có bác đến giờ đội nhà đá bóng vội gấp rút kê dọn quán trà đá, chị bán thịt lợn thì cất phăng đồ nghề dao kéo, bàn ghế lẫn thịt thà để ra sân…mặc kệ ngày mai muốn ra sao thì ra! Các bác ấy bảo: “Bán tao bán cả đời, xem các em các cháu đá bóng được mấy lúc!”…Một anh là dân lái xe cho sếp cũng tắt máy trốn tiệt, anh cười : “Ngày ‘hội làng’ là trên hết!”. Không thiếu những cụ đã ngoài tuổi 80, cá biệt lên đến…93 chẳng quản nắng to ra sân gõ trống cổ vũ mạnh mẽ như ngày mình còn thuở trai làng. Thật tình, ở nhà, con cháu còn phải hầu hạ các cụ, thế mà chỉ vì bóng đá, các cụ sẵn sàng thay đổi giờ giấc ăn uống, tắm giặt nghỉ ngơi đã thành lệ…Cũng chỉ vì các cụ muốn truyền cho lớp trẻ lòng tự hào, cũng như tinh thần của người Triều Khúc, để con cháu về sau nhìn vào mà phát huy và kế thừa bản sắc.
Tuấn ếch nói về những khoảnh khắc vừa đẹp vừa ý nghĩa ấy: “Nhìn các cụ, tự nhiên lòng tự trọng xen lẫn tự hào cứ dâng lên, không những tôi mà tất cả anh em đều ý thức được điều đó nên giải vừa qua, Triều Khúc thi đấu bẵng tinh thần của những chiến binh. Là cầu thủ xuất sắc nhất tháng 9 với phần thưởng 2 thùng bia, tôi tặng luôn hội CĐV, chính họ mới là người xứng đáng vì có họ, tôi mới thi đấu cảm xúc như vậy!”. Khuôn mặt chàng tiền đạo được xem là hàng hiếm của sân phủi chợt xúc động khi nhớ lại sau mỗi trận, các cháu trong làng nhảy xuống xin chụp kiểu ảnh và bắt tay với chú…
...Đó là niềm hạnh phúc của tụi trẻ, nhưng với các cầu thủ, thì đấy cũng là món quà tinh thần cực kỳ quý giá mà lũ trẻ giành cho…Tuấn ếch hãnh diện bảo: “Không gì mua được những khoảnh khắc đó!”. Sau giải đấu vừa rồi, dường như người Triều Khúc gần gũi nhau hơn, chạm mặt ngoài đường họ í ới chào hỏi, có vụ “đấu đầu” xe máy, dân tình xúm cả lại đỡ lên, 2 bên lỡ va quệt chợt nhận ra nhau lúc còn ngồi trên khán đài cùng hô vang “Triều Khúc”…Thế là không “bắt lỗi” mà chuyển sang bắt tay…
Vừa qua, làng Triều Khúc mở tiệc hoành tráng ăn mừng…hạng 8! Chắc chắn rồi, với họ, bóng đá - món ăn tinh thần tuyệt vời nhất đã được các cầu thủ 100% nội địa khơi gợi lại…dân Triều Khúc tha hồ thưởng thức sau nhiều năm quên không “chế biến”…Và Tuấn ếch - tiền đạo hình mẫu cổ điển phủi Hà thành…chính là chất phụ gia đặc biệt giúp cho "món ăn bóng đá” của dân làng Triều Khúc trở lại là một thứ " mỹ vị cao lương”…