Trận chung kết giải Hòa Bình Cup chiều 26/12, hàng trăm khán giả nô nức kéo đến sân 88 Lê Văn Lương để theo dõi một trận cầu đặc biệt. Với họ, đó là bữa tiệc tất niên thịnh soạn của năm 2015 và nhiều khán giả ở xa còn cẩn thận hỏi BTC xem có… “bán vé hay không?”. 2 đội bóng lọt vào chung kết là Ecofoot và Discovery Complex, những cái tên khá xa lạ với nhiều người yêu bóng đá Thủ đô. Tuy nhiên, những cầu thủ đầu quân cho 2 đội bóng này đầy sức hút và thân quen. Ecofoot quy tụ những hảo thủ hay nhất của bóng đá phong trào hiện tại như Phương “Vertu”, Đạo “Từ Sơn”, Mạnh “nát”, Công “Triều Khúc”, Tuấn “ốc” cùng 2 cựu cầu thủ Ninh Bình là Tuấn “bệu”, Gia Từ. Bên phía Discovery Complex là dàn sao V.League như Thành Lương, Ngọc Duy, Quốc Long, Hải An và Xuân Nam - Vua phá lưới giải VĐQG Lào...
Hai đội đã trình diễn nhiều pha bóng đẹp, một trận cầu kịch tính, nghẹt thở và phần thắng thuộc về phía những cầu thủ phủi. Trong trận đấu, họ chơi cống hiến, va chạm quyết liệt nhưng không đá bậy, đá láo, kết thúc trận lại bắt tay và trêu đùa nhau đầy thân thiện. Tuấn “bệu” và Quốc Long va chạm mạnh khiến người sưng mắt cá, người sưng đầu gối nhưng không một lời trách móc nhau, cùng cười xòa bởi đó là một phần của bóng đá. Khán giả được dịp đã con mắt khi chứng kiến dàn sao V.League so tài các quái kiệt phủi.
Trong những câu chuyện của nhiều “dị nhân” sân phủi thế hệ 7X, 8X đời đầu, những trận “so găng” giữa dân chuyên nghiệp và phủi không hiếm. Tuy nhiên, đa phần những trận đấu trong quá khứ thường nặng tính ăn thua, giống như những màn tỷ thí, thách đấu chứ không để lại nhiều cảm xúc sảng khoái trong lòng khán giả bởi tính chất khốc liệt. Thế nhưng thời thế đã khác…
Bóng đá phủi vài năm gần đây phát triển chóng mặt và được đem ra so sánh với các giải chuyên nghiệp, rằng “khán giả đến sân xem phủi đông hơn V.League”. Ngoài việc các đội bóng giương cao khẩu hiệu “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng” khiến các trận đấu hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực, cầu thủ ý thức tập trung chơi bóng, chơi cống hiến thì sự có mặt của các cầu thủ chuyên nghiệp cũng là một thứ phụ gia đặc biệt.
Từ HPL-S1 lần đầu ra mắt năm 2013 đến HPL-S3 mới kết thúc, rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp xuất hiện. Đó là bóng Vàng Thành Lương, bóng Bạc Văn Quyết và nhiều cái tên quen thuộc mà trong đó từng khoác áo các ĐTQG như Ngọc Duy, Quốc Long, Sầm Ngọc Đức, Hải An, Xuân Tú, Xuân Dương, Văn Thuận, Hoàng Thịnh, Văn Biển, Khánh Lâm...
Họ đến với phủi như người nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, kéo khán giả đến sân với mình. Họ chơi bóng để giao lưu, tìm niềm vui và gần nhau hơn. Đó là lý do vẫn những cái tên, gương mặt và những “đôi chân bạc tỷ” đó, khán giả Thủ đô lại hứng thú đi xem hơn hẳn những trận đấu chuyên nghiệp trên sân Hàng Đẫy. Vòng đấu nào ở HPL cũng thu hút vài ngàn khán giả tới sân. Và bóng đá phủi có thể đánh thức tình yêu của khán giả, ở đó những cầu thủ chuyên nghiệp có không ít đóng góp.
Đi đá phủi cũng là dịp để dân phong trào và dân chuyên hiểu nhau hơn. MV Corp là nhà vô địch HPL-S3, để lại nhiều ấn tượng đẹp bởi lối chơi tấn công rực lửa. Góp công lớn vào mùa giải thành công của “chất Nghệ giữa lòng Hà Nội” là 3 cầu thủ chuyên nghiệp: Đình Thắng (QNK Quảng Nam), Văn Thuận (CLB Hà Nội), Phú Nguyên (Huda Huế). Suốt 3 tháng ra Hà Nội dự giải, Đình Thắng ngủ nghỉ tại nhà thủ môn Hợp “Neuer” còn Phú Nguyên ở nhà tiền vệ Toàn “Cầu Treo”, coi nhau như anh em ruột. Trong 3 tháng diễn ra HPL-S3, Đình Thắng và Phú Nguyên còn được thưởng thức cà phê phố cổ, đi xem phim cùng nhiều thành viên MV Corp. Ở vòng 9 HPL-S3, HLV Hoàng Văn Phúc tạt qua xem giải, khen cậu học trò Đình Thắng đá tốt. Thắng tâm sự: “Thầy ủng hộ việc em đi đá phong trào vì giải đấu có chuyên môn tốt, lành mạnh. Đi đá phủi trong dịp nghỉ sau mùa giải cũng là cách rèn luyện thể lực, giữ cảm giác bóng và để thư giãn”.
Chỉ là phủi nhưng các giải đấu ngày càng thu hút được nhiều ngôi sao chuyên nghiệp. Sân 11 hay sân 7 không quan trọng, với những cầu thủ chuyên nghiệp, được chơi và chạm vào trái tim khán giả là một niềm hạnh phúc đặc biệt.