Ký ức phủi: FC Ngọc Hà “Cây đa, cây đề”

thứ ba 12-1-2016 23:06:11 +07:00 0 bình luận
Ở Hà Nội, họ mới đích thực là hiện thân cho cái đẹp của bóng đá đường phố. FC Ngọc Hà, một thời từng là "giấy chứng nhận" cho rất nhiều quái kiệt, dị nhân của phủi Hà thành.

Trước khi Trà Dilmah nổi danh và trở thành một “tượng đài” của bóng đá phủi Hà thành thì FC Ngọc Hà đã "làm mưa làm gió" các mặt sân mini nhiều năm. Họ vô đối sân gôn tôm đá 4, 5, 6, hay 7 người và từng vô địch nhiều giải sân 7.

Đó là đội bóng tập hợp những quái kiệt của làng Ngọc Hà và các khu phố xung quanh khu vực Lăng Bác. Đó là những hảo thủ bản lĩnh, lì lợm không bao giờ biết sợ, rén chân trong các trận đấu mà CĐV đối phương vứt cả bao tải dao kiếm loảng xoảng bên ngoài để “khủng bố tinh thần”. Một đội bóng đã biết chơi tiqui-taka từ đầu những năm 1980 và đến hiện tại, vẫn chia đôi đá già - trẻ chiều thứ Hai hàng tuần, với những màn so tài thú vị giữa bố - con, chú - cháu trên sân.

Cựu tuyển thủ Futsal VN Ngô Anh Dũng xuất thân từ FC Ngọc Hà

Cựu tuyển thủ Futsal VN Ngô Anh Dũng xuất thân từ FC Ngọc Hà

Với thế hệ 8X, đa số những người yêu phủi chỉ biết đến Dũng "Bắc", Khánh "cò" của Ngọc Hà, đôi bạn chơi bóng với nhau 20 năm, cùng lên ĐT futsal Việt Nam. Nhưng nhắc đến Ngọc Hà là phải nói về bố của Dũng, “lá cờ đầu” Bắc "què" – cái tên như một thương hiệu. Lão tướng đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn đủ sức đá 3 trận sân 7 một ngày mà ngay đến cậu con trai đang tuổi sung sức nhất cũng phải ngao ngán. Cùng thời với Bắc "què" trong tổ Ngọc Hà là những “dị nhân” lừng lẫy như 3 anh em ruột "Trâu già", Phong "lùn", Tùng "cóc" hay Tiến "đà điểu", Minh Anh, Hải Anh, Tuấn "Samsung", Tuấn Anh "xiếc", Trung “khổng lồ”, Quân “tít”, Châu “Thạch Sanh”...

Giới phủi vẫn truyền tai nhau rằng: “Nếu Trà Dilmah là nơi quy tụ nhiều anh tài nhất thì Ngọc Hà vốn dĩ từ thuở “khai thiên, lập địa” đã có sẵn nhiều “kì hoa, dị thảo”.

Giấy chứng nhận của phủi

"Dị nhân" Long "Kim", trung vệ tài hoa của Trà Dilmah vẫn thường nói: "Muốn đá phủi được, phải qua Ngọc Hà ký giấy chứng nhận".

Bầu Hồng "Trà" hay những Nam "chân vịt", Tú "khỉ", Long “Kim”, Cường “U Lý”, Tuấn “pháo”, Sơn “phốc”, Thảo “ma”, Tuấn “tỵ” rồi Xít “vẩu”, Nghĩa “cừ”, Minh “trắng”… trước khi nổi danh đều có thời gian “nằm gai, nếm mật” ở các sân đầu dốc Ngọc Hà hay trong Công viên Bách Thảo.

Năm 1994, FC Ngọc Hà chụp tại sân dốc Ngọc Hà nay là bãi xe

Cựu đội trưởng ĐTQG futsal Tú "khỉ" từng học được khá nhiều "bài vở" khi đá gôn đổ gạch với tổ Ngọc Hà. Hồi tưởng lại, chú Bắc kể: "Ngày còn đá ở dốc, chúng tôi hay đá 6 vs 6, mỗi người góp 2 ngàn đồng trước khi vào trận, nhét vào cái lỗ trên viên gạch ở gôn. Đội nào thắng thì lấy tiền đó đi uống nước chè, ăn kẹo lạc. Một kỉ niệm khác trong Bách Thảo là có lần tôi tì Tú "khỉ" bay cả người lên núi Nùng, đến giờ cậu ấy vẫn còn nhớ như in".

Thủ môn Nam "chân vịt" thì bồi hồi nhớ lại: "Khoảng những năm 1997, 1998 gì đó, tôi và anh Hồng thường mon men vào CV Bách Thảo xin các anh Ngọc Hà cho đá gôn tôm. Đợt đó, một phía gôn xếp khá gần với hàng rào thép gai trồng hoa và nhiều lính mới đã bị xô vào đó tướt hết người. Có lần tôi nhảy lên né được cú vào bóng của anh Phong "lùn" trong thế mà ai cũng nghĩ mình sẽ nằm như “thịt xiên nướng”. Vậy là từ buổi hôm sau, cứ 3 rưỡi chiều ra sân, tôi được cấp “chứng chỉ” vào đá chính thay vì phải ngồi đợi dài cổ mãi tới lúc trời nhá nhem mới được chơi như trước".

“Đánh Đông dẹp Bắc”

Năm 1991, Công viên Thống Nhất là nơi “đi dễ, khó về” với nhiều đội bóng phủi Hà Nội, với thể thức đá gôn “cột điện 3 mặt” độ tiền. Tổ Ngọc Hà của Bắc “què”, Tuấn “Samsung”… quyết định lên đường viếng thăm “thánh địa” của đội chủ nhà gồm liên quân các quái kiệt tại Khâm Thiên, Kim Liên, Phố Huế…

Mấy anh em đạp xe lóc cóc xuống, bị đối thủ cười mỉa và gọi bằng nickname “đội nem phở” với hàm ý “dễ ăn”. Những trận đấu giữa tổ Ngọc Hà và đội chủ nhà ngày ấy luôn đông nghịt khán giả. “Cột điện 3 mặt” là những cây cột điện cũ đã bị chặt, còn lại cái gốc được đổ bê tông xung quanh tạo thành một cái trụ cao khoảng 30cm với bốn mặt, mỗi cạnh dài khoảng 80cm. Dân phủi trong Thống Nhất lấy 2 cột điện đối xứng nhau làm khung thành và quy ước đá vào 3 mặt: chính diện, trái, phải là được tính có bàn thắng. Khung thành nhỏ xinh này là một thách thức lớn với nhiều chân sút nhưng trong lần viếng thăm đầu tiên và cả những trận tái đấu khác, tổ Ngọc Hà đều thắng rất đậm.

FC Ngọc Hà chụp trong sân Núi Nùng - CV Bách Thảo

Một kỉ niệm ấn tượng khác về mức độ “phủ sóng” trong những năm 1990 là khi tổ Ngọc Hà vào sân trường Nguyễn Trường Tộ đá thắng anh em nhà danh thủ Ba Đẻn, Cao Cường, Cao Vinh, Cao Hiển... 2 đội lấy ghế đá làm khung thành, bóng phải nằm im trong gầm ghế không nảy ra ngoài mới được tính là ghi bàn. Đó cũng là một thách thức lớn với ngay cả dân chuyên nghiệp không quen chơi những thể thức lạ lùng trên sân mini.

Một trong những nét đẹp của Ngọc Hà là luôn được đối thủ quý mến, chuyển từ đối đầu sang bằng hữu và học hỏi bởi cả chuyên môn lẫn cách chơi rất hào sảng. Có lần Dũng “Bắc” lỡ gác tay vào mặt đối phương đã bị lão tướng Bắc “què” chấn chỉnh nghiêm khắc và lập tức phải sửa đổi vì “không muốn bố phải buồn”.

Bao năm nay, dù đã ở tuổi U.50 nhưng chú Bắc vẫn tráng kiện như thanh niên, chân thoăn thoắt, chạy như máy và điều trái bóng chuẩn hơn đặt. Ông tâm sự: “Mấy chục năm rồi, cứ chiều chiều lại nhớ trái bóng và đi làm về là phải ra sân cho đỡ vật vã. 28-29 Tết, người ta nghỉ hết thì tôi vẫn vào Bách Thảo chạy bộ”. Tìm gặp ông thật dễ, cứ 5 giờ chiều hàng ngày, ra sân Chu Văn An là thấy một lão tướng có body săn chắc, cưỡi xe đạp mini đeo túi đồ đá bóng. Sự đam mê của ông và những người bạn già trong màu áo Lão tướng Chu Văn An cũng gợi nhớ phần nào nhiều ký ức đẹp về FC Ngọc Hà – “cây đa, cây đề” của phủi Hà thành. 

FC Ngọc Hà từng nhiều năm "tụ" ở bãi đất trống đầu dốc Ngọc Hà (nay là bãi xe) rồi chuyển vào sân núi Nùng trong CV Bách Thảo. Sau khi CV Bách Thảo cấm đá bóng thì tổ Ngọc Hà chuyển sang sân Quán Thánh. Khi sân Quán Thành bị dẹp thì đội đá nhiều sân như Quảng An, Tứ Liên và vài năm gần đây là sân Chu Văn An. Hàng tuần, đội vẫn sinh hoạt 2 buổi, một buổi đá nội bộ già - trẻ, một buổi đá với đối tác. Một số thành viên U.50 với đầu tàu là lão tướng Bắc "què" chiều nào cũng đá dưới màu áo Lão tướng Chu Văn An, đội có một số tên tuổi như Tuấn “pháo”, Dũng “thổ”...

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm