“Vua về nhì”
Những năm 2001 - 2005, giải Halida là sân chơi phong trào quy củ, hấp dẫn và đông khán giả nhất Hà Nội. Giải đấu quy tụ nhiều đội bóng phủi có tiếng của Hà thành thời đó như Halida, Trà Dilmah, Cường Hói, Tân Cát Lợi, Phát hành báo chí, Thanh niên Hoàn Kiếm, Good Morning, Goda - Cầu Giấy... đá 11 người trên sân Long Biên - “Old Trafford của phủi Hà Nội” và riêng trận chung kết được tổ chức trên sân Hàng Đẫy. Được đá chung kết ở Hàng Đẫy, trước sự chứng kiến của hàng ngàn khán giả là một ước mơ, một niềm tự hào lớn với nhiều cầu thủ phủi.
Mùa đầu tiên tổ chức năm 2001, Ngân Giang với sự dẫn dắt của cố HLV Phan Văn Mỵ lọt vào chung kết gặp Trà Dilmah, hòa 1-1 trong 2 hiệp chính và thua trong loạt đá luân lưu may rủi. Đến mùa giải thứ 2, HLV Tiến Thiết về dẫn dắt Ngân Giang và tiếp tục đưa đội bóng này vào chung kết gặp Trà Dilmah.
"Khi bước ra sân Hàng Đẫy, phát thanh viên gọi HLV Ngô Tiến Thiết, chẳng ai biết tôi là ai nhưng trong lòng mình cảm thấy tự hào lắm", “Mourinho của phủi Hà Nội” nhớ lại. Ở mùa thứ hai và thứ ba, Ngân Giang đều gây ấn tượng mạnh khi vượt qua nhiều tên tuổi nhưng cứ vào chung kết là lại thua Trà Dilmah. Vào chung kết đến mười mấy giải nhưng chỉ vài lần vô địch, vì thế Ngân Giang và HLV Thiết từng được gán cho biệt danh “Vua về nhì”.
“Bán kết giải Halida năm 2003, chúng tôi thắng Thanh niên Hoàn Kiếm và được đối đầu với Phạm Thành Lương, lúc đó mới từ Hà Tây ra Hà Nội tập trẻ và theo chân HLV thủ môn Minh “Dong” đi đá phủi. Người bé tí, mới ra Hà Nội đá phủi nhưng đã nổi bật về độ dị và đối đầu, thắng Hoàn Kiếm có Lương “dị” là kỷ niệm ngọt ngào tôi nhớ mãi…”. Cựu tuyển thủ QG futsal Giang “dân” kể lại.
“Nơi đây ra đi bao nhiêu… dị nhân”
Rất nhiều cầu thủ từng chơi cho Ngân Giang trong những năm tháng hào hùng đó, sau này đều trở thành những "dị nhân", quái kiệt của phủi Hà thành.
Từ những cầu thủ thế hệ 7X như Tuấn "khèo", Việt "lì", Cường "U Lý", Long "Lương", Tuấn "lợn", thủ môn "U Lan Ba to", Sáng "vịt", Tuấn "Mùi"… cho đến lứa 8X của những Minh "trắng", Cường "Cúc", Giang "dân", Khánh "hồng", Hiệp "cóc", Tuấn "ốc", Quỳnh "xích thố'', Đức "Tý chuột", Tú "thổ", Hải "gà"…, họ từng khoác áo, khẳng định tên tuổi và được tôi luyện qua “cái nôi” Ngân Giang. Xuất sắc nhất trong những năm tháng chơi sân 11 đỉnh cao của Ngân Giang là tiền vệ trung tâm Việt “lì”, người có thể đi 2 chiếc giày chân phải hay chân trái, hoặc chân cỡ 39 nhưng đi giày 43 vẫn đá tốt, kĩ thuật thượng thừa, tiểu xảo đầy mình.
Bên cạnh đó là tiền đạo Cường “U Lý” với khả năng di chuyển, cài đè và đánh hơi bàn thắng cực tốt. Quỳnh “xích thố”, Tuấn “Mùi”, Cường “cúc”, “U Lan Ba to”, Giang “dân”… cũng là những cái tên tạo được nhiều ấn tượng. Giang “dân” là cầu thủ “chín” sớm nhất trong lứa trẻ Ngân Giang. Ở giải Halida năm 2003, Giang cùng Nam “chân vịt” là 2 cầu thủ thi đấu nhiều nhất giải trong khi những Khánh “hồng”, Hiệp “cóc”, Đức “Tý chuột”… phải “xách nước bổ cam”.
Đa số các hảo thủ Ngân Giang trong khoảng thời gian 2002 - 2004 dù chơi rất hay nhưng còn khá vô danh. Sau này, họ tủa đi khắp nơi, nổi danh và giúp nhiều đội bóng trở thành những thế lực của phủi Hà thành. Giang “dân”, Khánh “hồng”, Tuấn “mùi” thành danh khi chuyển sang Trà Dilmah và đều lên ĐTQG futsal. Việt “lì”, Đức “Tý chuột”, Cường “U Lý”, Hiệp “cóc”, Quỳnh “xích thố” đều từng khoác áo Cường Quốc. Thậm chí, Việt “lì” còn có thời điểm vừa làm đội trưởng vừa là HLV của tổ Cường Quốc. Rồi những Cường "cúc", Giang "dân", Khánh "hồng", Hiệp "cóc", Tuấn "ốc"… biến tổ Techno thành một thương hiệu mạnh suốt nhiều năm.
Những kỷ niệm khó quên
Hè năm 2004, bầu Thắng cho cả đội về Cửa Lò, Nghệ An nghỉ mát và đá giao hữu một trận sân 11 với dàn cầu thủ chuyên nghiệp như Lê Quốc Vượng, Nguyễn Thành Công, Trần Xuân Lý, Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Phi Hùng, Văn Lưu, Viết Nam và nhiều cầu thủ đang tập trẻ SLNA mà sau này đều lên đội 1 hết. Khán giả kéo đến chật kín SVĐ thị xã Cửa Lò xem thầy trò HLV Thiết đấu với dàn sao V.League.
Lúc ra sân, Việt “lì” vẫn còn chưa tỉnh do uống “hơi quá”, chạy vài nhịp thì sốc phải ra sau khung thành nôn một bãi rồi… vào đá tiếp. Vừa đá vừa say, vậy mà dị nhân này vẫn khiến khán giả thành Vinh trầm trồ khi có pha xỏ háng qua một lúc 3 cầu thủ chuyên nghiệp và nhiều pha xử lý rất dị khác. Trận đó, Ngân Giang đá ngang ngửa dàn cầu thủ chuyên nghiệp và hòa 1-1. Sau trận, cánh xe ôm vì quá hâm mộ đã tình nguyện chở cả đội “thích đi đâu thì đi và không lấy một đồng”. Một anh xe ôm hỏi Việt “lì”: “Chúng mày đóng quân ở đâu mà đá hay thế?” thì nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Bọn tao toàn đóng quân ở quán bia”.
Giờ đây, mỗi khi nhắc về Ngân Giang FC, các cựu cầu thủ như Tuấn "khèo", Tuấn "Mùi", Giang "dân"... hay HLV Tiến Thiết đều nhớ về một thời chơi bóng đầy say mê, những trưa hè cùng nhau tập luyện dưới cái nắng 38 độ hay những trận đấu được hàng ngàn khán giả trầm trồ vỗ tay khen ngợi, những chuyến du đấu tận Hải Phòng, Nghệ An… đầy ắp kỉ niệm. Với những người từng được xem Ngân Giang hay các hảo thủ xuất thân từ cái nôi này chơi bóng, họ cũng có những xúc cảm rất riêng.
Những con người của Ngân Giang, những giai thoại dị biệt về họ đã đem lại nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều cầu thủ phủi thế hệ sau này, để dòng chảy của phủi luôn cuồn cuộn, không bao giờ tắt...
ĐỘI HÌNH "DREAM TEAM" TRONG NHỮNG NĂM ĐỈNH CAO CỦA NGÂN GIANG FC GỒM CÓ
Thủ môn "U Lan Ba To", cặp trung vệ Cường "cúc" - Cường "Bắc Ninh" hoặc Minh "trắng" - Tuấn "lợn", hậu vệ phải Vương "Nghệ An", hậu vệ trái Giang "dân", cặp tiền vệ trung tâm Việt "lì" - Hồng "Hòa Bình", cặp tiền vệ cánh Quỳnh "xích thố" - Tuấn "mùi", cặp tiền đạo Cường "U Lý" - Dũng "Bảo Khánh".