Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình

Trần Khánh
thứ tư 13-11-2019 0:53:00 +07:00 0 bình luận
Ở xã vốn được mệnh danh là xã “xuất khẩu lao động”, bóng đá nơi đây có sức hút không thể cưỡng nổi.

Giàu như Thanh Trạch

Thanh Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) nằm ở quốc lộ 1A. Nơi đây chính là điểm có chiều rộng hẹp nhất trên dải đất hình chữ S. Một bên giáp núi, một bên giáp biển nên Thanh Trạch có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế.

Điều này tạo điều kiện để người dân Thanh Trạch có nhiều sự lựa chọn về công việc. Ông Nguyễn Văn Lào, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Lao động địa phương đa dạng ngành nghề, có nhiều tiềm năng phát triển nhờ lợi thế về mặt địa lý. Con em trong xã đều có công ăn việc làm ổn định”.

Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình
Choáng ngợp bởi những nhà cao tầng san sát tại xã miền quê.

Nhờ vào vùng biển, Thanh Trạch phát triển mạnh các nghề liên quan đến cảng biển như thu mua chế biến hải sản, nhà máy đông lạnh… Thị trường dịch vụ, thương mại phát triển mạnh. Ngoài ra còn có nuôi trồng thủy sản, làm nông nghiệp,… “So với mức sống phổ thông, thu nhập của người dân Thanh Trạch đảm bảo cuộc sống”, ông Lào nói.

Theo số liệu thống kê năm 2018, dân số của Thanh Trạch là 13.277 người. Ngoài nguồn lực lao động tại địa phương, Thanh Trạch có nguồn cung ứng nhân lực lớn đi xuất khẩu lao động.

“Theo thống kê của xã đầu năm 2019 thì Thanh Trạch có gần 2.100 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Người dân chủ yếu chọn các nước có thu nhập cao như Đức, Anh, Canada, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các thị trường như Đài Loan hay Malaysia cũng có nhưng rất ít”, ông Lào cho biết.

Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình
Một góc được mệnh danh là khu phố Seoul...

Theo Chủ tịch UBND xã, nguồn xuất khẩu lao động thông qua hai kênh chính: đi theo đường chính ngạch là xuất khẩu lao động, tu nghiệp sinh, vừa học vừa làm; kênh khác là đi du lịch rồi tự tìm kiếm các nước để làm việc.

“Đa số đi xuất khẩu lao động đều có việc làm tương đối tốt, vẫn có một số ít trong số đó rủi ro. Mỗi năm, các lao động nước ngoài chuyển về địa phương trên dưới 450 tỷ đồng”, ông Lào nói. Với nguồn lực kể trên, Thanh Trạch chẳng khác nào là “phố nằm giữa xã” khi nhà cao tầng san sát nhau. Có công trình do tư nhân xây dựng lên đến 30 tỷ đồng; nhiều khu trong xã được biết đến là khu phố Seoul hay khu phố Berlin.

Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình
...hay khu phố Berlin vì có nhiều lao động đang làm việc ở Đức.

Kinh tế dư dả, chú trọng tinh thần

Ông Lào kể rằng, thể thao ở địa phương phát triển từ xưa đến nay. “Từ những năm 1960-1962, đội bóng sông Gianh, Thanh Trạch nổi tiếng ở Quảng Bình. Lúc đó cả tỉnh có mấy đội mang giày thì chỉ có xã Thanh Trạch, còn một số đơn vị khác thuộc về công ty. Các thế hệ con cháu tiếp bước truyền thống”, ông Lào cho hay.

Từ đó, địa phương đã tạo cở sở vật chất, thiết chế văn hóa để giữ vững phát huy phong trào. Thanh Trạch đang xây dựng sân vận động với kinh phí 8 tỷ đồng; bao gồm hơn 1 tỷ từ đóng góp của người dân, số tiền còn lại từ ngân sách địa phương.

Kỳ 1: Chuyện bóng đá ở xã “xuất khẩu lao động” tại Quảng Bình
Sân vận động xã có kinh phí 8 tỷ đồng đang được xây dựng.

Hằng năm, không chỉ tổ chức giải bóng đá sân 11 người mà còn xen kẽ tổ chức cho các nhi đồng, thiếu niên và phụ nữ trong xã. Ông Lào nhớ lại cảnh tượng khó quên ở giải bóng đá huyện Bố Trạch 2018 vừa rồi.

“Chợ chỉ bán buổi sáng chứ không bán buổi chiều, bà con bỏ chợ, bỏ việc để đi xem đá bóng. Ở trận chung kết, bà con đi cổ vũ mà tắc đường dài cả 7km từ trung tâm xã đến khu vực Đá Nhảy. 2 giờ bắt đầu di chuyển với khoảng cách 15km mà mất đến 1 tiếng rưỡi mới đến nơi. BTC phải liên tục gọi điện để đến kịp trận đấu. Vừa đến nơi là đá luôn chứ không kịp khởi động”.

Kinh tế phát triển, tình yêu bóng đá lớn của dân làng Thanh Trạch. Đó là bệ phóng để con em nuôi dưỡng tài năng, sau này thi tuyển vào các lò đào tạo trẻ.


Còn tiếp…

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm