Ấn tượng khó phai
Khi Triều Khúc gặp Hanel ở vòng 2 HPL-S3, tất cả những ai có mặt trên sân C500 đều sửng sốt với những gì họ chứng kiến. Hàng trăm CĐV Triều Khúc mặc áo đồng phục ùn ùn kéo vào sân với trống, chiêng, kèn và những lá cờ bay phấp phới, tất cả đều có cùng một màu vàng – màu áo truyền thống của đội bóng được mệnh danh là “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”.
Lần đầu tiên tại một giải bóng đá phủi, người ta thấy một lượng lớn CĐV đem tới bầu không khí sôi động đến thế, thậm chí nhiều người có cảm giác sân C500 giống như “thánh địa” Signal Iduna Park ngập sắc vàng và những âm thanh vang rền một vùng trời khi Dortmund thi đấu. Họ đánh trống, thổi kèn liên hồi, dùng loa phát thanh hô khẩu hiệu, thậm chí dùng tay không đập méo cả biển quảng cáo để cổ vũ các cầu thủ.
Trận thắng 1-0 trước Hanel như một món quà ấn tượng trong ngày Hội CĐV Triều Khúc ra mắt. Những ngày sau đó chứng kiến sự “tăng trưởng” đáng kinh ngạc của Hội CĐV này, dù mới thành lập sau ngày khai mạc từ ý tưởng của một vài CĐV nhiệt thành nhưng mỗi ngày nhận cả trăm lá đơn, đăng ký xin nhận áo. Danh sách các cá nhân ủng hộ cứ dài mãi, từ những Mạnh Thường Quân có điều kiện cho tới các cụ già với 50-100 ngàn đến các cô, các chú người 50 cái áo, người 20 cái kèn, hay vài chục bộ tóc giả màu vàng…
Ở mỗi trận đấu của Triều Khúc, từ các cụ ông 80 tuổi đến thanh niên, phụ nữ và hàng trăm cháu bé, nếu không phải là con cầu thủ, BLĐ thì cũng theo bố mẹ đến sân cổ vũ, biến sân bóng thành một vũ hội ngập sắc vàng. Hình ảnh các cụ ông đánh trống đầy hăng hái trên sân hay cô “công chúa” của trung vệ Đạt “võ lâm” ngủ ngon lành trên vai một CĐV, giọt nước mắt tiếc nuối của CĐV Quang “bự” là những nét đẹp không bao giờ phai của Hội CĐV Triều Khúc. Chỉ tính đến vòng 5, số tiền mà các CĐV Triều Khúc tự bỏ ra để may áo, may cờ... cổ vũ đội bóng đã lên tới hơn 120 triệu đồng.
Đến vòng 6 gặp Tin lớn & Anh em, CĐV Triều Khúc lại gây sốc khi đem tới sân một hình nộm “Người đá” khổng lồ màu vàng, có logo đội bóng trước ngực và sau lưng, mái tóc được trang trí bằng những chiếc lông gà lông vịt – biểu tượng của làng nghề Triều Khúc. Rất nhiều cầu thủ có mặt trên sân chia sẻ: “cảm thấy nổi da gà” khi nhìn thấy “Người đá” lừng lững tiến vào sân kèm theo tiếng trống, kèn… Được biết hình nộm này do một CĐV bỏ tiền mua về rồi tự tay sơn và trang trí với mong muốn đóng góp chút gì đó để cổ vũ tinh thần cho các cầu thủ.
Chung thủy và bền bỉ
Ngay cả khi đội bóng thua đậm trước Moon Quang Trung ở vòng 9, CĐV Triều Khúc cũng không quay lưng lại với các cầu thủ.
Sau khi HLV Quân “trễ” công khai gửi lời xin lỗi vì trận thua đó thì tất cả các CĐV Triều Khúc đều gửi lời động viên và không một lời trách móc. Thậm chí, CĐV Quang “bự” còn kêu gọi quyên góp tiền, quần áo ủng hộ các gia đình khó khăn ở Tân Kỳ, Nghệ An. Rất nhiều người đã hào hứng ủng hộ, từ HLV đến cầu thủ và CĐV. Đến vòng 10, hàng trăm CĐV Triều Khúc vẫn thể hiện tình yêu cháy bỏng với đội bóng. Trước giờ bóng lăn 1 tiếng, họ lại tập trung tại Ủy ban xã, người khiêng trống, người khiêng cờ… dùng tiếng loa, tiếng kèn để giục giã nhau ra điểm hẹn. Vẫn là những hình ảnh các cụ ông vừa đi vừa đánh trống, thổi kèn, các cụ bà bế cháu, đám trẻ nhỏ chạy tung tăng xen giữa các thanh niên, phụ nữ, hình nộm “Người đá”… cùng “hành quân” hơn 1 km tới sân.
Ở HPL-S3, CĐV Tin lớn & Anh em đã gây ấn tượng ở một số vòng đầu với trống, kèn trumpet và những lá cờ, bóng bay, mặt nạ, nón lá tất cả đều một màu hồng – màu áo của đội bóng. CĐV Moon Quang Trung có vòng đấu đội cả “đặc sản” mũ cối từ khán đài ra quán bia, CĐV Cường Quốc được phát áo tại vòng 3 khi gặp Thành Đồng, CĐV Tô Ký một số trận mang theo trống, kèn, CĐV Hanel cũng mang cờ, mặc áo đồng phục, CĐV Văn Minh ở vòng 7, 8 có áo đồng phục… Tuy nhiên, không một hội CĐV nào duy trì được số lượng người đến sân đông đảo và nhiệt đến tận cuối giải như Hội CĐV Triều Khúc.
FC Triều Khúc từ chỗ duy trì vị trí thứ 3 suốt nhiều vòng đấu, tràn trề hy vọng lần đầu giành HCĐ rồi do lực lượng thiếu và yếu, mất tập trung ở một số thời điểm đã đánh mất cơ hội. Tuy nhiên, không vì thế mà Hội CĐV quay lưng với đội bóng. Dưới sân, đội bóng của họ có những trận thua nhưng ngoài sân, CĐV Triều Khúc “vô đối”. Với họ, đã yêu là “không nghỉ phép”, không thay lòng đổi dạ, một thứ tình cảm đáng trân trọng đối với bất kì đội bóng nào, dù là phong trào hay chuyên nghiệp.
Vòng đấu bế mạc chiều nay, Hội CĐV Triều Khúc đã đăng ký với BTC biểu diễn điệu múa “Con đĩ đánh bồng” - một di sản văn hóa phi vật thể của làng Triều Khúc, thường được trình diễn ở các lễ hội truyền thống, lễ tết của làng và Thủ đô.