Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

thứ tư 14-9-2016 22:57:29 +07:00 0 bình luận
Đạt "võ lâm", hậu vệ hay bậc nhất Triều Khúc sở hữu biệt danh khiến nhiều tiền đạo thoạt nghe phải khiếp sợ vì liên tưởng đến một cao thủ võ nghệ đầy mình...

Đạt "võ lâm", hậu vệ hay bậc nhất Triều Khúc sở hữu biệt danh khiến nhiều tiền đạo thoạt nghe phải khiếp sợ vì liên tưởng đến một cao thủ võ nghệ đầy mình...

Nhắc đến FC Triều Khúc thế hệ 8x là phải nhắc tới Quân "trễ", Hiệp "trĩ", Tuấn "ếch" và Đạt "võ lâm". Tiến Đạt sinh năm 1983, trong giai đoạn 2006-2010 nổi lên là một hậu vệ cánh công thủ toàn diện, chơi tốt cả sân 5, 7 và 11, thi đấu quyết liệt, tranh chấp khôn khéo và rất lì lợm. Kể từ HPL-S1 đến nay, Đạt lui về đá trung vệ nhiều hơn và cũng tỏ ra xuất sắc, giúp Triều Khúc 3 mùa liên tiếp có những màn trình diễn ấn tượng với lối đá thủ phản khó chịu.

Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

Đạt "võ lâm" - hậu vệ hay bậc nhất của Triều Khúc 

Ngày bé, bạn bè hay gọi là Đạt "xì xồ" nhưng sau này, dân phủi bên ngoài gọi Đạt "võ lâm" nhiều hơn. Số là có thời điểm, Đạt đá "sung quá", bao đội đặt hàng nhờ đá giúp, nhận lời hết và quá tải đến nỗi cảm thấy ngán bóng đá tận cổ, tính bỏ luôn. Giai đoạn đó khoảng năm 2007, Đạt bập vào game “Võ lâm truyền kỳ”, càng chơi càng say, ngồi luyện công thâu đêm suốt sáng, gầy đi 6-7kg, tóc để dài như Cái bang không thèm cắt nên bị bạn bè gọi là Đạt "võ lâm".

Ngoài đời có danh xưng dữ dằn nhưng trên Facebook, anh dùng nickname khá mỹ miều "Kim Yến Tây". Nguồn gốc cái tên này là do năm xưa khi xem bộ phim "Kim Phấn thế gia", mê nhân vật nam chính cậu Kim quá nên Đạt đặt tên như vậy.

Đàn anh của Đạt "võ lâm", người dẫn dắt cả lứa Hiệp "trĩ", Tuấn "ếch" vượt lũy tre làng, ra ngoài đá phủi và giúp cái tên FC Triều Khúc phát dương quang đại là Quân "trễ". Do vóc dáng nhỏ bé nên ngày xưa, cũng nhiều người gọi vị HLV của Triều Khúc là Quân "con". Biệt danh Quân "trễ" xuất hiện liên quan đến đôi môi của anh. Thời trẻ, Quân chỉ nặng 53kg, suốt ngày đá bóng, mặt tóp lại, đến nỗi môi trề ra nên bạn bè gọi là Quân "trề" sau đọc chệch đi thành Quân "trễ". Một phần nữa cũng vì "bà mụ" nặn môi dưới của Quân hơi quá tay so với môi trên một chút.

Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

HLV Quân "trễ" cầm quân Triều Khúc dự HPL

Thắng "sâu", chiến binh cùng MV Corp vô địch HPL-S3 có biệt danh không liên quan đến côn trùng. Quãng năm 2004, Thắng lập đội bóng đặt tên là Soulvn FC. Sau này, vì công việc và nhiều hoàn cảnh, mỗi người một ngả nhưng chỉ mình Thắng vẫn đam mê bóng phủi. Nhiều người chỉ nhớ Thắng từng cầm đội Soulvn nên gọi là Thắng "Soul" sau này đọc chệch đi thành "sâu" cho dân dã.

Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

Thắng "sâu" - một chiến binh của sân phủi Hà thành 

Biệt danh của Giang "say", kèo trái Thành Đồng có từ hồi học cấp 2. Bạn bè thấy Giang đá bóng như người say rượu nên gọi thế lâu thành quen. Nhìn dáng Thái Nam Giang đá bóng, cũng khó để nói anh không phải đệ tử của môn phái Túy quyền, lúc nào cũng ngật ngà ngật ngưỡng, liêu xiêu nhưng hễ ập vào là "qua háng làm ma 3 lần" ngay.

Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

Giang "say" và dáng đá liêu xiêu quen thuộc 

Tiền vệ mệnh danh "người không phổi" của bóng đá phủi Hà thành có cái tên khá độc đáo là Hưng "xốp". Đây là tên gọi ở nhà từ lúc mới lọt lòng do một người bác đặt cho Bá Hưng. Cái tên đi cùng tuổi thơ của Hưng trong những buổi chiều hè oi ả chạy theo trái bóng trên mặt đường nhựa giờ là bến xe Long Biên, trầy xước chân tay bị mẹ chửi te tua. Sau này, khi cái tên Hưng "xốp" đã thành thương hiệu, thậm chí có nhiều đàn em trong giới phủi tên Hưng cũng lấy chữ "xốp" để làm danh xưng cho thêm phần long lanh.

Giải mã những biệt danh của dân phủi (Kỳ 2)

Hưng "xốp" trong màu áo EOC vô địch Hạng Nhất phủi 2016 

Một loạt hảo thủ của tổ Techno trứ danh năm xưa như Giang "Dân", Khánh "Hồng", Cường "Cúc", Hoàng "Lý" thì đều có biệt danh với mẫu số chung là lấy tên ông, bà hoặc bố mẹ ghép vào sau tên thật. Một trường hợp khác được ưu ái lấy biệt danh của bố đặt cho là Duy "dấm" của FC Triều Khúc. Tiền vệ thuộc thế hệ cuối 8x của đội bóng làng cổ có tên thật Cao Duy Duy và thân phụ tên Hùng "dấm". Bạn bè lấy luôn ngoại hiệu của bố Duy đặt cho anh, âu cũng là điều tự hào về tính kế thừa của một thương hiệu.

Nhiều hảo thủ lại có biệt danh gắn liền với quê quán hoặc trường học. Chẳng hạn như Đạo "Từ Sơn" (đội trưởng Cường Quốc), Đức Anh "Từ Sơn" (từng khoác áo Top Group), đều là những cựu sinh viên trường ĐH TDTT Từ Sơn. Hoặc như Hiếu "Phúc Yên" (tiền đạo trẻ đang "hot", vua phá lưới Hạng Nhất phủi 2016) tức là nhà ở xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc.

Một số phủi thủ khi ở thời đỉnh cao do quá khỏe, hoặc quá nhanh mà có biệt danh gắn với các chiến mã, có thể kể đến Quỳnh "xích thố" - từng chơi rất nhiều đội nổi tiếng như Cường Quốc, Phát hành Báo chí... rồi Thọ "xích thố" (Cường Quốc). Xích thố là tên một loài ngựa cực quý hiếm trong Tam Quốc, cao tám thước, lông màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng. Lúc Lã Bố chết, nó được Tào Tháo cho người chăm sóc, sau trao lại cho Quan Công. Một cái tên rất nổi tiếng khác là Tú "ngựa" - tiền đạo của Than Quảng Ninh có dáng chạy đẹp, thanh thoát và tốc độ như chiến mã tung vó. 

(còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm