“Chúng tôi muốn Inter mang một phần bản sắc Trung Quốc”, Chủ tịch Erick Thohir tâm sự trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Tân Hoa Xã. “Inter là đội bóng lớn đầu tiên của châu Âu viếng thăm và du đấu tại Trung Quốc, vào năm 1978. Năm 1999, CLB đã mở một trường học bóng đá giúp trẻ em nghèo có cơ hội được chơi bóng. Và rồi các năm 2009 và 2011, chúng tôi cũng đã trở lại đây. Với tôi, Inter và Trung Quốc là một và chúng tôi duy trì mối quan hệ khăng khít mật thiết”.
Chính xác, Inter từng được xem là CLB ngoại có CĐV bản địa đông nhất tại Trung Quốc. Giờ khi bóng đá cũng không đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa, trước việc hàng loạt đại gia từ Anh tới TBN, Đức hay chính Italia cùng đổ bộ vào Trung Quốc – nơi họ nhìn nhận như là mảnh đất màu mỡ nhất thế giới, hơn cả Mỹ, để khai thác thương mại – rõ ràng Inter không thể “ăn bám” những lợi thế về mối quan hệ đã gieo mầm từ quá khứ. Nhưng “một phần bản sắc Trung Quốc” mà Inter sẵn sàng đón nhận, như Thohir tuyên bố là gì?
“Chúng tôi sẵn sàng mở rộng hợp tác ở cấp độ cao hơn, không chỉ giúp NHM Trung Quốc hưởng lợi mà còn hướng đến việc giúp ĐTQG nước này xây dựng một đội hình tranh tài ở World Cup. Nhưng trước mắt, thiết thực hơn cả, một vài cầu thủ tiềm năng Trung Quốc sẽ được mời đến Inter. Tôi đã nghe báo giới nhắc đến Zhang Linpeng và gọi cậu ấy là “Sergio Ramos của Trung Quốc”. Tôi nghĩ Zhang cùng 3-4 cầu thủ khác của Quảng Châu Evergrande hay bất kỳ cầu thủ tài năng bản địa nào khác đều có thể chơi bóng cho Inter hay những CLB khác tại châu Âu. Tôi đã có một CLB ở Mỹ và đã mang 2 cầu thủ trẻ Indonesia sang đó. Giờ tôi sẵn sàng tạo điều kiện cho Zhang”, nhà tài phiệt người Indonesia chia sẻ.
Việc đưa những cầu thủ châu Á, từ Nhật Bản tới Hàn Quốc hay kể cả Trung Quốc tới châu Âu thi đấu nhằm thu hút CĐV và các nguồn tài chính từ châu Á cũng chẳng phải bước đi mới. Trường hợp của thần đồng Dong Fangzhou tại Man Utd ngày nào là minh chứng sống động cho thất bại thảm hại về mặt chuyên môn. Giờ thì ngay cả Real Madrid cũng theo trào lưu mua cầu thủ Trung Quốc. Trong chuyến du đấu cùng Inter vừa qua, Real đã chiêu mộ tài năng bản địa 19 tuổi Lin Liangming từ CLB Quảng Châu R&F với phí xấp xỉ 300.000 euro. Mùa tới thì Lin sẽ chơi ở đội trẻ Real, do Zinedine Zidane đảm trách, và thật khó dự báo gương mặt trẻ này sẽ thành công trên đất TBN, giống như cái bắt tay nhìn thấy rõ lợi nhuận kếch xù giữa Real và Hãng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc.
Nhưng dẫu sao đó vẫn là cách tiếp cận ngắn, nhanh nhất và phần nào cho thấy hiệu quả ngay. Real hiểu và Inter cũng biết rõ. Bởi thế, dù có thể còn lâu nữa người ta mới thấy những ngôi trường bóng đá Inter-Trung Quốc cho ra lò những tài năng có thể chơi bóng ở châu Âu, hay ĐTQG nước này sẽ giành quyền dự World Cup (kể từ VCK 2002), cũng đừng ngạc nhiên nếu mùa giải tới đây một cầu thủ Trung Quốc xuất hiện trong đội hình Inter.
Kình địch của Inter, Milan có tới 374 triệu CĐV trên khắp toàn cầu, trong đó có 230 triệu ở châu Á nhưng tại Trung Quốc, với 103 triệu NHM, Milan cũng không áp đảo được Inter. Có chăng, trên BXH những CLB có nhiều CĐV nhất thế giới theo cuộc khảo sát hồi tháng 1 năm nay, Milan xếp thứ 6, còn Inter thấp hơn 2 bậc.
Hồi tháng 2 năm nay, Chủ tịch Erick Thohir tuyên bố Inter có 263 triệu CĐV trên khắp thế giới. Ở khu vực châu Á tập trung đông nhất là những CĐV Trung Quốc, với ước tính trên dưới 100 triệu người, kế đến là Nhật Bản và Indonesia (13 triệu). Ngoài ra, doanh thu từ các hoạt động thương mại (bán áo đấu, kỷ vật…) từ thị trường châu Á trong năm qua đã tăng tới 15%, gần gấp đôi so với thị trường châu Âu (8%). Như thế, Inter hướng đến châu Á và đặc biệt là Trung Quốc cũng là hợp lẽ.
L.A