Rơi xuống đất đen
Mặt sân đầy những vết vá nham nhở. Xà ngang của một khung thành như sắp bị tung ra, phần lớn các phòng bên trong trụ sở khá rộng đều tối đen và trống không. Thoạt nhìn, có cảm giác đội bóng địa phương này không còn tồn tại, trước khi Luca Carra, Tổng giám đốc của CLB, xuất hiện với một chùm chìa khóa và dẫn mọi người tham quan ở bên trong.
Đội bóng địa phương này là Parma Calcio 1913, một cái tên mới vừa được khai sinh trong tháng 8 năm nay từ cái tên cũ AC Parma đã bị phá sản. Hiển nhiên là họ đang gặp phải vô số khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là ngân sách hoạt động hằng năm nhằm vực dậy CLB từ đáy bóng đá Italia. Trong trường hợp tệ nhất, họ sẽ chẳng có lựa chọn nào khác là đem bán đấu giá tất cả để trang trải chi phí hoạt động và trả nợ, từ sân thi đấu, sân tập cho đến những chiếc Cúp trưng bày trong tủ kính.
Mọi chuyện đúng là nghịch lý. Parma phiên bản cũ là một phần của bóng đá Italia trong hơn một thế kỷ qua trước khi họ trỗi dậy mạnh mẽ vào đầu những năm 1990. Từ năm 1992 đến 2002, CLB đã giành được 8 danh hiệu lớn, trong đó có 3 Cúp Quốc gia và 2 UEFA Cup vào năm 1995, 1999.
Còn bây giờ, Parma phiên bản mới có chưa đầy 10 nhân viên hoạt động và phải vạch ra một kế hoạch hoàn hảo không chỉ cải tổ CLB mà còn giúp họ thoát khỏi hạng 4 của bóng đá Italia. Cái khó của Carra và các cộng sự là họ chưa thể đánh giá hết được mức độ khó khăn của cuộc cải tổ này và càng khó khăn hơn nếu nói đến vấn đề tài chính.
Thực tế là nỗi lo tiền bạc đã ám ảnh nhiều CLB ở hầu hết các quốc gia tại châu Âu vì khủng hoảng kinh tế và Parma cũng không phải là đội bóng duy nhất ở Italia bị xáo trộn mạnh như vậy. Trước mùa giải 2015/16, 8 CLB ở các hạng khác nhau của Italia đã từ chối thăng hạng bởi vì họ không thể đáp ứng được những quy định ngặt nghèo về tài chính ở một cấp độ mới.
Từ năm 2003, những nghi ngờ bắt đầu xuất hiện khi chủ sở hữu của CLB, tập đoàn bơ sữa Parmalat phá sản sau nhiều cáo buộc tham nhũng. Sau một loạt thay đổi ở vị trí chủ sở hữu, người đến, người đi, Parma được bán với giá vỏn vẹn 1 euro cho Giampietro Manenti hồi tháng 2, trước lúc CLB rơi xuống đất đen khi ông này bị bắt chỉ sau đó 1 tháng vì gian lận và rửa tiền.
Không có tiền trả lương
Trong phần lớn mùa giải 2014/15, các cầu thủ Parma không được trả lương vì khoản nợ của CLB lên đến gần 200 triệu euro. Tệ đến mức là ở những tháng cuối cùng, một trong số các chủ nợ là Bailiffs bỗng xuất hiện và lấy đi hết số xe tải, xe con sau khi Parma không trả nợ đúng hạn. Rồi sau đó là trang thiết bị tập luyện, phục hồi thể lực cũng biến mất và đẩy các cầu thủ vào tình cảnh phải bỏ tiền túi ra nếu họ muốn chữa trị chấn thương hay thậm chí là mua nước uống trong lúc tập.
Cuối cùng thì các nhân viên không còn đi làm nữa và một người nhẩm tính rằng, số hóa đơn và tiền công mà CLB chưa thanh toán đã lên đến hơn 500.000 euro. Hệ quả là hồi tháng 2, Parma buộc phải hoãn lại một trận đấu ở Serie A do không có tiền trả cho lực lượng an ninh bảo vệ sân. Sang tuần kế tiếp, một lần nữa họ hoãn trận đấu với Genoa sau khi các cầu thủ đe dọa đình công.
Phải thừa nhận rằng, với các cầu thủ ở một đội bóng đang thi đấu tại một trong 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu, nếu không muốn nói là thế giới, cả mùa giải 2014/15 chỉ toàn là lo lắng và thất vọng. Sự có mặt của Manenti và một giám đốc khác, Pietro Leonardi, thậm chí còn khiến tình hình trở nên tệ hại hơn. Alessandro Lucarelli, đội trưởng đội bóng, nhớ lại: “Cảm giác mà tôi nhớ nhất là sự giận dữ. Chúng tôi bị họ lừa gạt. Họ nói không có rắc rối gì và rồi họ vứt chúng tôi ở lại”.
Cuối cùng thì để kết thúc mùa giải, Parma đã chạy khắp nơi vay mượn. Đến tháng 7, sau khi không tìm được chủ mới để trang trải nợ nần, họ bị một tòa án Italia tuyên bố phá sản.
Parma Calcio 1913 ra đời là vì thế nhưng trên nền đổ nát của AC Parma, họ khẳng định sẽ giữ nguyên những gì thuộc về phiên bản cũ: Sân Ennio Tardini, biểu tượng và hy vọng là những chiếc Cúp của thập niên 90 nếu như họ không buộc phải bán đi.
Ít nhất là cho đến giờ, Parma đã tìm được 6 nhà đầu tư mới, trong đó có Guido Barilla, Chủ tịch công ty bánh Barilla, và Gian Paolo Dallara, chủ sở hữu công ty xe đua thể thao Dallara. Điều đặc biệt ở Parma phiên bản mới là trong khi phần lớn các CLB tại Italia vẫn giữ nguyên mô hình một chủ sở hữu, chính điều này dẫn tới những rủi ro tài chính cá nhân, họ được thành lập theo mô hình của một CLB Đức. Ở Đức, các CLB có nhiều cổ đông khác nhau nhưng CĐV cũng có cổ phần. Hệ thống này được đánh giá là mang đến sự ổn định và chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm.
Theo Carra tiết lộ, nhóm các nhà đầu tư của Parma đóng góp khoảng 2,5 triệu euro và sẽ sở hữu 75% cổ phần. 25% còn lại sẽ được bán cho CĐV và họ sẽ có một đại diện trong ban lãnh đạo CLB. Mục tiêu của Parma là từ nay đến tháng 10, họ sẽ đạt mức 1.000 cổ đông với mức mua tối thiểu là 500 euro.
Mất bò mới lo làm chuồng
Minh bạch và chặt chẽ giờ là khẩu hiệu của Parma. Mọi hoạt động tại CLB giờ đây được các cổ đông giám sát nhằm đảm bảo sự trung thực trong chi tiêu. Nếu Carra muốn chi 50.000 euro để nâng cấp thiết bị tập luyện, ông cần chữ kí của một chủ sở hữu. Nếu ông muốn chi 500.000 euro để cải tạo bể bơi, ông cần sự chấp thuận của ban lãnh đạo.
Và Chủ tịch của Parma không ai khác là Nevio Scala, cựu HLV của CLB trước đây.
Scala đã giải nghệ từ lâu nhưng ở Parma, ông sẽ làm không công trong năm đầu tiên. Trong khi đó, Carra chỉ nhận một khoản nhỏ, còn các cầu thủ đa phần là trẻ sẽ nhận không quá 20.000 euro/năm.
Một điều tuyệt vời nữa cho Parma là phản ứng của công chúng với ban lãnh đạo mới của CLB là rất tốt. Nhờ thế, họ đã bán được 5.000 vé xem cả mùa chỉ trong 5 ngày đăng trên mạng và dự kiến một con số tương tự sẽ mua vé theo vòng đấu.
Sau cùng thì Parma hiện tại dù phải chơi tại Serie D, họ cũng còn nhìn thấy tương lai ở phía trước, thay vì là nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tưởng như không có điểm dừng.
Mạnh Hào
Parma một thời là “hổ, báo” của châu Âu:
Đây là đội hình của Parma trong trận chung kết UEFA Cup năm 1999 mà họ đã thắng Marseille 3-0, với hàng loạt tuyển thủ của Italia, Pháp và Argentina.