Để tiểu quốc thành cường quốc
Muốn hiểu được tại sao các quan chức thể thao Đông Đức không ngại sử dụng doping có hệ thống để đạt thành tích, trước hết có lẽ cần nhắc lại hoàn cảnh đặc thù sau Thế chiến thứ hai. Bế quan tỏa cảng với thể thao thế giới cho tới tận tháng 5/1965, Đông Đức bắt đầu hòa nhập với chủ trương rất rõ ràng: cố gắng đạt thành tích xuất sắc trên đấu trường quốc tế nhằm chứng tỏ sự ưu việt của đất nước bé nhỏ này. Kiến trúc sư của chiến lược táo bạo đó là Bộ trưởng Thể thao Manfred Ewald, sau này kiêm luôn chức chủ tịch Ủy ban Olympic Đông Đức cho tới ngày thống nhất. Trong cuốn sách mang tên “Doping” với thông tin lấy từ hồ sơ của Bộ Thể thao Đông Đức, tác giả tiết lộ Ewald từng viết thư gửi tới các HLV dưới quyền với chỉ đạo cụ thể: “Cho phép vận dụng mọi biện pháp. Chỉ có thành tích mới là tất cả”.
Ý tưởng của Ewald đạt hiệu suất tuyệt vời còn do nhận được sự ủng hộ điên cuồng của Manfred Hoeppner, vị bác sĩ y học thể thao hàng đầu Đông Đức rất biết cách tận dụng mọi thành tựu của ngành y học xuất sắc của đất nước. Với sự thúc đẩy của cặp bài trùng Ewald và Hoeppner, việc sử dụng doping ở Đông Đức rõ ràng khác biệt với mọi nơi: đấy là hệ thống xuyên suốt từ trên xuống dưới, vì chỉ có cách đó mới đảm bảo thay đổi ngoạn mục thể trạng, sức mạnh cùng sức bền của người dân sau chiến tranh đang nghèo khó, suy dinh dưỡng và yếu ớt. Để phong trào phát triển thể thao nhanh chóng lên cao, Bộ Thể Thao thiết lập rất nhiều trung tâm đào tạo khắp mọi miền đất nước, bao gồm cả những CLB đặc biệt như Motor Jena được sử dụng nhằm thử nghiệm hiệu quả của các loại chất kích thích.
Đông Đức ăn đứt Liên Xô
Chiến lược của Ewald và Hoeppner đã đem lại thành công rực rỡ cho thể thao Đông Đức. Bởi tính cho tới Olympic 1964 ở Tokyo, số huy chương của các tuyển thủ Đông Đức chưa bao giờ hơn được những đồng đội Tây Đức. Nhưng ngay lần đầu tham dự Olympic với tư cách đoàn thể thao độc lập tại Mexico 1968, Đông Đức đã xếp trên với 9 HCV, 9 HCB và 7 HCĐ, so với “người anh em” chỉ có 5 HCV, 11 HCB và 10 HCĐ. Thậm chí tại Olympic 1972 tổ chức ngay ở Tây Đức, Đông Đức vẫn đè đầu, cưỡi cổ nước chủ nhà với vị trí thứ 3 toàn đoàn (20 HCV, 23 HCB, 23 HCĐ), đứng ngay trên Tây Đức. Và kể từ đó, Đông Đức không bao giờ rớt khỏi Top 3 bảng xếp hạng huy chương không chính thức ở Olympic, cụ thể trong giai đoạn từ 1956-88, họ đoạt 203 HCV, 192 HCB và 177 HCĐ ở các Thế vận hội Mùa đông và Mùa hè.
Còn nếu chỉ tính từ năm 1976 trở đi thì chỉ trong hơn một thập niên, Đông Đức giành được nhiều huy chương hơn mọi quốc gia tại 3 kỳ Olympic và 2 giải vô địch thế giới. Ngay cả Liên Xô cũng phải chào thua. Tuy nhiên, cái giá mà Đông Đức phải trả cực kỳ đắt. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Thể thao, chương trình sử dụng doping có liên quan trực tiếp tới khoảng 10.000 VĐV nam lẫn nữ, gây hậu quả nghiêm trọng và lâu dài về thể chất hoặc tâm lý cho khoảng 1.000 người trong số đó. Hầu hết bắt đầu bị ép dùng doping khi còn là những cô, cậu bé vừa được các chuyên gia của Bộ Thể thao tuyển chọn từ các trung tâm thể thao thiếu nhi để đưa vào chương trình tập luyện thi đấu cho Olympic. Tất cả đều được đánh giá là hạt giống tốt có khả năng giành vinh quang trên đấu trường quốc tế, nên Bộ Thể thao khuyến khích sử dụng mọi giải pháp để kích phát hết tiềm năng, bao gồm cả các steroid đồng hóa, các chất kích thích, hormone tăng trưởng và “doping máu” đều được sử dụng tại các trung tâm đào tạo VĐV chuyên nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ Slupianek
Tất nhiên, thể thao thế giới đâu phải toàn người ngu, nên bắt đầu chú ý tới hiện tượng các tuyển thủ Đông Đức thắng như chẻ tre ở mọi giải. Rốt cuộc, họ tìm được câu trả lời vào năm 1977, khi lực sĩ đẩy tạ nữ 93kg Ilona Slupianek xét nghiệm dương tính với nhóm steroid đồng hoá tại Cúp châu Âu ở Helsinki (Phần Lan). Điều buồn cười là cùng thời điểm ấy, phòng thí nghiệm Kreischa ở Dresden (Đông Đức) vừa công bố kết quả xét nghiệm toàn âm tính của 12.000 mẫu thử của các VĐV nước này trong suốt năm đó.
Vậy là IAAF (Liên đoàn Điền kinh thế giới) quyết định cấm Slupianek thi đấu 12 tháng – án phạt chỉ kết thúc đúng 2 ngày trước lúc giải vô địch châu Âu khởi tranh tại Prague. Thế nhưng, IAAF đâu ngờ rằng khi về nước, Slupianek chẳng những không bị trừng phạt, mà còn được hỗ trợ tập luyện và nghiên cứu sao cho các chất steroid đồng hoá trong cơ thể cô không còn có thể bị phát hiện. Nhờ đó mà khi trở lại thi đấu quốc tế, Slupianek tiếp tục giành HCV.
Dù vậy, sự cố Slupianek gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh Bộ Thể thao nên từ đó, mọi tuyển thủ đều được bí mật kiểm tra doping trước lúc xuất ngoại. Bất cứ ai có kết quả dương tính đều phải rút lui. Đây là biện pháp vừa để bảo vệ tuyển thủ, vừa giúp đội tuyển thể thao đó tránh bị các tổ chức quốc tế trừng phạt. Về mặt đối ngoại, bác sĩ sẽ thông báo rằng tuyển thủ đó không thể dự giải do chấn thương khi tập luyện hoặc bị ốm. Dĩ nhiên, tất cả kết quả xét nghiệm dính doping đều chẳng bao giờ được Bộ Thể thao công khai dưới mọi hình thức. Thế giới chỉ biết được mặt trái của thành công ấy qua lời kể của những người như cựu VĐV trượt tuyết Hans Georg Aschenbach: “Các VĐV trượt tuyết đua đường trường bắt đầu phải tiêm thuốc vào hai gối từ năm 14 tuổi để có thể tập nặng. Hậu quả là mỗi chiếc HCV Olympic phải đánh đổi bằng 350 VĐV tàn tật. Rất nhiều VĐV TDDC nữ phải mang nịt ngực từ năm 18 tuổi do cột sống và dây chằng đều quá rệu rã do doping. Thậm chí có những VĐV trẻ đã hóa thành ngu ngốc, hình ảnh trông càng thê thảm hơn so với những đồng đội bị biến dạng cột sống”.
Khi Bộ trưởng một tay che trời
Hậu quả nghiêm trọng ấy chính là tác phẩm của Bộ trưởng Thể thao Ewald, người thường dặn dò các HLV dưới quyền: “Bọn trẻ còn quá nhỏ, nên không cần thiết phải biết mọi việc”. Với một tay che trời, ông ta đùa bỡn không chỉ mọi VĐV, mà còn cả gia đình họ. Cựu VĐV bơi Ute Krieger-Krause nhớ lại: “Các HLV từng mời cha mẹ chúng tôi tới họp và bảo họ đừng lo lắng nếu bọn trẻ kể về những viên thuốc. Các HLV bảo đó là vitamin để cải thiện chất cho cơ thể, khi Đông Đức chưa cung ứng đủ hoa quả tươi”. Sau một thời gian uống thuốc, chỉ có vài VĐV dám dũng cảm từ chối như Renate Neufeld do bị tắc kinh.
Chính sự thận trọng tuyệt đối cùng quyền lực mà Ewald nắm trong tay giải thích tại sao ngoại trừ Slupianek, Đông Đức không có bất cứ VĐV nào từng xét nghiệm dương tính với chất kích thích tại các giải chính thức. Họ vận hành hoàn hảo tới mức đến nay, không ít cựu VĐV Đông Đức vẫn tin tưởng bản thân không có doping dù từng dùng doping như ăn kẹo. Đơn cử Marita Koch từng lập KLTG chạy 400m nữ ở Australia 1985 luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan tới steroid, dù hồ sơ của Bộ Thể thao ghi rõ cô từng bị tiêm hormone nam trong các năm 1981, 1982, 1983 và 1984. Sự lừa dối ấy cũng là lý do khiến Rica Reinisch – cựu vô địch Olympic nhảy tam cấp nữ và lập KLTG ở Moscow 1980 – chẳng hiểu tại sao cô bị sẩy thai và u nang buồng trứng.
Minh Châu