Thông tin Bayern sẵn sàng bung két trả 135 triệu euro mua ngôi sao Gareth Bale cách đây ít ngày khiến nhiều người thấy sốc. Đó sẽ là kỷ lục chuyển nhượng mới. Nhưng Bayern không chỉ dừng lại ở đó mà tham vọng của đại gia nước Đức là từng bước “phủ sóng” khắp thế giới và đặt mục tiêu trở thành CLB đắt giá nhất hành tinh.
Giàu nhanh chóng mặt
Trong bảng xếp hạng những đội bóng đắt nhất thế giới năm 2014 mà tạp chí danh tiếng Forbes công bố, Bayern Munich xếp thứ 4, với giá trị ước tính 1,85 tỷ USD. Họ bỏ xa CLB xếp ngay sau, Arsenal (1,33 tỷ). Dẫu vậy, nhìn lên Top 3 vẫn còn một khoảng cách rất xa, bởi Man Utd có giá 2,81 tỷ, Real Madrid dẫn đầu với 3,44 tỷ và đối thủ của Bayern đêm nay, Barcelona xếp thứ 2 với 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, chen chân vào khu vực đó và thậm chí trở thành CLB đắt nhất hành tinh, tất cả, không phải nhiệm vụ xa vời hay mục tiêu không thể chạm tới.
Thật vậy! Với doanh thu tăng trung bình 20% hằng năm, trong đó riêng năm ngoái đạt mức 561 triệu USD (431 triệu euro) và đặc biệt giá trị đội bóng chỉ so với năm 2013 đã tăng tới 41%, đấy là mức tăng trưởng mơ ước với bất kỳ đại gia nào, kể cả những tập đoàn kinh tế khổng lồ. Và nể phục hơn cả, trong sự trỗi dậy mạnh mẽ nhìn từ góc độ tài chính, Bayern duy trì tỷ lệ nợ/giá trị CLB là 0%, nghĩa là đội bóng chẳng mang nợ dù chỉ 1 xu.
Tăng trưởng ổn định với 2 con số lý tưởng, Bayern không chỉ khai thác tốt thị trường nội địa mà còn tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng trên khắp các châu lục, từ châu Á tới Mỹ Latin, từ châu Phi đến Australia. Hè năm ngoái, Bayern mang những ngôi sao tới Mỹ để đá giao hữu với đội hình các cầu thủ hay nhất giải nhà nghề MLS. Còn năm nay, tour du đấu ở Trung Quốc hứa hẹn sẽ mang về những nguồn lợi to lớn hơn, ngoài tiền bạc, đó còn là những hợp đồng, những thương vụ hợp tác béo bở khác. “Chúng tôi muốn kiếm tiền, nhưng chúng tôi không chăm chăm du đấu chỉ vì tiền bạc mà Bayern muốn xây dựng những mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài”, CT Rummenigge tuyên bố. Thống kê cho thấy Bayern là CLB Đức được yêu thích nhất, với 3.100 hội CĐV trên khắp thế giới, bao gồm hơn 225.000 hội viên chính thức. Và riêng trong năm 2014, doanh thu từ thương mại của Bayern đạt mức 328 triệu USD, chỉ xếp sau PSG nhưng rõ ràng đội bóng Pháp được sự hậu thuẫn từ giới chủ Qatar thay vì tự lực kiếm tiền.
“Đặt gạch” số 1
Thành công của Bayern đến từ sự kết hợp hoàn hảo giữa việc cân đối tài chính phía sau hậu trường và trên sân cỏ là triết lý đào tạo hoặc mua về những cầu thủ trẻ rồi biến họ trở thành ngôi sao nhằm hạn chế chi phí chuyển nhượng ở mức vừa phải. Đó là mô hình kinh doanh hiện đại, lý tưởng và an toàn bậc nhất trong kỷ nguyên bóng đá mà giá trị cầu thủ chạm mốc cả 100 triệu euro và ngày càng xuất hiện nhiều nhà tài phiệt vung tiền đầu tư tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên Bayern không ép mình theo một mô hình phát triển cứng nhắc nào cả. “Hùm xám” đi tiên phong trong số các CLB Đức về việc mở rộng mạng lưới các học viện đào tạo cầu thủ trẻ trên toàn cầu. “Các hệ thống đào tạo trẻ đã giúp đào tạo những ngôi sao triển vọng”, Mario Oliverto, chuyên gia lĩnh vực tiếp thị thể thao, người từng làm quản lý ở Nike, Adidas, tiết lộ. Nếu Real hay Barca có thể chi cả 100 triệu euro mua về những ngôi sao lớn thì cách làm của Bayern trong nhiều năm qua rất khác biệt. Nhưng điều đó không có nghĩa Bayern chẳng dám chi mạnh tay. CLB đã tiêu tốn 50 triệu USD và 76 triệu USD nữa trong những thương vụ mang tên Mario Goetze hay Robert Lewandowski, vừa giúp tăng cường sức mạnh và gián tiếp làm suy yếu đối thủ nguy hiểm nhất ở Bundesliga, đó là Dortmund. Như thế, chẳng có gì ngạc nhiên một khi Bayern sẵn sàng đưa vào tầm ngắm cầu thủ đắt giá nhất thế giới.
“Nếu muốn giành vinh quang trên đấu trường quốc tế, bạn phải đưa về những tài năng hàng đầu. Chúng tôi đã có HLV giỏi nhất và những ngôi sao sáng nhất sẽ đến Allianz Arena”, Chủ tịch Rummenigge tuyên bố. Phải! Một khi Bayern được ví như FC Holywood thì chẳng có lý do gì để CLB không thể trở thành kinh đô thu nhỏ của bóng đá thế giới, ngập tràn những ngôi sao và đắt giá nhất hành tinh.
LƯƠNG ANH