“Có nhiều HLV, thông minh hơn tôi rất nhiều. Họ là những người bán hình ảnh bản thân và hoàn toàn khác tôi. Nhưng trong sâu thẳm họ cũng chẳng khác gì tôi”.
Liệu “trong sâu thẳm”, Jose Mourinho thực sự tin những gì ông ấy nói ở trên khi năm 2011 ông ám chỉ mình và Pep Guardiola được cắt ra từ một miếng vải.
Mourinho và Guardiola có chung những đặc điểm nhất định. Họ thể hiện cảm xúc dữ dội, quan tâm trong việc quản lý vi mô và khao khát thành công. Nhưng sự kình địch giữa hai người được xác định qua triết lý và cá tính.
Trong cuốn The Duellist viết về sự kình địch giữa Mourinho và Guardiola, nhà báo Paolo Condo người Ý có viết: “Pep được xem như một người hoàn hảo, một hiệp sỹ vô song và không sợ hãi; người luôn chìa bàn tay với đối thủ trước và sau trận đánh. Còn với Mourinho, bóng đá không khác gì định nghĩa của nhà hoạt động chính trị người Ý Rino Formica về chính trị như “máu và phân’”.
Câu chuyện về sự lãng mạn và chủ nghĩa thực dụng của Guardiola và Mourinho là một trong những yếu tố hấp dẫn, đang được hàng triệu triệu tín đồ túc cầu giáo chờ đợi trận derby vào đêm nay.
Đối với Mourinho, bóng đá dường như là cuộc chiến làm cho đối thủ tiêu hao, mỏi mệt. Một chiến lược gia được coi là giỏi, một nhà lãnh đạo được đánh giá tài ba sẽ được đong đếm bằng các danh hiệu, theo quan điểm của Mourinho. Ông từng lấy 25 chiếc cúp đã có trong bộ sưu tập cá nhân ra, và nói mát mẻ: “Có rất nhiều nhà thơ trong bóng đá, nhưng không nhiều nhà thơ giành nhiều cúp vô địch”.
Mourinho ám chỉ nhà thơ trong bóng đá là ai nếu không phải Pep Guardiola? Liệu nhà cầm quân của Man City để tâm hoặc thậm chí ngồi nhẩm đếm lại để biết ông nếu so với Mourinho thì chỉ kém 4 danh hiệu, kể từ khi bắt đầu nghiệp HLV 8 năm trước?
Guardiola có lẽ không đong đếm như vậy. Ông dường như mong đợi cái gì đó hơn kết quả, chiến thắng, và cả các danh hiệu. Ông cố gắng nâng bóng đá lên thành một hình thái nghệ thuật. Ngay cả hai huyền thoại ManUtd là Eric Cantona và Roy Keane từng gợi ý CLB cũ nên chỉ định Guardiola làm HLV trưởng vì ông phù hợp hơn ở Old Trafford.
Ngược lại, Zlatan Ibrahimovic sau khi từng chơi cho cả 2, trong cuốn tự truyện đã miêu tả Mourinho như “chỉ huy trưởng một đội quân, và tôi sẵn sàng chết vì ông ấy, trong khi Guardiola như một “kẻ hèn nhát ẻo lả”, luôn “tỏ vẻ giáo điều nhưng thực tế như c**…"
Đưa Ibrahimovic về một Barca vĩ đại và sau đó bán anh ta, lựa chọn việc xây dựng đội bóng quanh Lionel Messi thực sự là quyết định của một “gã ẻo lả, nhu nhược”? Chắc chắn đó là quyết định can đảm, mang tính sống còn để theo đuổi triệt để triết lý đã và đang trở thành một sự thách thức đối với bóng đá thế giới suốt thập kỷ qua.
Mourinho và Guardiola là rất khác biệt, đặc biệt ở cá tính và sự lựa chọn đội hình phục vụ cho triết lý của mình. Nhưng Eidur Gudjohnsen, một cầu thủ khác từng làm việc với cả 2 cho rằng họ có nhiều điểm tương đồng.
“Thật kỳ lạ khi nói điều này, vì họ rất khác nhau, nhưng tôi có cảm giác y hệt khi Pep tới Barca (lên nắm đội một năm 2008) như thời điểm Mourinho mới tiếp quản Chelsea”, cựu tiền đạo Chelsea và Barca nói với The Times. “Với cả 2, tôi có nhìn thấy, cảm nhận được. Đó là thứ quyền năng khó tin”.
Anh nhớ lại chuyến tập huấn chuẩn bị cho mùa giải mới đầu tiên dưới thời Mourinho tại Chelsea năm 2004. Gudjohnsen chia sẻ Mourinho kêu gọi toàn đội cùng nắm tay nhau quyết tâm chiến thắng, giải thích tỉ mỉ về những gì ông chờ đợi từ từng cầu thủ mỗi trận đấu, mỗi buổi tập và ngay lập tức gieo sức mạnh lên toàn đội.
“Báo giới nói ông ấy nghiêm khắc như thế nào và khiến chúng tôi như trong quân đội trong vài năm tới”, anh nói. “Thay vào đó, ông ý bước vào phòng và mở ra nhiều sa bàn trong đó chỉ rõ từng cá nhân sẽ chơi ra sao theo kỳ vọng của ông ấy, cũng như chúng tôi cần chơi tập thể ra làm sao. Vài ngày sau, một số cầu thủ nhìn nhau và nói, ‘Chúng ta sẽ giành chức vô địch mùa này’, mà đấy mới chỉ sau một cuộc họp chiến thuật. Buổi tập đầu tiên thậm chí còn khiến chúng tôi hưng phấn và thuyết phục hơn nhiều”.
“Số đông cho rằng Jose dường như tập trung vào việc vô hiệu hóa đối thủ trước và sau đó có khả năng tạo ra đủ sức mạnh tấn công để giành chiến thắng, còn Pep nghiêng về triết lý tạo ra không gian. Tuy nhiên đó không phải trải nghiệm của tôi với Jose”, Gudjohnsen nói tiếp. “Đó không phải hoàn toàn là tấn công, nhưng ông ấy luôn muốn chúng tôi tấn công như một tập thể và phòng ngự như một tập thể”.
Guardiola bắt đầu ở đội một Barca với những cầu thủ xuất sắc của thế giới khi đó như Ronaldinho, Deco, Eto’o, Thierry Henry nhưng “Barca đã không chiến thắng ở những mùa giải trước” – Gudjohnsen. “Ông ấy đã có những quyết định lớn, đầy quyết liệt. Ronaldinho và Deco là 2 cầu thủ được các CĐV yêu thích nhất thời điểm đó, nhưng Pep đã đẩy họ đi. Ông đã dạy cho chúng tôi hiểu ông ấy muốn chúng tôi chơi ra sao và tôi đã có khoảng thời gian không thể tin nổi.
“Dĩ nhiên chúng tôi mất một thời gian. Nhưng rồi chúng tôi như một cỗ máy hoạt động trơn tru, bất kể ai trong đội đi hay ở”.
Vây Guardiola đã làm thế nào? “Mọi cuộc họp chiến thuật và các buổi tập đều là về các chi tiết”, Gudjohnsen cho biết. “Luôn là triết lý, nhưng cũng đề cập đến các tiểu tiết, về việc chúng tôi tạo ra không gian ra sao trước đối thủ này, ở khu vực nào chúng tôi có sự vượt trội. Pep luôn đề cập đến việc tạo ra vượt trội ở mọi nơi trên sân; rồi di chuyển ra sao để giúp người có bóng tự do hơn, làm sao kéo 2 hậu vệ biên lên càng cao càng tốt, các vệ tinh quanh cầu thủ có bóng di chuyển thế nào để chúng tôi có thêm người ở một khu vực nhất định trên sân trong một thời gian nhất định…”
Trong hồi ức của Gudjohnsen, Mourinho và Guardiola có sự khác biệt rõ nét dựa vào thế trận cũng như tỷ số trên sân. “Nếu bạn dẫn 3-0 dưới thời Pep, ông ấy muốn chúng tôi ghi bàn thứ 4, thứ 5 và hơn. Jose thì khác, ông có thể tính toán sao cho chúng tôi giữ được thể lực cho chặng đường dài trước mắt”.
Chia sẻ của Gudjohnsen có lẽ nhắc cho nhiều người phát biểu của Mourinho mùa này khi Man Utd dẫn Basel 2-0 tại Champions League. Ông tỏ ra không hài lòng, cho rằng cầu thủ của mình chơi thứ bóng đá kỳ quặc, như trong PlayStation – ám chỉ cầu thủ bắt đầu chơi sáng tạo theo ý mình khi dẫn trước đối thủ.
Guardiola lại khác. Ông yêu thích sự sáng tạo, cho phép các cầu thủ chơi với thế mạnh họ có. Điều đó lý giải tại sao những De Bruyne, David Silva, Leroy Sane hay Sterling đang như cá gặp nước ở Man City. Với Mourinho, mẫu cầu thủ chơi sáng tạo không có nhiều đất sống.
Phong cách quản lý cầu thủ là sự khác biệt giữa Mourinho và Guardiola. “Jose cá tính hơn. Pep không thích đối đầu với cầu thủ, trong khi Jose dường như thích sự căng thẳng. Tôi chắc chắn nếu Pep có lựa chọn, ông ấy sẽ không chọn đối đầu. Ông ấy thà tránh tình thế đó còn hơn”.
Tính cách của Pep vì thế giúp ông nhận được nhiều thiện cảm hơn người sẽ đối đầu với ông đêm nay. Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng Pep quá hiền và thành công đến với ông suốt gần 1 thập kỷ qua phần nhiều do may mắn.
Nhưng như Gudjohnsen chia sẻ, tuy quản lý theo 2 phong cách khác nhau, Mourinho và Guardiola đều biết truyền cho cầu thủ tinh thần chiến thắng. Còn đối với NHM và giới chuyên môn, dù yêu hay ghét họ cũng có thể thấy mình may mắn khi được trực tiếp chứng kiến 2 HLV tài năng và cá tính của bóng đá thế giới đọ tài; và một phần nào đó, được truyền thêm tình yêu bóng đá từ họ.