Dù ngày càng tạo nhiều thương vụ bom tấn và trả lương hậu hĩnh cho các cầu thủ, nhưng các đội bóng Anh vẫn chưa thể tìm lại ánh hào quang tại đấu trường châu lục.
Từng có một thời bóng đá Anh thống trị đấu trường châu Âu vào thập kỷ 70 và 80 thế kỷ trước. Những CLB đến từ đảo quốc xứ Sương mù thắng đến 7 trong số 9 trận chung kết Cúp C1 (giải đấu tiền thân của Champions League) và 3 trong 9 trận chung kết UEFA Cup (giải đấu tiền thân của Europa League) mà họ góp mặt. Tiêu biểu là 6 chức vô địch liên tiếp của Nottingham Forest (1979, 1980), Liverpool (1977, 1978, 1981) và Aston Villa (1982) tại Cúp C1.
Sau đó, thảm họa Heysel xảy ra trong trận chung kết C1 năm 1985 giữa Juventus và Liverpool khiến các đội bóng Anh phải nhận án phạt cấm tham dự giải đấu châu lục trong vòng 5 năm. Sự kiện này khiến vị thế của bóng đá Anh tại đấu trường châu lục giảm mạnh cho đến khi Liverpool lọt vào trận chung kết Champions League 2004/05.
Và sau khi The Kop viết lên câu chuyện cổ tích ở Athens, đánh bại Milan và đăng quang, hể từ đó các đội bóng đến từ Premier League luôn đóng góp ít nhất 1 đại diện trong 7/8 trận chung kết Champions League (2004-2012), tiêu biểu là trận chung kết toàn Anh giữa Chelsea và Man Utd vào năm 2008.
Một minh chứng khác được hiểu như dấu hiệu cho sự quay trở lại của bóng đá Anh tại đấu trường châu lục là việc các đại diện Premier League giành đến 9 trong tổng số 12 suất dự bán kết Champions League chỉ trong vòng 3 năm 2007-2009.
Nhưng ánh hào quang ấy nhanh chóng vụt tắt. Ngoài việc không thành công bằng giai đoạn trước (khi các đội bóng Anh chỉ thắng 3/7 trận chung kết Champions League mà họ tham dự), Premier League cũng không còn giữ được vị thế tại Cúp châu Âu khi chỉ có đúng 2 đại diện lọt vào bán kết Champions League trong 4 mùa giải gần nhất.
Riêng mùa giải 2012/13 và 2014/15, bóng đá Anh còn sạch bóng đại diện ngay từ vòng tứ kết. Đó là hệ quả từ việc suy giảm chất lượng của Premier League, kèm theo sự hình thành của các siêu CLB tại đấu trường châu lục như Real Madrid, Barcelona hay Bayern Munich, các đội bóng gần như nghiễm nhiên có một suất dự bán kết trong khoảng 7 mùa giải gần nhất.
Không chỉ thế, các đại diện hàng đầu đến từ Serie A (Juventus) hay Ligue I (PSG) cũng đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Minh chứng là việc Juventus lọt vào chung kết Champions League 2015 hay PSG tiến đến vòng tứ kết 4 mùa liên tiếp.
Tương tự, Atletico Madrid cũng trở thành “ông kẹ” tại đấu trường châu lục với thành tích lọt vào chung kết 2/3 mùa giải gần nhất.
Những đồng tiền xuẩn ngốc
Nghịch lý ở chỗ, dù đang thất thế tại đấu trường châu lục nhưng các đại diện Premier League lại ngày càng mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng với hàng loạt thương vụ chuyển nhượng bom tấn và mức lương cao ngất dành cho các cầu thủ.
Những con số thống kê cho thấy, Man Utd hiện là đội bóng có mức đãi ngộ cao nhất thế giới với mức lương trung bình rơi vào khoảng 5,77 triệu bảng/năm. Man City (5,42 triệu bảng/năm), Chelsea (4,51 triệu bảng/năm), Arsenal (3,7 triệu bảng) và Liverpool (3,01 triệu bảng) lần lượt xếp ở các thứ hạng 3, 5, 9 và 10 trong danh sách này.
Thậm chí, ngay cả một đội bóng hạng trung Crystal Palace cũng có thể trả cho cầu thủ của họ mức lương trung bình 1,96 triệu bảng/năm, xếp thứ 20 trong danh sách các đội bóng trả lương cao nhất thế giới và không thua kém là bao so với “ông kẹ” Atletico Madrid xếp thứ 13 trong danh sách này với mức lương trung bình là 2,58 triệu bảng.
Thực tế thì câu chuyện trên không có gì bất ngờ nếu biết rằng các đội bóng Premier League kiếm bộn nhờ gói bản quyền truyền hình khổng lồ trị giá hơn 8,3 tỷ bảng trong vòng 3 mùa giải tới (2016-2019). Chẳng thế mà mức lương trung bình của các cầu thủ tại Premier League nhiều hơn gấp đôi giải đấu xếp thứ 2 là La Liga, cụ thể là 2,4 triệu bảng/năm so với 1,2 triệu bảng/năm.
Chỉ tiếc rằng, trong trường hợp này tiền không đi liền với thành công. Tottenham đã bị loại ngay từ vòng bảng Champions bởi Monaco và Bayer Leverkusen, những đội bóng trả lương trung bình cho cầu thủ kém “Spurs” hơn 1 triệu bảng/năm.
Dĩ nhiên, một số ý kiến có thể cho rằng Tottenham còn non kinh nghiệm tại Champions League. Nhưng đừng quên rằng, Arsenal cũng từng thất bại trước Monaco ở Champions League, hay Man Utd đã bị đánh bại bởi Fenerbahce và Feyenoord tại Europa League. Tương tự, Liverpool cũng phải cúi đầu trước Sevilla ở chung kết Europa League năm ngoái, dù đội bóng Tây Ban Nha có giá trị đội hình và trả lương thua xa “The Kop”.
Một chi tiết nữa cho thấy các đại diện Premier League đang “đốt tiền” một cách hoang phí của là việc họ bị “chém đẹp” trên thị trường chuyển nhượng với minh chứng tiêu biểu nhất là thương vụ Man Utd phá kỷ lục chuyển nhượng, mua lại Paul Pogba với mức giá 89,3 triệu bảng.
Tương tự, Son Heung-min đến Tottenham với mức giá 22 triệu bảng, nhưng người đang thay thế rất tốt vai trò của anh tại Leverkusen là Kevin Kampl chỉ có giá đúng 9 triệu bảng. Cay đắng ở chỗ, chính Kampl đã ghi bàn duy nhất giúp Leverkusen hạ gục Tottenham ngay tại Wembley cách đây 1 tháng, góp phần đẩy Spurs ra khỏi giải.
Rõ ràng, đội bóng nào cũng muốn mua được những cầu thủ chất lượng với giá cả phải chăng. Ví như Leicester từng sở hữu cả Riyad Mahrez, Jamie Vardy lẫn N'Golo Kante với tổng số tiền chưa đến 10 triệu bảng, tức chỉ bằng 1/9 mức phí chuyển nhượng của Paul Pogba về Man Utd. Nhưng trong khi các khoản đầu tư "giá rẻ" đã giúp Leicester lần đầu tiên vô địch Premier League và vượt qua vòng bảng Champions League năm nay với tư cách nhất bảng G thì Pogba lại thi đấu thất vọng khiến Man Utd trầy trật ở cả Premier League lẫn Europa League.
Trên thực tế, chính mức bản quyền truyền hình khổng lồ của Premier League đang... "làm hại" các đội bóng Anh. Các CLB sở hữu những mục tiêu chuyển nhượng của Man Utd, Man City, Arsenal, Liverpool hoặc bất kỳ một CLB nào khác đến từ Premier League sẽ luôn tìm cách "đội giá" cầu thủ lên cao hơn mức bình thường, bởi họ thừa hiểu rằng các đội bóng Anh rủng rỉnh tiền đến mức nào.
“Nên hiểu thế này, giờ có 2 mức phí chuyển nhượng, 1 dành riêng cho Premier League và 1 dành cho phần còn lại”, người môi giới giấu tên tuyên bố trên tờ Mirror cách đây chưa lâu. “Ở mọi nơi, đặc biệt vùng Scandinavia, họ đều hỏi bên mua cầu thủ là CLB ở đâu. Nếu là CLB tại Premier League, giá chuyển nhượng lập tức tăng gấp đôi”.
Nói như vậy để thấy rằng, dù đốt hàng đống tiền vào thị trường chuyển nhượng, nhưng không phải lúc nào các đội bóng Anh cũng có thể mua được những món hàng chất lượng. Bởi vậy, đừng ngạc nhiên khi các đại diện Premier League tiếp tục thất thế trước các đội bóng Tây Ban Nha và Đức tại đấu trường châu Âu trong những mùa giải kế tiếp.