Dù được coi là giải VĐQG có chất lượng hàng đầu trên thế giới, Premier League lại không phải là môi trường lý tưởng cho chính những cầu thủ bản địa có cơ hội khẳng định tài năng.
Theo công bố mới nhất từ CIES Football Observatory, tổ chức nghiên cứu bóng đá uy tín có trụ sở đặt tại Thuỵ Sĩ, chỉ có 4 CLB tại Premier League mùa này trao hơn 50% thời gian thi đấu cho các cầu thủ thuộc diện “Home-grown”, tức những cầu thủ do chính CLB đào tạo ra, gồm Bournemouth (81%), Burnley (62%), Crystal Palace (53%) và Everton (52%).
“Home-grown” là những cầu thủ không phân biệt quốc tịch nhưng phải được đăng ký thi đấu ít nhất ba năm trước tuổi 21 tại Anh hoặc xứ Wales. Tóm lại, đó là những cầu thủ trẻ (dưới 21 tuổi) được đào tạo tại các học viện bóng đá của các CLB ở Vương quốc Anh tối thiểu trong vòng 3 năm.
Con số trên đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về cơ hội được ra sân thi đấu của các cầu thủ “cây nhà lá vườn” tại Premier League năm nay. Các cầu thủ Anh sẽ còn cảm thấy chạnh lòng hơn nhiều nếu như họ nhìn sang La Liga, nơi có tới 11 CLB trao hơn 50% thời gian thi đấu cho các cầu thủ “home-grown”.
Xét rộng hơn, nếu chỉ tính ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, Premier League không phải là “miền đất hứa” cho các cầu thủ bản địa có thể chứng tỏ được khả năng của mình.
League 1: 17
La Liga: 11
Serie A: 8
Bundesliga: 7
Premier League: 4
Hiện tại hạn ngạch được áp dụng vào lúc này khiến 1 CLB của giải Ngoại hạng chỉ được phép đăng ký tối đa 17 cầu thủ ngoại. Cụ thể hơn, Premier League cho phép 1 CLB đăng ký tối thiểu 18 cầu thủ và tối đa 25 cầu thủ. Nếu đăng ký tối đa, 8 trong số đó phải thuộc diện “home-grown”.
Tuy nhiên, điều này rất khó xảy ra đặc biệt là ở các CLB lớn vì họ cần những cầu thủ chất lượng để tranh tài ở đấu trường đỉnh cao như Champions League.
Từ khi luật “Home-grown” áp dụng từ mùa 2010/11 đến nay, rất hiếm các đội có đủ 8 cầu thủ "cây nhà lá vườn". Một trong những biện pháp “lách luật” phổ biến nhất là việc những đội bóng này thường không đăng ký tối đa 25 cầu thủ để hạn chế số lượng cầu thủ “home-grown” trong đội hình của mình.
Điều này đã dẫn đến việc các đại gia tại Premier League như Arsenal, Man City hay Chelsea luôn nằm trong nhóm những CLB tạo ít cơ hội nhất cho các cầu thủ Anh phát triển tài năng.
Osasuna (La Liga): 97%
Nancy (League 1): 92%
Sassuolo (Serie A): 86%
Freiburg (Bundesliga): 84%
Bournemouth (Premier League): 81%
Trong khi đó, không khó để thấy rằng, các đội bóng tạo nhiều cơ hội nhất cho các cầu thủ bản địa thi đấu đều là những CLB trung bình yếu, không có nguồn tài chính dồi dào và không tham dự những đấu trường lớn như Bournemouth (ở Premier League), Osasuna (La Liga), Nancy (League 1), Sassuolo (Serie A) và Freiburg (Bundesliga).
“Xuyên suốt 25 năm của kỷ nguyên Premier League, tuyển Anh chỉ có 1 lần vào bán kết EURO 1996 ngay tại quê hương. Rõ ràng chừng ấy là không đủ”, ứng cử viên cho vị trí thị trưởng thành phố Manchester, Andy Burnham cho biết. “Brexit có thể mang lại những điều khác biệt cho bóng đá. Nước Anh cần nghiên cứu hạn ngạch về các cầu thủ home-grown”.
Ở vòng đấu khai màn mùa giải Premier League lần đầu tiên trong lịch sử (1992/93), có tới 69% cầu thủ ra sân trong đội hình xuất phát của các CLB. Còn bây giờ thì sao? Vòng 1 Premier League 2016/17 chứng kiến đúng 75 cầu thủ người Anh được đá ngay từ đầu, chiếm tỷ lệ 34%, tức chỉ bằng một nửa so với thời điểm cách đây 23 năm. Thảm hại hơn, sau 38 vòng đấu ở mùa giải ngoái, chỉ vỏn vẹn 31% số cầu thủ Anh được trao cơ hội đá chính ngay từ đầu, giảm 10% so với mùa giải 2006/07.
Trên thực tế, đây là một câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”của bóng đá Anh. Tuy nhiên, vẫn chưa hề có một biện pháp khả dĩ nào được đưa ra bởi những cơ quan có chức năng, cụ thể là Liên đoàn bóng đá Anh (FA) và đại diện của các CLB tại Premier League. Thậm chí, ông Greg Clarke, Chủ tịch của FA còn phải cay đắng thừa nhận:
“Nếu tôi là một ông chủ của CLB đang thi đấu tại Premier League, tôi cần 11 cầu thủ của mình là những người giỏi nhất để phục vụ mục tiêu vô địch và tham dự đấu trường châu Âu. Nhưng trên cương vị của một người đứng đầu FA, tôi mong muốn được chứng kiến những cầu thủ Anh được ra sân nhiều hơn. Đó là sự mâu thuẫn mà bóng đá Anh đang đối mặt”.
1. Borussia Dortmund: 43%
2. Real Madrid và Barcelona: 41%
3. Atletico Madrid: 36%
4. PSG: 35%
5. Bayern Munich: 34%
6. Juventus: 32%
7. Napoli: 20%
“Câu hỏi được đặt ra ở đây là: ‘Làm thế nào để các cầu thủ Anh vừa có nhiều cơ hội ra sân, vừa có thể có những đóng góp quan trọng trong đội hình của các CLB tại Premier League và ĐTQG’. Giờ không phải là lúc chúng ta vác loa lên và hét vào tai người khác, đây là lúc tất cả cần phải ngồi lại và thảo luận để tìm ra được phương án giải quyết tối ưu nhất”.
Man City đang từng bước "giải quyết" vấn đề này bằng biện pháp tận dụng những cầu thủ đến từ học viện trị giá 200 triệu bảng của mình, nổi bật là "thần tài" Kelechi Iheanacho. Chelsea đang sở hữu Tammy Abraham, chân sút đang nổi như cồn khi khoác áo U.21 Anh.
Tuy nhiên, với áp lực thành tích cùng sự mua sắm ồ ạt của của các đối thủ cạnh tranh trên TTCN, không nhiều người tin rằng, Man City hay Chelsea có thể mạnh dạn trao tối đa cơ hội chứ chưa nói đặt niềm tin tuyệt đối vào những sản phẩm cây nhà lá vườn.
Và như thế, câu chuyện tài năng bản địa vẫn đối mặt với nguy cơ bị thui chột trên chính sân nhà Premier League còn là vấn đề gây tranh cãi không hồi kết...
Số cầu thủ home-grown ở Premier League 2016/17:
4 cầu thủ: Man City (chỉ được đăng ký 21)
5: Watford (22)
6: Tottenham, Chelsea (23)
7: Liverpool (24)
8: Swansea
9: West Ham, Man Utd, Arsenal
10: Hull
11: Middlesborough
12: West Brom, Stoke, Southampton, Leicester, Everton
14: Sunderland, Crystal Palace
19: Bournemouth
21: Burnley