Tháng 7 năm ngoái, Facebook quyết định chi 265 triệu đô-la để mua lại quyền độc quyền Ngoại hạng Anh trong 3 năm, từ 2019 đến 2022 tại 4 nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia. Việc Facebook nhảy vào cuộc chơi bản quyền thể thao khiến không ít các nhà đài tại 4 nước Đông Nam Á lo lắng.
Thoả thuận này cho thấy ý định thử nghiệm thị trường video trực tuyến để phát trực tiếp các sự kiện thể thao của mạng xã hội lớn nhất hành tinh, và nó cũng gián tiếp sự thừa nhận thế giới đang chuyển dịch sang thị trường trực tuyến của EPL. Trong một cuộc khảo sát của MIDIa Research (Công ty phân tích và đánh giá truyền thông có trụ sở tại Anh, là đối tác của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới), chỉ có 15% người xem trực tiếp thể thao nằm trong độ tuổi từ 16-19. Kiểm chứng tương lai không chỉ nằm ở doanh thu mà cả người xem khi nó quyết định phương tiện kỹ thuật nào (tuyến tính hay kỹ thuật số) để tiếp cận người dùng.
"Rõ ràng Facebook sẽ đánh bại các nhà khai thác truyền hình kỹ thuật số và truyền hình trả tiền bằng việc mua bản quyền phát trực tiếp giải đấu bóng đá nổi tiếng này", Mana Treelayapewat - trưởng khoa nghệ thuật truyền thông Đại học Thương mại Thái Lan nhận định ở thời điểm thông tin Facebook mua lại quyền độc quyền Ngoại hạng Anh. Facebook đã rất thành công trong việc quảng cáo trên ứng dụng của mình và chiến lược tham gia vào thị trường bản quyền truyền hình thể thao sẽ giúp mạng xã hội này tăng doanh thu.
Ông Mana cho rằng động thái của Facebook và việc nền tảng công cụ tìm kiếm khổng lồ khác là Google dự kiến ra mắt tính năng mới, có thể sử dụng Youtube làm kênh truyền hình nội dung để cạnh tranh với Facebook thực sự gây lo ngại cho ngành truyền thông Thái Lan. Bởi một sự thật khó chối cãi, là nhiều người xem đang dần chuyển sang nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, các đơn vị quảng cáo sẽ xác định lại chi tiêu cho chiến dịch truyền thông vì Facebook hay Google có thể hiển thị số liệu thống kê đối tượng chính xác hơn, giúp công việc của các đơn vị đại lý quảng cáo dễ dàng hơn.
Tuy nhiên tin vui không chỉ cho các nhà đài Thái Lan mà cả Việt Nam khi cuộc đàm phán kéo dài 8 tháng giữa Facebook và EPL đã đổ vỡ bởi luật sư hai bên không tìm được tiếng nói chung ở một số điều khoản. Thoả thuận sụp đổ và quyền đấu thầu được trả lại. Và như thông tin đã được phát đi cuối tháng 7 vừa qua, K+ là nhà đài tại Việt Nam gi quyền độc quyền Ngoại hạng Anh trong 3 mùa, mỗi mùa 380 trận.
"Sự đổ vỡ của Facebook là món hời của K+" - MIDIa Research nhận định. Theo MIDIa Research, Facebook không chỉ bỏ lỡ cơ hội thiết lập mối quan hệ với một trong những thương hiệu thể thao giá trị nhất thế giới, mà còn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường màu mỡ với số lượng người hâm mộ bóng đá khổng lồ.
MIDIa Research phân tích: Là thị trường lớn thứ 3 tính theo GDP bình quân đầu người, Việt Nam chiếm 18% tổng GDP bình quân đầu người trong 4 thị trường Đông Nam Á (Thái Lan 52%, Campuchia 19%) mà Facebook dự định chi 265 triệu đô để giành quyền độc quyền Ngoại hạng Anh. MIDIa Research cho rằng K+ đã chi 46,8 triệu đô để giành quyền độc quyền Ngoại hạng 3 mùa, ít hơn rất nhiều so với số tiền Facebook dự chi và cuộc đàm phán đổ vỡ của Facebook rõ ràng là món hời đối với K+.
Cần nói chính xác hơn, giành được quyền độc quyền Ngoại hạng Anh trong lãnh thổ Việt Nam là cái phao cho K+. Một lãnh đạo nhà đài này từng thừa nhận sở hữu Ngoại hạng Anh là mục tiêu sống còn, bởi nó không chỉ giữ mà còn tăng số lượng thuê bao cũng như doanh thu quảng cáo. Điều đó giải thích tại sao K+ sẵn sàng chi ra nhiều hơn so với 30 triệu đô cho gói 3 mùa trước (2016-2019).
Nhưng con số thực tế K+ phải chi cho quyền độc quyền Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2019/20, 2020/21 và 2021/22 có đúng là 46,8 triệu đô hay nhiều hơn? Và khoản đầu tư lên tới con số nghìn tỉ của K+ có hiệu quả khi báo cáo tài chính những năm gần đây của VSTV (đơn vị liên doanh giữa VTV và Canal+ và sở hữu K+) liên tục báo lỗ?
Đón xem bài tiếp theo: Cuộc chơi nhiều nghìn tỉ cho bản quyền Ngoại hạng Anh sẽ đi đến đâu?