Nguyên Mạnh vừa mắc sai lầm góp phần khiến ĐT Việt Nam dừng bước ở bán kết AFF Cup 2016. Nhưng tình huống tương tự không hiếm trong làng bóng đá thế giới, chẳng nói đâu xa nó xảy ra khá nhiều ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cấp CLB như Premier League
Chia sẻ với báo chí sau khi tối ác mộng ở Mỹ Đình, Nguyên Mạnh thừa nhận anh đã mắc sai lầm trước sức ép quá lớn từ tính chất của trận đấu: “Lên đội tuyển với những áp lực một giải đấu lớn, đôi khi tôi không còn là chính mình. Thật ra đấy cũng đơn giản chỉ là phản xạ khi đội bạn cố tình chơi xấu, trong một khoảnh khắc mình không kiểm soát được cái đầu nên thành ra như vậy”.
Trước khi... đạp tiền đạo Indonesia và nhận thẻ đỏ rời sân ở phút 74, Nguyên Mạnh còn mắc lỗi phán đoán sai tình huống, không thể bắt dính bóng sau đường tạt của Boaz, trước khi lóng ngóng va phải Đình Đồng dẫn tới tình huống tiền đạo Indonesia dễ dàng đá bồi mở tỷ số của trận đấu.
Video những tình huống Nguyên Mạnh mắc lỗi ở trận BK lượt về AFF Cup 2016
Không quá khi nói rằng thủ môn là vị trí chịu nhiều áp lực khủng khiếp nhất trên sân. Họ là chốt chặn cuối cùng và "luôn phải đứng trên lằn ranh giữa một bên là người hùng được tung hô với một phía là kẻ tội đồ hứng chịu mọi lời công kích và sự khác biệt có thể xảy ra chỉ trong một pha bóng, một khoảnh khắc phải đưa ra quyết định cực nhanh" - cựu thủ thành lừng danh Jens Lehmann từng tâm sự.
Chơi ở vị trí mà mọi sai lầm dù là nhỏ nhất cũng có thể phải trả giá đắt bằng bàn thua, thất bại cay đắng hay thậm chí khiến đội nhà mất đứt một danh hiệu, nên mọi thủ môn phải rèn luyện và có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý.
Nói cách khác, để giữ sự tập trung cao độ suốt 90 phút, qua đó đưa ra những quyết định sáng suốt nhất có thể, kiểm soát tốt trạng thái tâm lý trước mọi diễn biến có thể xảy ra (sức ép khán giả, bị đối phương chơi xấu, vướng mắc những vấn đề cá nhân...), các thủ môn phải tôi luyện cho mình "cái đầu lạnh". Và điều này không thể tìm thấy trong một sớm một chiều mà nó chỉ thành công sau cả một quá trình học tập, rèn luyện, được hướng dẫn và giảng dạy cặn kẽ, khoa học các bài tập tâm lý (Mental Trainning).
"Tâm lý - đó là yếu tố tối quan trọng trong huấn luyện thủ môn", Walter Junghans - từng chơi hơn 400 trận tại Bundesliga trong đó có 100 trận với Bayern Munich, từng dự EURO 1980 cùng tuyển Đức và hiện vẫn giữ vai trò HLV thủ môn, làm việc với thủ thành số 1 thế giới Manuel Neuer, nhận xét trong bài trả lời phỏng vấn Xinhua hồi tháng trước.
"Neuer là số 1 bởi rất đơn giản, anh ấy biết cách đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất. Nhưng để có được "điều đơn giản" ấy là cả một quá trình rèn luyện tâm lý theo từng cấp độ phát triển trong sự nghiệp", Junghans chia sẻ.
Trên thực tế, các thủ môn Đức vốn nổi tiếng về cá tính, tâm lý mạnh mẽ, ít phạm sai lầm và bắt rất chắc tay trong làng bóng đá thế giới. Nhưng họ cũng là người thường, không phải robot hay... "Thánh sống" để tránh phạm những sai lầm đôi khi phải gắn mác "hết sức ngớ ngẩn".
Video những sai lầm ngớ ngẩn của Manuel Neuer
Chính Neuer đã không ít lần trong sự nghiệp "ói bóng", vồ ếch, ra lố đà... để rồi chuốc lấy những bàn thua ê chề. Và giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cấp CLB, Premier League, nơi mọi thứ tưởng như thật hoàn hảo, thì sai lầm của các thủ môn vẫn là... chuyện thường mỗi cuối tuần.
Chẳng nói đâu xa, vòng đấu trước đã chứng kiến không ít những tình huống thủ môn mắc lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua của đội nhà. Ví như ở trận đấu "điên rồ" bậc nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng giữa Liverpool với Bournemouth, thủ thành Loris Karius đã "ói bóng" trong tình huống anh phải làm tốt hơn thế rất nhiều, để rồi sai lầm này tạo điều kiện cho Nathan Ake nhanh chân ấn định chiến thắng 4-3 cho Bournemouth.
Trước đó, thủ thành Artur Boruc cũng phán đoán sai lầm khi lao ra khỏi vòng cấm địa để truy cản tình huống tấn công của Divock Origi, tạo cơ hội cho tiền đạo Liverpool dễ dàng nâng tỷ số của trận đấu lên thành 2-0 với một cú dứt điểm vào khung thành trống của Bournemouth.
Tương tự, Maarten Stekelenburg cũng hấp tấp lao ra ngoài khu vực 16m50 để truy cản Ibrahimovic, dù tiền đạo người Thụy Điển vẫn đang bị kèm sát bởi một hậu vệ của Everton. Tận dụng sai lầm của Stekelenburg, Ibrahimovic đã thực hiện một cú tâng bóng kỹ thuật qua đầu thủ môn Everton để ghi bàn mở tỷ số cho Man Utd.
Đây là lần thứ hai ở mùa giải năm nay Stekelenburg mắc sai lầm khiến Everton phải nhận bàn thua. Bản thân thủ môn người Hà Lan cũng đang dẫn đầu danh sách những thủ môn mắc nhiều lỗi nhất dẫn đến bàn thua của đội nhà sau 14 vòng đầu ở mùa giải năm nay.
Video những tình huống các thủ môn mắc lỗi dẫn đến bàn thua tại vòng 14 Premier League
Rõ ràng, trong vai trò chốt chặn cuối cùng của một đội bóng, phong độ của các thủ môn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành tích chung của toàn đội. Chẳng thế mà cựu thủ môn Shaka Hislop của Newcastle và West Ham lại lên tiếng cảnh báo Man City và Liverpool rằng: “Các đội bóng luôn cần một thủ môn tuyệt vời để vô địch Premier League. Điều này chưa bao giờ thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử của Premier League”.
Khổ nỗi, cả Loris Karius lẫn Claudio Bravo đều chưa thể mang lại sự yên tâm nơi khung gỗ của Liverpool và Man City. Tính đến thời điểm hiện tại, hai người cùng mắc 1 lỗi trực tiếp dẫn đến bàn thua của đội nhà, kèm theo hàng loạt tình huống mắc lỗi vị trí. Ví như Hislop cho rằng, Bravo nên đứng ở một vị trí tốt hơn đế có thể đổ người cản phá cú sút của Willian thay vì đứng yên nhìn bóng bay vào lưới trong sự bất lực khi Man City bị Chelsea hạ đo ván 3-1 mới đây.
Một ví dụ nữa cho thấy tầm quan trọng của các thủ môn là phong độ trồi sụt của Simon Mignolet ở mùa giải năm ngoái đã khiến Liverpool đánh rơi chiếc vé dự Cúp châu Âu vào mùa giải năm nay. Cụ thể, thủ môn người Bỉ mắc đến 4 lỗi dẫn đến bàn thua của đội nhà, nhiều thứ 2 Premier League 2015/16 và khiến Liverpool đánh rơi 8 điểm trong 4 trận hòa với West Brom, Sunderland, Norwich và Newcastle.
Đặt giả thuyết Mignolet không mắc sai lầm, Liverpool sẽ có 68 điểm ở mùa giải năm ngoái để đoạt vé dự vòng sơ loại Champions League thay cho Man City chỉ có 66 điểm.
Đó là câu chuyện ở Premier League, còn tại Việt Nam, khi đội tuyển của chúng ta vượt qua Thái Lan trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008, HLV trưởng của ĐT Thái Lan vào thời điểm đó là Peter Reid đã không tiếc lời khen ngợi thủ môn Dương Hồng Sơn.
Đây chắc chắn không phải lời khen ngợi xã giao, bởi thực tế Dương Hồng Sơn đã thi đấu rất hay với 2 tình huống cản phá những cú dứt điểm hiểm hóc của Sutee và Sunthornpit. Nếu thủ môn gốc Nghệ An không chơi xuất sắc, chưa chắc đội tuyển Việt Nam đã bảo toàn được chiến thắng trước người Thái.
Thú vị ở chỗ, trước khi trở thành người hùng của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2008, Dương Hồng Sơn cũng từng mắc sai lầm hết sức ngớ ngẩn khi bắt hụt bóng khiến Việt Nam thua Thái Lan trong ngày ra quân tại chính AFF Cup 2008.
Nhìn lại để thấy, việc thủ môn phạm sai lầm, đặc biệt những sai lầm trực tiếp dẫn đến bàn thua đã, đang và sẽ là một phần của trận đấu, trong giải đấu, mà không ai lường trước được rủi ro có thể xảy đến lúc nào.
Có chăng, như lời khuyên của người gác đền số 1 thế giới ngày nào, Oliver Kahn, "điều tốt nhất với các thủ môn đó là anh ta nên quên đi tất cả, từ những tình huống cứu thua xuất thần đến pha mắc lỗi tồi tệ nhất, không chỉ ngay trong trận mà quan trọng là sau trận, bởi chỉ có vậy những thủ môn mới tránh được những rắc rối về tâm lý cũng như rủi ro đánh rơi phong độ ở chặng đường dài phía trước".