Các đội bóng Premier League vừa có lần đầu làm ăn có lãi trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông, kết quả chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cách tiêu tiền điên rồ của bóng đá Trung Quốc.
Thống kê của chuyên trang chuyển nhượng cầu thủ uy tín Transfermarkt cho thấy, các đội bóng Anh “đốt” đến 218 triệu bảng vào thị trường chuyển nhượng tháng 01/2017, tăng gấp 5 lần so với mức chi tiêu vào tháng 01/2003 (46 triệu bảng) và tiệm cận kỷ lục chi 225 triệu bảng mua cầu thủ ở kỳ chuyển nhượng tháng 01/2011.
Thực tế, các đại diện Premier League gần như không tạo ra bất cứ thương vụ bom tấn nào trong tháng 1 năm nay. Gabriel Jesus, tân binh đáng chú ý nhất của giải Ngoại hạng trong mùa Đông năm nay cũng chỉ có 27 triệu bảng.
Chưa kể, thương vụ mua bán của Man City vốn đã hoàn tất từ mùa Hè năm ngoái. Jesus chỉ ở lại thi đấu cho Palmeiras đến khi giải VĐQG Brazil kết thúc vào cuối năm theo thỏa thuận giữa hai đội bóng.
Mặc dù vậy, Premier League vẫn có thể vượt mặt các giải đấu khác về mức độ chi tiêu trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông nhờ 2 nguyên nhân chính: mức bản quyền truyền hình mới có trị giá khổng lồ hơn 8 tỷ bảng và điều luật hạn chế ngoại binh tại giải VĐQG Trung Quốc.
Trước hết, số tiền lớn từ bản quyền truyền hình mới cho phép các đại diện nhỏ của giải Ngoại hạng Anh cũng có thể mạnh tay trên thị trường chuyển nhượng. Không nói đâu xa, tân binh Burnley mới trả 13 triệu bảng mua tiền vệ Robbie Brady từ Norwich, hay Crystal Palace chiêu mộ Luka Milivojevic từ Olympiacos với mức phí 14 triệu bảng.
Một chi tiết nữa cho thấy sự ảnh hưởng của bản quyền truyền hình đến mức chi tiêu của các đội bóng Premier League là số tiền trung bình dùng để mua cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông của các đội bóng Anh tăng từ mức 1,5 triệu bảng/đội vào năm 2011 lên mức 5,8 triệu bảng/đội vào mùa giải năm ngoái, tức thời điểm Premier League có hợp đồng bản quyền truyền hình mới.
Mặt khác, việc LĐBĐ Trung Quốc ban hành điều luật mới về số lượng ngoại binh tại các đội bóng đang thi đấu tại China Super League cũng góp phần không nhỏ giúp Premier League xếp đầu thế giới về mức độ chi tiêu.
Thực tế, các đội bóng Trung Quốc không tạo ra thêm bất kỳ một thương vụ bom tấn nào, kể từ khi điều luật hạn chế ngoại binh được ban hành vào đầu năm nay.
Đích thân Chủ tịch Shu Yuhui của CLB Tianjin Quanjian cũng phải thừa nhận, quy định giới hạn cầu thủ nước ngoài tại Chinese Super League sẽ khiến tham vọng sở hữu các ngôi sao tầm cỡ thế giới của các đội bóng nước này gặp trở ngại lớn.
Con số này tăng gấp 1.000 lần, đạt mức kỷ lục 292 triệu bảng vào kỳ chuyển nhượng tháng 1 năm ngoái. Đó cũng là lần đầu tiên giải VĐQG Trung Quốc có mức chi cao nhất thế giới, vượt qua cả Premier League.
Mặc dù vậy, China Super League vẫn còn khả năng vượt mặt Premier League trong bảng xếp hạng các giải đấu chi tiêu mạnh nhất trên thị trường chuyển nhượng năm nay khi thị trường mua bán cầu thủ tại Trung Quốc kéo dài đến tận cuối tháng 2, trong khi các đội bóng châu Âu phải dừng công tác chuyển nhượng từ hôm qua.
Viễn cảnh trên hoàn toàn có thể xảy ra khi khoảng cách giữa Premier League và China Super League chỉ vỏn vẹn 33 triệu bảng, chỉ bằng 18% mức chi hiện tại của giải VĐQG Trung Quốc trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay.
Mặc dù vậy, các đội bóng Trung Quốc rất khó tái lập thành tích trên khi quy định hạn chế ngoại binh sẽ có hiệu lực ngay từ kỳ chuyển nhượng mùa Đông kế tiếp.
Nên nhớ rằng, China Super League chỉ bám sát Premier League trong kỳ chuyển nhượng năm nay nhờ kích nổ các thương vụ bom tấn trước khi LĐBĐ bóng đá Trung Quốc ban hành điều luật mới về số lượng ngoại binh.
Premier League lần đầu mua bán có lãi
Mặc dù chi nhiều hơn 7 triệu bảng so với kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm ngoái và tiệm cận mức chi kỷ lục trong kỳ chuyển nhượng tháng 1 của giải đấu, nhưng Premier League lại có lần đầu tiên mua bán cầu thủ có lãi trong kỳ chuyển nhượng năm nay.
Cụ thể, các đội bóng Anh thu về tổng cộng 231 triệu bảng từ việc bán cầu thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2017, nhiều hơn 12 triệu bảng so với số tiền bỏ ra để mua cầu thủ.
Những thương vụ tiêu biểu có thể kể đến như Chelsea bán Oscar cho Shanghai SIPG với mức giá 60 triệu bảng, West Ham bán Dimitri Payet sang Marseille để thu về 25 triệu bảng, hay Man Utd đút túi 16 triệu bảng sau khi đẩy “thùng rác vàng” Memphis Depay đến Lyon.
Thực tế, Premier League sẽ không thể làm ăn có lãi, nếu không có sự “điên rồ” của các đại gia Trung Quốc. Chỉ riêng thương vụ Oscar đã chiếm đến 26% doanh thu bán cầu thủ của các đội bóng Anh.
Rõ ràng, ngay cả khi đạt phong độ cao nhất trong màu áo Chelsea, Oscar cũng hiếm được đại gia châu Âu nào hỏi mua với mức giá 60 triệu bảng chứ đừng nói đến chuyện trồi sụt phong độ và mài đũng quần trên băng ghế dự bị Chelsea kể từ đầu mùa giải năm nay.
Nhưng thực tế các đại gia Trung Quốc vẫn chấp nhận trả mức giá trên trời cho Chelsea để rước tiền vệ người Brazil về China Super League. Sau đó, Odion Ighalo cũng rời Watford để gia nhập Changchun Yatai với mức phí 20 triệu bảng.
Đáng nói ở cỗ, chính cách "đốt tiền" vô tội vạ của các đội bóng lại đang làm giàu cho các đại gia lắm tiền nhiều của ở Premier League.