Cầm bóng đang là xu thế của các đội lớn, còn tạt bóng là đặc trưng của bóng đá Anh, song tại Premier League mùa này, cả hai phong cách chơi này đều không được ưa thích.
Cầm bóng hay không chẳng khác biệt
Trên thế giới, tiki-taka chưa chết. Nhưng tại Premier League, triết lý bóng đá này không còn ảnh hưởng đáng kể nữa. Vấn đề đương nhiên là do hiệu quả. Thống kê cho biết trong mùa 2011/12, có đến 174 chiến thắng thuộc về đội cầm bóng nhiều hơn so với 113 chiến thắng cho đội cầm bóng ít, chênh lệch lên tới 61 trận.
Ở 2 mùa sau, chênh lệch này vẫn còn tới 40 trận (156 – 116 mùa 2012/13 và 170 – 130 mùa 2013/14). Đến mùa trước, khác biệt vẫn còn tới 23 trận (155 – 132), nhưng sang mùa này, chênh lệch chỉ còn có 2, nghĩa là không đáng kể (137 – 135).
Hiện tượng này rõ ràng chưa từng thấy ở Premier League, nơi có bao giờ các đội chủ trương chuyền bóng nhiều lại chẳng thể tìm được cách tung ra đòn quyết định hoặc những đội buộc phải chơi phản công gặt hái được thành công như Leicester? Nhưng đúng là thay đổi nào đều có cái lý của nó.
Cụ thể ở mùa này, các đội không đủ sức cầm bóng đã tìm được cách tiếp cận trận đấu khôn ngoan hơn với ý tưởng giữ vững cự ly đội hình, yêu cầu các cầu thủ chủ động bọc lót để khỏa lấp khoảng trống giữa các tuyến và hạn chế tối đa khoảng trống phía sau hàng thủ.
Bên cạnh đó, bằng cách bố trí đội hình lùi sâu, phong tỏa các khoảng trống giữa các tuyến để ép đối thủ phải chuyền bóng ra hai cánh, các đội chơi phản công còn cố gắng tránh bị kéo dãn đội hình, đồng thời tiết kiệm thể lực nên không chủ trương đuổi theo bóng nên hiếm khi tỏ ra lúng túng trước sức ép nặng nề. Và dựa vào các cầu thủ giàu thể lực cùng kỹ thuật, các đội không chủ trương cầm bóng chuyển từ phòng ngự sang tấn công hiệu quả hơn hẳn trước đây.
Phản công thắng thế
Vì vậy mà ở mùa 2015/16, Premier League có tới 106.974 đường chuyền gần khung thành đối phương, nhiều hơn mọi mùa trước và tăng gần 3.000 lần so với mùa qua, trong đó phần nhiều là đường chuyền khởi xướng phản công nhanh. Do đó, những đội có thói quen đẩy các hậu vệ biên lên cao hỗ trợ tấn công rất dễ bị phản đòn.
Thành công của West Ham thời Slaven Bilic phản ánh phần nào hiện trạng này, khi một loạt chiến thắng của “Những chiếc búa” trước các đối thủ mạnh đều xảy ra khi họ cầm bóng ít hơn, như khi hạ Arsenal 2-0 tại Emirates (38,2%), thắng Liverpool 3-0 ở Anfield (37,3%), hạ Man City 2-1 tại Etihad (28,5%), thắng Tottenham 1-0 tại Boleyn Ground (34,9%) và thắng Man Utd 3-2 cũng trên sân nhà (41,3%).
Nguyên nhân phần nào dẫn tới hiện tượng lối chơi phản công thắng thế còn vì các đội chủ trương cầm bóng tấn công như Arsenal, Man Utd hoặc Chelsea lạm dụng chuyền bóng quá nhiều hoặc đưa bóng lên trên quá chậm. Trong số các “đại gia”, ManCity gặp nhiều khó khăn nhất khi đối mặt với những đội chơi phản công.
Ví dụ như thầy trò Manuel Pellegrini thua 1-4 tại White Hart Lane khi Tottenham cầm bóng có 46%, thua 1-4 trên sân nhà khi Liverpool giữ bóng có 41,6%, thua 1-2 cũng tại Etihad khi West Ham kiểm soát bóng vỏn vẹn 28,5%, thua 1-2 tại Emirates khi Arsenal giữ bóng 37,3%, thua 1-3 tại Etihad khi Leicester cầm bóng 34,1% hoặc thua 0-1 trên sân nhà khi Man Utd có bóng chỉ 45,5%.
Nghệ thuật tạt bóng đang mai một
Đặc điểm đáng chú ý khác ở Premier League 2015/16 là số pha tạt bóng đang ngày càng giảm, tỷ lệ thuận với số đường tạt bóng chính xác.
Ở mùa 2005/06, bình quân mỗi trận còn có 41,64 quả tạt với tỷ lệ chính xác 29,07%. Con số này có xu hướng giảm dần: 37,3 – 21,60% mùa 2006/07; 36,73 – 21,38% mùa 2007/08; 38,82 – 20,83% mùa 2008/09; 36,32 – 20,75% mùa 2009/10; 37,03 – 20,42% mùa 2010/11; 34,52 – 20,54% mùa 2011/12; 32,24 – 19,48% mùa 2012/13; 30,54 – 19,26% mùa 2013/14; 29,55 -18,66% mùa 2014/15; còn nay chỉ ở mức 29,23 quả tạt/trận chính xác 18,91%.
Sở dĩ “tuyệt kỹ” tạt bóng – đánh đầu của người Anh không còn được ưa dùng là do các nhà cầm quân cảm thấy tấn công từ hai cánh không đem đến hiệu quả như mong muốn, nên thay vào đó, họ ngày càng ưa thích mẫu cầu thủ chạy cánh cầm bóng xộc vào giữa, đồng thời khuyến khích các hậu vệ biên dâng lên chiếm lĩnh hai cánh.
Điều này giải thích tại sao ở mùa 2015/16, có tới 9/20 cầu thủ tạt bóng chính xác nhất trong thế trận mở lại lại các hậu vệ. Xu thế này cũng lý giải tại sao đôi khi đội bóng tổ chức tấn công mà không thấy cầu thủ nào của họ di chuyển vào vùng 16m50.
Tận dụng phạt góc và dứt điểm tốt
Nhưng khi tạt bóng không còn hiệu quả như trước, phạt góc lại trở thành nỗi kinh hoàng của các hàng thủ ở Premier League 2015/16. Bằng chứng là có tới 141 bàn thắng đến từ quả phạt góc, cao hơn mùa trươc 14 bàn và chiếm 13,7% trong tổng số các bàn thắng.
Trong 12 mùa qua, Premier League chỉ có đúng 1 lần chứng kiến phạt góc đem lại nhiều bàn hơn thế. Liverpool, Man Utd, Swansea, Everton cùng Bournemouth là các đội thường thua từ tình huống cố định kiểu này mà thường vì để xổng cầu thủ đối phương.
Thế nhưng, nguyên nhân thật sự không phải do họ tổ chức phòng thủ kém, mà vì độ chính xác của những cú đá phạt góc ngày càng cao chứng tỏ các HLV đang dành thêm thời gian để đội nhà tập luyện tình huống này.
Hiệu quả của những pha đá phạt góc phần nào còn do mùa này, các cầu thủ tận dụng cơ hội tốt hơn. Vì thế, tổng số bàn thắng của Premier League 2015/16 không chênh lệch bao nhiêu so với những mùa trước, nhưng số pha dứt điểm thấp hơn nhiều. Thậm chí là chưa có mùa nào Premier League đạt được tỷ lệ sút đúng chính xác tới 45,55% và chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng đạt tỷ lệ 14,45% như mùa này.
So sánh hiệu suất ở mùa trước với mùa này của các ngôi sao hàng đầu cũng có thể xác nhận điều đó, khi Jamie Vardy nhân đôi tỷ lệ từ 13% lên 26%, hoặc Riyad Mahrez từ 9% lên 28%, hoặc Romelu Lukaku từ 13% lên 21%. Nổi bật còn có Jermain Defoe 25% và Marcus Rashford 56%.