Vụ Aguero thúc cùi chỏ và nhận án treo giò 3 trận vẫn gây tranh cãi ở phía sau hậu trường, khi mảng tối của trọng tài ở Premier League bị bóc mẽ.
Khi trọng tài phải tuân theo luật… Omerta
Người vừa khiến giới cầm còi, LĐBĐ Anh và những ai quan tâm đến giải Ngoại hạng một phen rúng động là trọng tài kỳ cựu Mark Halsey.
Vị trọng tài cấp FIFA đã giải nghệ hồi năm 2013 đã gây sốc khi thừa nhận ông từng được chỉ thị “phải ngoảnh mặt làm ngơ, coi như chẳng thấy gì ở những tình huống tranh cãi khi điều khiển trận đấu tại Premier League”. Và khi kết thúc trận đấu, Halsey cũng buộc phải nói dối rằng “chẳng nhìn thấy gì hết”, nếu được hỏi về pha bóng gây tranh cãi.
Cụ thể hơn, Mark Halsey đã chỉ đích danh PGMOL là đơn vị yêu cầu ông cũng như nhiều trọng tài khác làm theo “Luật im lặng” như trên. Vậy PGMOL là ai?
Chính xác PGMOL là tên viết tắt của Cơ quan đại diện các trọng tài chuyên nghiệp tại Anh, được thành lập từ năm 2001. Ngay sau tiết lộ động trời của trọng tài Halsey, LĐBĐ Anh đã lập tức mở cuộc điều tra.
Trong khi đó, về phần mình PGMOL phủ nhận mọi cáo buộc rằng đã ép các trọng tài phải tuân theo “Luật im lặng” và “nói dối” liên quan đến các tình huống gây tranh cãi. Cơ quan này tuyên bố: “Trọng tài và các giám sát trận đấu nộp báo cáo sau trận, bao gồm cả những tình huống tranh cãi, trực tiếp cho LĐBĐ Anh. Các trọng tài cũng chẳng chịu áp lực nào khi điều khiển trận đấu cũng như khi viết báo cáo sau trận”.
Giải đấu xịn, trọng tài kém
Trở lại sự vụ chính dẫn tới scandal đang làm rúng động giới trọng tài Anh cũng như cả giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh Premier League, nó bắt nguồn từ vụ việc liên quan đến ngôi sao Sergio Aguero.
Ở trận gặp West Ham cách đây hơn 1 tuần, Aguero có hành vi xấu chơi khi thúc cùi chỏ vào cổ họng Winston Reid, khiến cầu thủ này bị đau phải rời sân. Dù trọng tài chính Andre Marriner có góc quan sát tốt, đứng khá gần, nhưng ông lại không rút thẻ đỏ và sau trận tuyên bố “không thấy rõ tình huống đó”.
Tuy vậy, khi FA vào cuộc mổ băng phân tích, cơ quan này xác định Aguero đã có hành vi thô bạo và đưa ra án phạt treo giò 3 trận với ngôi sao người Argentina. Rõ ràng, ở đây câu hỏi đặt ra là: Liệu có hay không việc trọng tài cố tình ngó lơ những tình huống tranh cãi, hay tệ hơn là họ làm thế để giúp cho các ông lớn như Man City chẳng hạn?
Sau cùng, liệu sau sự cố này những “tai nạn” nào nữa liên quan đến chuyên môn trọng tài sẽ còn xảy ra ở các trận đấu trong khuôn khổ Premier League, giải VĐQG chuẩn mực, lôi cuốn nhất thế giới?
Tình huống Aguero thúc cùi chỏ trúng cổ họng Winston Reid
Còn nhớ hồi cuối tháng 4 năm nay, khi mùa giải 2015/16 sắp kết thúc, Keith Hackett, một trong những nhân vật lãnh đạo cấp cao ở PGMOL đã thừa nhận rằng tỷ lệ mắc sai lầm của các trọng tài làm nhiệm vụ tại Premier League đang ở mức báo động.
“Những trọng tài giỏi như Howard Webb, Mark Halsey đã giải nghệ. Có thể chúng ta đang có những trọng tài uy tín như (Mark) Clattenburg, (Mike) Dean, (Anthony) Taylor and (Michael) Oliver, nhưng còn khá nhiều người chưa thể kiểm soát tốt trận đấu, kiểm soát cầu thủ cũng như đối mặt sức ép từ các khán đài”, Hackett tiết lộ. “Những mùa gần đây nếu trung bình 10 trận mới có 1 sai lầm nghiệm trọng từ phía các trọng tài thì mùa này (15/16) tỷ lệ là 1 lỗi/4 trận”.
Để minh chứng cho tuyên bố của Keith Hacket, cựu trợ lý trọng tài từng làm việc ở World Cup, Glenn Turner khi đó đã công bố kết quả điều tra kết hợp với trang YouaretheRef.com cho thấy, tính đến hết trước vòng đấu cuối tuần qua, sau 333 trận, các trọng tài đã mắc tới 84 lỗi nghiêm trọng bao gồm những phán quyết sai lầm dẫn tới bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ...
Như thế, trung bình cứ 3,96 trận lại có 1 sai lầm có thể ảnh hưởng tới kết quả chung cuộc.
Nhìn ở khía cạnh “tích cực” nhất, những trọng tài ít mắc lỗi nghiêm trọng gồm có Mark Clattenburg, người đại diện cho nước Anh bắt ở EURO Hè vừa qua trung bình 5,4 trận mới mắc 1 sai lầm tai hại . Trọng tài Martin Atkinson, một gương mặt khác cũng làm việc ở EURO, có tỷ lệ 1 lỗi nghiêm trọng/4,14 trận. Và tốt nhất là trọng tài Anthony Taylor, người mới mắc 3 lỗi nghiêm trọng sau 27 trận cầm còi mùa trước, tức trung bình 9 trận mới mắc 1 lỗi.
Ngược lại, ở nhóm vua sân cỏ bị chỉ trích và hứng chịu “gạch đá” nhiều nhất mùa trước phải kể đến cái tên Jon Moss. Vị trọng tài 45 tuổi này đã mắc tới 13 lỗi có thể tác động tới kết quả chung cuộc sau 22 trận cầm còi ở Premier League 2015/16 tính đến cuối tháng 4 vừa qua, tức trung bình 1,69 trận lại mắc 1 lỗi tai hại.
Đáng chú ý, CLB West Ham vừa gián tiếp chịu hậu quả từ sai lầm của trọng tài ở trận gặp Man City cũng chính là “nạn nhân” chịu nhiều oan khuất nhất mùa trước do sai lầm của các trọng tài.
Thông số điểm trên được tính toán dựa trên việc gạt bỏ đi những sai lầm của các trọng tài khi ra phán quyết ở tình huống phạt đền, ghi bàn, rút thẻ đỏ... ở mùa giải trước.
Bởi theo thống kê của Turner, nếu không phải chịu những phán quyết sai lầm của trọng tài (rút thẻ, tình huống ghi bàn, việt vị, phạt đền…), tính đến cuối tháng 4 vừa qua, vị trí của West Ham là số 2 chứ không phải dành cho Tottenham, đội sau đó xếp thứ 3 chung cuộc còn West Ham xếp thứ 7.
Bao giờ EPL mới áp dụng công nghệ VAR?
Trận giao hữu giữa tuyển Italia và Pháp hôm 1/9 đã ghi nhận một sự kiện lịch sử của bóng đá thế giới khi lần đầu tiên công nghệ Video Assitant Referee (video quay chậm hỗ trợ trọng tài) được sử dụng trong một trận đấu.
Hiểu nôm na, quy trình vận hành công nghệ VAR như sau: Có hai trợ lý sẽ xử lý các tình huống được camera ghi lại. Khi Trọng tài yêu cầu kết quả rõ hơn từ những tình huống tranh cãi (phạm lỗi nguy hiểm, việt vị, bóng chạm tay trong vòng cấm, phạm lỗi dẫn tới phạt đền, bàn thắng hợp lệ hay không…), bộ phận trực camera sẽ xem lại, phân tích rồi gửi kết quả cuối cùng cho trọng tài chính để ông này đưa ra phán quyết sau cùng.
Người điều khiển trận giao hữu Ý - Pháp vừa qua là Bjorn Kuipers, vị trọng tài nổi tiếng người Hà Lan đã 2 lần yêu cầu hỗ trợ công nghệ VAR.
Ở tình huống đầu tiên ngay phút thứ 3 khi Sidibe có pha vào bóng nguy hiểm với De Rossi. Kuipers thừa nhận ban đầu ông định rút thẻ đỏ với cầu thủ người Pháp, nhưng sau khi tham vấn ý kiến từ bộ phận trợ lý trực camera quay chậm, ông chỉ rút thẻ vàng với Sidibe.
Tình huống thứ hai Kuipers sử dụng công nghệ VAR đó là pha bóng De Rossi đánh đầu và bóng chạm tay Kurzawa ở phút 31. Các cầu thủ Ý đòi hưởng phạt đền, nhưng sau khi tham khảo ý kiến trợ lý, Kuipers quyết định đó là tình huống Kurzawa không chủ định để bóng chạm tay.
Được biết, sau trận đấu trên, Chủ tịch FIFA Gianni Infantino tuyên bố muốn đưa công nghệ VAR vào áp dụng ở World Cup 2018. Còn ở cấp độ CLB, kể từ mùa giải này hai giải đấu cấp cao nhất tại Italia là Serie A, Serie B cùng với Cúp QG Ý bắt đầu được “thử nghiệm nguội”, tức chỉ làm mô hình thí dụ, để chuẩn bị cho việc đưa VAR vào áp dụng chính thức kể từ mùa tới.
Trong khi đó, dù Anh là 1 trong số 15 quốc gia quan tâm đến VAR thì vẫn chưa có lộ trình cụ thể nào để đưa công nghệ này vào áp dụng ở giải đấu hấp dẫn nhất Premier League.
Động thái duy nhất, hồi cuối tháng 5 vừa qua LĐBĐ Anh đã nhóm họp với BTC Premier League, các CLB cấp dưới cũng như cơ quan trọng tài nhằm thảo luận việc thử nghiệm công nghệ VAR cho mùa giải này. Tuy nhiên, khi trái bóng Premier League 2016/17 đã lăn thì đến thời điểm này có thể chắc chắn một điều, công nghệ VAR gần như sẽ không xuất hiện trên các sân cỏ Anh từ giờ cho đến hết mùa.
Thực tế, chi phí triển khai vận hành công nghệ VAR tiết kiệm, kinh tế hơn nhiều so với công nghệ Goal-line đắt đỏ đang được áp dụng ở Premier League. Và đương nhiên, không khó để nhận thấy ưu điểm vượt trội của VAR, thay vì chỉ xử lý tình huống bóng qua vạch vôi hay chưa mà Goal-line đang đảm nhiệm.
Rõ ràng, kinh phí triển khai công nghệ VAR không phải vấn đề với bóng đá Anh, đặc biệt là Premier League. Mà xem ra mấu chốt nằm ở chỗ những nhà quản lý cần phải thay đổi sự bảo thủ - đặc tính quen thuộc khi nhắc đến Anh - trong việc tiếp thu, đưa công nghệ tiên tiến nhất vào phục vụ Premier League.
Bản thân giải Ngoại hạng đã là thương hiệu đẹp, hấp dẫn nhất hiện tại. Và giá trị của nó càng sáng bóng vởi gói bản quyền truyền hình 3 mùa tới đạt giá kỷ lục 8,3 tỷ bảng, yếu tố giúp Premier League vừa lần đầu tiên chi vượt mốc 1 tỷ bảng trên TTCN Hè.
Mỗi trận đấu Premier League giờ thu hút hằng triệu người xem và vì chất lượng, danh tiếng của nó, cần phải hạn chế tối đa những sai lầm của trọng tài vốn được ví như hạt sạn chẳng đáng có nếu được công nghệ hỗ trợ.