Man City thực sự bị cáo buộc về tội gì?
Vào tháng 11 năm ngoái, tờ Der Spiegel của Đức đã công bố một loạt các tiết lộ động trời về Man City, dựa trên những e-mail mà họ đã nhận dược từ Football Leaks. Trong đó, Der Spiegel cáo buộc Man City đã sử dụng hợp đồng tài trợ của họ với hãng hàng không Etihad Airways để ngụy trang nguồn đầu tư từ ông chủ Sheikh Mansour bin Zayed al-Nahyan.
Theo đó, bản hợp đồng này trị giá 67,5 triệu bảng nhưng có tới 59,5 triệu bảng thuộc về tập đoàn Abu Dhabi United của Sheikh Mansour, trong khi Etihad Airways chỉ tài trợ 8 triệu bảng. Từ số tiền này, Man City đã làm giả doanh thu hoạt động thương mại để phù hợp với FFP.
Điều này có gì sai trái?
Trên lý thuyết, không có gì sai trái khi chủ sở hữu đầu tư vào câu lạc bộ của họ. Thế nhưng, theo luật FFP do UEFA quy định có giới hạn về số tiền mà các đội bóng có thể chi tiêu.
Các quy tắc được đưa ra để ngăn chặn các CLB hoạt động ở mức thua lỗ không thể kiểm soát được.
FFP quy định các đội bóng báo cáo thiệt hại hơn 30 triệu euro (27 triệu bảng) trong thời gian ba năm sẽ phải đối mặt với án phạt từ Cơ quan kiểm soát tài chính CLB (CFCB).
Bằng cách ngụy trang các khoản đầu tư của chủ sở hữu dưới dạng thu nhập tài trợ, Man City sẽ có thể chi thêm 59,5 triệu bảng mỗi năm cho các khoản chuyển mà không ảnh hưởng đến chi tiêu của CLB, và UEFA sẽ không hề hay biết khi kiểm tra sổ sách của họ.
Hành động của UEFA
Sau loạt bài của Der Spiegel, UEFA đã mở một cuộc điều tra chính thức vào tháng Ba vừa qua.
Chỉ sau 2 tháng, mọi chuyện hoàn tất và vụ việc đã được đưa đến CFCB để chờ lời tuyên án cuối cùng. Phía Man City ngay lập tức cũng gửi đơn kháng cáo lên CFCB với tuyên bố đó là 'một sự thiếu sót cơ bản về quy trình'.
Trên thực tế đây không phải là lần đầu tiên họ bị lôi ra trước cánh tay tư pháp của cơ quan chủ quản. Năm 2014, Man City đã bị phạt khoản tiền kỷ lục 49 triệu bảng và chỉ được phép sử dụng 21 cầu thủ ở Champions League 2014/15. Ngân sách chuyển nhượng của họ cũng bị giới hạn ở mức 49 triệu bảng.
Man City có thể nhận án phạt gì?
Hồi tháng 1 vừa qua, trưởng bộ phận điều tra của CFCB, Yves Leterme, đã khẳng định rằng Man City sẽ phải chịu hình phạt nặng nhất nếu bị kết tội.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc nửa xanh thành Manchester sẽ bị cấm tham dự Champions League.
Man City đang làm gì để đảo ngược tình hình?
Cho tới thời điểm hiện tại, Man City vẫn khăng khăng rằng họ không làm gì sai cả, thường xuyên công kích quy trình của FFP trong quá trình điều tra. Tháng trước, Man City cũng đã tuyên bố cáo buộc nhắm tới họ là 'hoàn toàn sai lầm'.
Thậm chí, Man City đã gửi đơn kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) để đưa vụ việc ra tòa. Đơn kháng cáo đã được gửi đi vào đầu tháng 6 này, song nó nhiều khả năng sẽ không ngăn được phán quyết từ UEFA.
Điều đáng nói, sẽ không có lệnh cấm nào được ban hành cho đến khi kết thúc quá trình kháng cáo vậy nên vụ việc này sẽ còn mất thêm nhiều thời gian nữa để khép lại.
Ai sẽ được hưởng lợi nếu Man City nhận án phạt?
Do tính chất phức tạp và quá trình kháng cáo kéo dài nên khả năng cao Man City sớm nhất sẽ bị cấm thi đấu ở Champions League vào mùa 2020/21.
Nếu Man City mất suất, đội bóng xếp thứ 5 tại Premier League mùa giải sang năm sẽ được hưởng lợi và đó sẽ là tin vui với những CLB như MU hay Arsenal.
Song song với đó, một suất bổ sung tại Europa League sẽ mở ra và cơ hội cho các đội bóng tầm trung ở Ngoại hạng Anh được dự cúp châu Âu sẽ tăng lên.